Lợi nhuận sau thuế quý II của VNDirect gấp 2,9 lần cùng kỳ nhưng giảm 24% so với quý I.
Lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm đạt 905 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng kỳ.
Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu tại thời điểm 30/6 là 78%.
Chứng khoán VNDirect (HNX:
VND) công bố báo cáo tài chính riêng quý II với doanh thu hoạt động đạt 1.091 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ năm trước. Trong cơ cấu doanh thu hoạt động kỳ này, mảng môi giới chiếm tỷ trọng lớn nhất với 371 tỷ đồng, gấp 3,4 lần. Lãi từ cho vay và phải thu cũng đạt hơn 244 tỷ đồng, gấp 3 lần quý II/2020.
Quý này, công ty có 57 tỷ đồng khoản lãi từ tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS), trong khi cùng kỳ năm trước chỉ 578 triệu đồng. Bên cạnh đó, công ty có 59 tỷ đồng doanh thu bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán, đột biến so với con số 3,4 tỷ đồng cùng kỳ năm trước. Phần lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức gần 328 tỷ đồng, gấp 2,6 lần. Trong đó, doanh nghiệp lãi bán các tài sản tài chính là 185 tỷ đồng, tăng 55%. Chênh lệch đánh giá tăng tài sản tài chính 126 tỷ đồng, gấp nhiều lần con số 3,2 tỷ đồng quý II/2020.
Chi phí hoạt động trong quý đạt 423 tỷ đồng, gấp 3,8 lần cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi phí môi giới của VNDirect là 212 tỷ đồng, gấp 3 lần.
Kết quả, công ty lãi sau thuế 389,3 tỷ đồng, gấp 2,9 lần quý II/2020. Dù tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, nhưng so sánh với quý I kết quả kinh doanh của VNDirect giảm sút. Doanh thu tăng không đáng kể nhưng chi phí lại tăng vọt. Tỷ lệ chi phí hoạt động/doanh thu tăng lên mức 38,8% trong khi ở quý I là 22,6%. Mức lợi nhuận sau thuế cũng thấp hơn đến 24% so với quý I.
Thị trường chứng khoán quý II tăng trưởng mạnh cả về mặt điểm số của các chỉ số cũng như thanh khoản. Tổng khối lượng giao dịch bình quân quý II đạt 974,6 triệu cổ phiếu/phiên, tăng 10,5% so với quý I, giá trị giao dịch bình quân tăng đến 38% lên 26.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận quý II giảm so với quý I có thể là do sự cạnh tranh gay gắt về dịch vụ của các công ty chứng khoán khiến nhiều đơn vị phải đẩy mạnh các sản phẩm, ưu đãi cho nhà đầu tư cũng như nâng cao công tác nhân sự từ đó khiến chi phí hoạt động bị đẩy lên cao hơn.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu hoạt động đạt 2.154 tỷ đồng, gấp 2,48 lần 6 tháng đầu năm 2020. Lợi nhuận sau thuế đạt 905 tỷ đồng, gấp 4,7 lần cùng.
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản đạt 22.468,9 tỷ đồng, tăng 50% so với số cuối năm ngoái. Công ty vẫn có 1.148 tỷ đồng khoản tiền và tương đương tiền, tăng 19%. Khoản cho vay margin ở mức 8.508 tỷ đồng, gần gấp đôi cuối năm trước và tăng 42% so với cuối quý I. Tỷ lệ cho vay margin/vốn chủ sở hữu là 78%. Tiền gửi có kỳ hạn còn lại dưới 1 năm là 5.666 tỷ đồng, tăng 74%.
Khoản tài sản tài chính FVTPL ở mức 1.766,6 tỷ đồng, tăng 83% so với cuối năm 2020 và tăng 12% so với cuối quý I. Danh mục cổ phiếu, CCQ niêm yết mà công ty nắm giữ trị giá 891 tỷ đồng (thời điểm 30/6) và có các khoản đầu tư lớn như PTI (417 tỷ đồng), VHM (122 tỷ đồng), VIC (100 tỷ đồng), MWG (83 tỷ đồng). Danh mục cổ phiếu niêm yết cho hoạt động phòng ngừa rủi ro cũng lên đến 513 tỷ đồng gồm các khoản lớn như TCB (109 tỷ đồng) và HPG (115 tỷ đồng).