Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đồng thời đề xuất có chính sách ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ đã không được chấp thuận. Chưa kể, tình trạng thiếu chip toàn cầu trong mấy tháng qua trở thành "cú đấm bồi" đối với ngành sản xuất ô tô trong nước.
Trong tháng 5, doanh số ô tô bán ra trên thị trường giảm gần 4.500 chiếc so với tháng trước.
Theo số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số ô tô trên toàn thị trường tăng trưởng hơn 30% trong quý I so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, từ tháng 4, doanh số bán ô tô bắt đầu sụt giảm. Đặc biệt, trong tháng 5, lượng ô tô bán ra trên thị trường chỉ còn gần 25.600 xe, giảm 15%, tương đương gần 4.500 chiếc so với tháng trước.
Thị trường chững lại
Nếu loại trừ tháng 2 với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày, tháng 5 chứng kiến doanh số ô tô thấp nhất từ đầu năm. Nguyên nhân là do dịch Covid-19 bùng phát trở lại với diễn biến phức tạp, đặc biệt tại thành phố lớn như: Hà Nội, TP.HCM... đang tác động mạnh lên thị trường.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc CTCP Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (TC Motor) đánh giá: "Tiêu thụ xe hơi toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2021 có thể sụt giảm mạnh về mức tương đương với cùng kỳ năm ngoái - thời điểm thị trường bị "sốc nặng" khi dịch Covid-19 lần đầu xuất hiện".
Còn Ford Việt Nam cho biết, sức mua tháng 5 giảm 35% so với tháng trước. Kia giảm 21%, BMW và Mini giảm 36%, Honda giảm 26%... Cùng với đó, các hãng xe khác cũng thông tin tồn kho đang tăng cao.
Anh Vũ Thanh Hải, nhân viên kinh doanh một đại lý Toyota ở Hà Nội cho biết: “Dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người lo lắng, hạn chế đi ra ngoài, đại lý xe những ngày này cũng vắng vẻ trông thấy. So với khoảng thời gian đầu tháng 4, khách hàng đến đại lý nay giảm đến khoảng 40-60%".
Các hãng và đại lý xe hơi đang chật vật xoay xở để ứng phó với tình hình tiêu thụ rất khó khăn bằng nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, quà tặng... để kích cầu trở lại. Hiện nay, nhiều mẫu xe từ giá rẻ đến hạng sang đều đang được các đại lý giảm giá từ mấy chục triệu đến hơn trăm triệu đồng. Ví dụ, mẫu xe rất hiếm khi nhận ưu đãi như Hyundai SantaFe đợt này cũng giảm sâu đến 150 triệu đồng; "đối thủ" của SantaFe là Honda CR-V giảm 130 triệu đồng, Ford Everest giảm 75 triệu đồng...
Mặc dù giá xe giảm mạnh, nhưng theo chị Vũ Thanh Huyền, nhân viên sale đại lý ô tô Honda ở Hà Nội, tình trạng ế ẩm vẫn không cải thiện. “Không chỉ vắng khách mua xe mà khách tới tham quan, tìm hiểu cũng rất thưa thớt. Mặc dù các đại lý đã "xuống nước", giảm giá bán nhưng cũng không lôi kéo được khách hàng”, chị Huyền nói.
Theo nhận định của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa. Tháng 6, 7 và 8 sẽ là tháng thấp điểm về mua sắm ô tô. Bởi trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, người dân thắt chặt chi tiêu, dành dụm tiền để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Chính vì thế, chắc hẳn mua ô tô không phải là lựa chọn được ưu tiên trong thời gian này.
Doanh nghiệp tìm hướng đi riêng
Trong bối cảnh như vậy, các doanh nghiệp cho rằng, cùng với những chương trình khuyến mại của hãng và đại lý, nếu tiếp tục được ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ, sức cầu trên thị trường sẽ được kích thích. “Thời điểm này, khách hàng chỉ chịu móc hầu bao mua xe khi có nhiều ưu đãi và ưu đãi lớn”, ông Đức nhận định.
Đại diện TC Motor phân tích, thực tế, trong năm 2020, thị trường ảm đạm suốt gần một năm rồi sáng sủa hơn nhờ hiệu ứng của chính sách ưu đãi lệ phí trước bạ, nhưng chưa được bao lâu đã lại lao dốc vì ưu đãi bị cắt. Rõ ràng, như vậy sẽ không có cơ sở vững chắc để doanh nghiệp tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển ngành.
“Chính sách hỗ trợ, đặc biệt hỗ trợ trong bối cảnh đặc biệt như dịch bệnh, cần dài hơi để doanh nghiệp kịp hồi phục”, ông Đức nói.
Tuy nhiên, đề xuất của VAMA về việc gia hạn hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ đối với xe đăng ký mới đã không được Bộ Tài chính đồng ý.
Vì vậy, ngoài việc kiến nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ để vượt khó, một số doanh nghiệp có giải pháp, hướng đi riêng của mình. Chẳng hạn, nhiều thương hiệu như Mitsubishi, VinFast, Mercedes-Benz, Honda, MG chủ động hỗ trợ phí trước bạ cho khách hàng sau khi chính sách giảm 50% phí trước bạ của Chính phủ hết hạn vào cuối năm 2020. Nhờ đó, doanh số bán hàng của VinFast tăng nhẹ trong tháng 5 so với tháng trước.
Một yếu tố khác ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp bán lẻ ô tô là tình trạng thiếu hụt nguồn cung xe vì khan hiếm chip và chất bán dẫn cũng khiến các hãng xe phải điều chỉnh sản xuất. Khủng hoảng chip xảy ra do một số chậm trễ trong sản xuất - tình trạng mà các hãng chip nói là do nhu cầu chip toàn cầu phục hồi quá nhanh so với dự kiến từ đại dịch Covid-19, khiến họ “trở tay không kịp”.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tình trạng khan hiếm chip bán dẫn để sản xuất ô tô chỉ được giải quyết sớm nhất vào quý IV năm nay. Theo đó, doanh số bán ô tô trong quý II, III khó tăng trưởng và nhiều khả năng chỉ đi ngang vì nguồn cung hạn chế.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp sản xuất ô tô lo nếu không duy trì được dung lượng thị trường đủ lớn và ổn định thì mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô thành ngành xương sống sẽ càng xa vời.