Chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số KOSPI tại thị trường Seoul (Hàn Quốc), thị trường Hong Kong và Thương Hải (Trung Quốc) đều giảm điểm.
Phần lớn thị trường chứng khoán châu Á giảm trong phiên chiều ngày 8/6, giữa bối cảnh giới đầu tư đang ngóng chờ số liệu lạm phát của Mỹ vào cuối tuần này, bởi số liệu mạnh mẽ có thể tạo thêm áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc xem xét lại chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Khép lại phiên này, chỉ số Nikkei 225 tại thị trường Tokyo (Nhật Bản) giảm 0,2%, xuống 28.963,56 điểm. Trong khi chỉ số KOSPI tại thị trường Seoul (Hàn Quốc) giảm 0,13% (hay 4,29 điểm) và đóng phiên ở mức 3.247,83 điểm.
Hòa theo xu hướng chung, hai thị trường chứng khoán quan trọng của Trung Quốc, gồm Hong Kong và Thương Hải đều giảm trong phiên này. Theo đó, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 5,90 điểm xuống 28.781,38 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 0,54% (19,43 điểm) xuống 3.580,11 điểm.
Các thị trường chứng khoán đi lên trong thời gian qua nhờ các chính sách nới lỏng tiền tệ của các ngân hàng trung ương khi chính phủ tung ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD cùng với việc triển khai tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và sự nới lỏng phong tỏa tại các nền kinh tế lớn.
Tuy nhiên, giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng sự phục hồi kinh tế ở Mỹ sẽ khiến giá tăng vọt và buộc Fed phải rút lại các biện pháp hỗ trợ thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng kinh tế phát triển quá nóng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg News ngày 7/6, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói rằng Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thúc đẩy kế hoạch phục hồi trị giá 4.000 tỷ USD cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngay cả khi dẫn tới lạm phát tăng cao và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Bà Yellen cho biết bất kỳ sự gia tăng lạm phát nào phát sinh từ kế hoạch của Tổng thống Biden sẽ chỉ là tạm thời, và lãi suất cao hơn sẽ là thông tin tích cực theo quan điểm của Fed. Bộ trưởng Tài chính Mỹ lưu ý nền kinh tế này đã phải đối mặt với lạm phát và lãi suất quá thấp trong suốt một thập niên qua.
Trong khi đó, ông Neil Wilson, nhà phân tích thị trường tại Markets.com nhận xét, lo ngại về lạm phát vẫn là tâm điểm của thị trường. Yếu tố này cũng có thể chi phối tâm lý nhà đầu tư theo hướng tiêu cực hơn và tạo nhiều biến động trong tuần này.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên 8/6, chỉ số VN-Index giảm 38,90 điểm, hay 2,86%, xuống 1.319,88 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index giảm 12,25 điểm, hay 3,84% và khép phiên ở mức 306,39 điểm./.