HĐQT Vietjet trình cổ đông thông qua chào bán cổ phiếu riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ trong giai đoạn 2021 – 2022.
Hãng hàng không cũng dự định phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế.
Vietjet lên kế hoạch phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp.
Tỷ lệ cổ tức năm 2020 dự kiến là 50% bằng cổ phiếu.
Chào bán riêng lẻ tối đa 15% vốn điều lệ và phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế
Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 tổ chức vào ngày 29/6, HĐQT Vietjet (HoSE:
VJC) dự kiến trình cổ đông phương án chào bán riêng lẻ cổ phần
VJC trong giai đoạn 2021 – 2022 với lượng chào bán tối đa 15% vốn điều lệ. Tạm tính theo vốn điều lệ hiện tại, số cổ phiếu chào bán khoảng 81 triệu đơn vị.
Thời điểm chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định. Cổ phần được chào bán sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm. Giá chào bán cụ thể sẽ do HĐQT quyết định theo diễn biến thị trường chứng khoán nhưng không thấp hơn giá trị sổ sách theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất. Nếu đợt chào bán riêng lẻ diễn ra vào năm nay, mức giá tối thiểu sẽ căn cứ theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2020.
Ngoài kế hoạch chào bán cổ phiếu riêng lẻ, Vietjet còn dự định phát hành tối đa 300 triệu USD trái phiếu quốc tế niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Người sở hữu trái phiếu có thể thực hiện quyền chọn nhận cổ phiếu
VJC. Thời hạn trái phiếu dự kiến 5 năm, thời gian phát hành dự kiến trong năm 2021, 2022.
Báo cáo trong 3 năm gần đầy, Vietjet đã phát hành 4.650 tỷ đồng trái phiếu trong nước và chưa phát hành trái phiếu quốc tế. Tất cả các trái phiếu này đều chưa đến hạn thanh toán gốc và lãi trái phiếu.
Mục đích của đợt chào bán cổ phần và phát hành trái phiếu này để tăng vốn đầu tư tài sản; mở rộng kinh doanh dịch vụ hàng không, đầu tư tài chính; phát triển hạ tầng; đầu tư, góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết; và bổ sung nguồn vốn hoạt động kinh doanh chung của Vietjet.
HĐQT doanh nghiệp cũng dự kiến trình cổ đông phương án phát hành 10 triệu cổ phiếu ESOP với giá 10.000 đồng/cp. Thời gian thực hiện dự kiến từ năm 2021 đến hết năm 2023 và được phát hành thành nhiều đợt. Cổ phiếu bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm kể từ ngày hoàn thành từng đợt phát hành.
Kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu năm 2020 tỷ lệ 50%
Năm ngoái, hãng hàng không này ghi nhận doanh thu của công ty mẹ đạt 15.203 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất và lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 18.220 tỷ đồng và 68 tỷ đồng. Với kết quả này, HĐQT trình cổ đông phê duyệt phương án trả cổ tức đợt 1/2020 với tỷ lệ 25%, tương đương số cổ phiếu phát hành là hơn 135,4 triệu đơn vị, từ nguồn LNST trên BCTC riêng năm 2019. Doanh nghiệp cũng dự kiến tiếp tục chia lợi nhuận đợt 2/2020 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 25% tùy theo tình hình hoạt động kinh doanh và điều kiện thị trường. Vietjet hiện chưa có kế hoạch cụ thể về kế hoạch phân phối lợi nhuận năm 2021.
Tại ĐHCĐ thường niên năm ngoái, cổ đông đã phê duyệt phương án chia cổ tức năm 2018 và năm 2019 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 50% từ lợi nhuận sau thuế tích lũy năm 2019. Tuy nhiên, phía Vietjet cho biết do đại dịch Covid-19 bùng phát từ đầu tháng 2/2020 đã chặn đứng đà tăng trưởng năm 2020 của công ty, ảnh hưởng trực đến hoạt động kinh doanh vận tải hàng không trong suốt năm 2020 nên HĐQT đã quyết định chưa chia cổ tức để tập trung các giải pháp tài chính tăng cường nguồn vốn bù đắp cho hoạt động hàng không.
Quý I, Vietjet đạt doanh thu và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ lần lượt là 2.845 tỷ đồng và 110 tỷ đồng. Doanh thu và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 4.048 tỷ đồng và 123 tỷ đồng. Số lợi nhuận này đến từ việc Vietjet đầu tư dự án, đầu tư tài chính, phát triển dịch vụ hàng không, bù đắp cho các hoạt động khai thác vận tải hàng không. Trong 3 tháng đầu năm, Vietjet đã thực hiện hơn 21.000 chuyến bay, vận chuyển gần 3,6 triệu lượt hành khách. Các chuyến bay của Vietjet đạt tỉ lệ đúng giờ trên 90% - tỷ lệ cao trên thế giới.