Kết thúc 6 tháng đầu năm 2021, PV Power (POW) ước lãi sau thuế gần 1.400 tỷ đồng, chỉ tăng 2% so với cùng giai đoạn năm ngoái, nhưng đã vượt 5% kế hoạch lợi nhuận năm nay.
Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power, HoSE: POW) công bố kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 khá lạc quan, với doanh thu toàn tổng công ty ước đạt 16.456 tỷ đồng, tăng trưởng 4% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp báo lãi sau thuế đạt 1.393 tỷ đồng, tăng 2%.
Được biết, POW đặt kế hoạch kinh doanh năm 2021 bao gồm doanh thu toàn tổng công ty là 28.430 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế là 1.325 tỷ đồng. Như vậy, POW đã hoàn thành 58% chỉ tiêu doanh thu và vượt 5% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.
Riêng quý II/2021, doanh thu toàn tổng công ty đạt 8.794 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 827 tỷ đồng, lần lượt tăng 14% và giảm 2% so với cùng kỳ năm trước.
Lý giải về kết quả kinh doanh sau nửa đầu năm, POW cho rằng có 3 nguyên nhân chính đã tác động đến doanh thu trong giai đoạn này.
Thứ nhất, sản lượng điện sản xuất của một số nhà máy diễn biến khá tốt, vượt kế hoạch được giao, trong đó đặc biệt là nhà máy điện Vũng Áng 1 và hai nhà máy thủy điện Đakđrinh, Hủa Na.
Tiếp đó là nhờ đơn giá điện hợp đồng của các nhà máy điện khí cao hơn kế hoạch, do đơn giá nhiên liệu khí trong 6 tháng đầu năm tăng cao.
Mặt khác, tổng công ty ghi nhận khoản thu nhập tài chính tăng đột biến từ hoạt động thoái vốn tại PV Machino, ước lãi khoảng gần 360 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Dù vậy, tính trên bình diện chung, sản lượng điện sản xuất của POW trong 6 tháng đầu năm vẫn chưa hoàn thành kế hoạch được giao, ước đạt 9.488 triệu kWh. Hơn nữa, kết quả này vẫn thấp hơn 13% so với cùng kỳ năm 2020.
Có thể kể đến một số nhà máy chưa đạt theo kế hoạch, bao gồm nhà máy điện Nhơn Trạch 2, nhà máy điện Cà Mau 1 và 2...
Tại một báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) bày tỏ quan điểm khá tích cực về triển vọng kinh doanh của POW thời gian tới. Dự báo giai đoạn 2021 - 2025, tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện của Việt Nam là khoảng 8,6% (giai đoạn 2016 - 2020 là 6,7%), cho dù vẫn phải nhập khẩu điện từ Trung Quốc, Lào.
KBSV cho rằng đây là động lực phát triển, cũng như dư địa tốt cho các doanh nghiệp sản xuất điện nói chung và POW nói riêng.
KBSV cho biết, năm 2021, POW có kế hoạch ngừng máy để thực hiện đại tu nhà máy điện khí Cà Mau 1, Vũng Áng 1 tổ máy số 2, Hủa Na và thực hiện trùng tu Nhơn Trạch 1 và tiểu tu Cà Mau 2, Nhơn trạch 2.
Với việc đưa vào sửa chữa lớn một loạt các tổ máy, dự báo sản lượng sản xuất năm 2021 của POW vào khoảng 19,4 tỷ kWh, gần như đi ngang so với thực hiện năm trước đó. Tuy nhiên, các nhà phân tích của KBSV cho rằng con số này sẽ tăng khá mạnh vào năm tiếp theo, sau khi các tổ máy được sửa chữa và đi vào hoạt động ổn định, ước tính đạt 22,2 tỷ kWh, tăng trưởng 14% so với năm 2021.
Bên cạnh đó, dự án điện khí LNG Nhơn Trạch 3 và 4 là hai dự án năng lượng quan trọng của quốc gia với tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD. Với thời gian vận hành khoảng 6.000 giờ/năm/nhà máy, sản lượng điện cung cấp lên hệ thống điện quốc gia vào khoảng 4,5 tỷ kWh.
Dự kiến, Nhơn Trạch 3 sẽ vận hành thương mại vào quý IV/2023 và Nhơn Trạch 4 sẽ vận hành thương mại vào quý II/2024, nâng tổng công suất phát điện của POW lên 5.705 MW, tăng 36%.
Trên thị trường, đóng cửa phiên 19/7, cổ phiếu POW giảm 4,72% xuống 10.100 đồng/cổ phiếu với khối lượng giao dịch đạt 11 triệu đơn vị.
Việt Anh