Giám đốc điều hành các công ty giao dịch hàng hóa cho rằng giá dầu có thể về 100 USD/thùng trong thời gian tới do đầu tư vào nguồn cung mới đang chững lại trước khi lực cầu đạt đỉnh.
Các giám đốc điều hành Vitol, Glencore, Trafigura và Goldman Sachs ngày 15/6 cho biết giá dầu thô hoàn toàn có thể về 100 USD/thùng.
Chốt phiên cùng ngày, giá dầu Brent tương lai là 73,99 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 74,07 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 4/2019, giá dầu WTI tương lai là 72,12 USD/thùng, trong phiên có lúc chạm 72,19 USD/thùng, cao nhất kể từ tháng 10/2018.
Dự báo trên được đưa ra trong bối cảnh lo ngại lạm phát tăng và giá nhiều hàng hóa, như đồng, đã lập đỉnh lịch sử, do tình trạng thiếu cung khi đà phục hồi kinh tế ngày càng lớn. Giá dầu có phần tụt lại phía sau do lực cầu đi xuống trong đại dịch Covid-19 cùng lo ngại lực cầu có thể đạt đỉnh trong thập kỷ tới. Tuy nhiên, những dự đoán giá dầu tăng cao hơn nữa gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều.
Diễn biến giá dầu Brent gần đây.
Jeremy Weir, chủ tịch điều hành Trafigura – một trong những đơn vị giao dịch dầu mỏ độc lập lớn nhất thế giới, phát biểu tại Hội nghị Hàng hóa Toàn cầu FT rằng ông “lo ngại” tình trạng ít đầu tư mới cho nguồn cung bởi thế giới chưa sẵn sàng để “nhảy” sang năng lượng sạch, điện hóa hoàn toàn.
“Tôi nghĩ giá dầu có thể lên đến 100 USD/thùng. Vấn đề không phải ở lực cầu… tình trạng nguồn cung gây lo ngại. Chúng ta ghi nhận chi tiêu vốn từ 400 tỷ USD/năm hồi 5 năm trước xuống còn chỉ 100 tỷ USD/năm. Do đó, lo ngại là ở phía cung… yếu tố tôi cho rằng sẽ đẩy giá dầu cao hơn”.
Alex Sanna, nhà giao dịch dầu hàng đầu tại Glencore, cũng nhận định kịch bản 100 USD/thùng là có thể. “Bạn thực sự chỉ còn cách đợt tăng giá mạnh của dầu khoảng 1 – 2 sự kiện nữa”.
Giá dầu khởi đầu thế kỷ này từ gần 10 USD/thùng rồi vượt mốc 100 USD/thùng năm 2008, nhờ lực cầu từ Trung Quốc đi lên, sau đó biến động quanh 100 USD/thùng suốt 6 năm. Đến năm 2014, nguồn cung gia tăng từ ngành dầu đá phiến Mỹ khiến siêu chu kỳ năng lượng kết thúc.
Russell Hardy, giám đốc điều hành Vitol, cũng chung quan điểm với hai chuyên gia trên nhưng ông cho rằng nguồn cung còn dư địa để tăng, với OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, vẫn đang giảm sản lượng 5 triệu thùng/ngày.
Jeff Currie tại Goldman Sachs nhận định các hàng hóa đang có vẻ bắt đầu một siêu chu kỳ, khi biện pháp kích thích kinh tế của các chính phủ thúc đẩy lực cầu.
Hardy cho rằng lực cầu dầu đạt đỉnh vào khoảng năm 2030 nhưng sau đó không lao dốc mà giữ ở 100 triệu thùng/ngày – lần đầu chạm năm 2019.
Marco Dunand, đồng sáng lập Mercuria, dự báo lực cầu phục hồi về mức trước đại dịch, vượt 100 triệu thùng/ngày một chút, cuối năm nay còn Torbjorn Tornqvist, chủ tịch Gunvor, đồng quan điểm giá dầu có thể về 100 USD/thùng và giá cao là cần thiết để thúc đẩy đầu tư trong ngành này.
Một số nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới như BP và Royal Dutch Shell đã thông báo giảm sản lượng dần trong những năm tới để chuyển đầu tư sang các hình thức năng lượng xanh hơn.