Trong khi hãng hàng không chuyên chở hàng hoá IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn “nằm trên giấy”, thì Vietnam Airlines đang nhanh chóng hiện thực hoá mục tiêu sớm có một hãng hàng không chở hàng chuyên biệt. Vậy Vietnam Airlines Group đang nắm giữ thế mạnh gì?
Lợi thế áp đảo về đường bay, mạng bay, số lượng máy bay chở hàng
Trao đổi với VietnamFinance, ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết: Ý tưởng thành lập hãng hàng không chở hàng đã được Vietnam Airlines Group lên kế hoạch từ 5 năm trước đây. Lộ trình này càng hiện thực rõ hơn khi dịch covid -19 bùng phát, 5 máy bay của Vietnam Airlines đã tháo ghế, ưu tiên phục vụ chở hàng hoá.
“Đó là 2 tàu bay A350 và 3 máy bay A321 và tới đây có thể tăng thêm một số máy bay thân rộng đưa vào chở hàng hoá”, ông Hà nói.
Liên quan đến dự án thành lập hãng hàng không chuyên hàng hoá, ông Hà khẳng định, chúng tôi đã nghiên cứu kỹ về việc xây dựng một đội bay quy mô đủ lớn (gồm đội tàu bay, mạng bay) để khai thác các nguồn hàng, chân hàng luân chuyển giữa Việt Nam và các nước trên thế giới.
“Vài năm trước, việc tổ chức bay hàng hóa của Vietnam Airlines chưa đem lại hiệu quả, nhưng dịch bệnh 2020-2021 hãng đã sử dụng máy bay chở khách hoán cải để chở hàng, đây là bước tập dượt quan trọng cho khối hàng hóa của Tổng công ty và hãng đang xây dựng và hoàn thiện đề án hãng hàng không vận tải hàng hóa ngay sau dịch bệnh".
Máy bay Vietnam Airlines tháo ghế phục vụ chở hàng
Hiệu quả cho thấy, sau khi hoán cải, các tàu bay Boeing 787, Airbus A350, Airbus A321 tăng năng lực chuyên chở hàng hóa lên gấp 1,8-2 lần so với chở hàng khoang bụng. Vì thế, Vietnam Airlines đã xây dựng lịch bay thường lệ chở hàng quốc tế với 30 đường bay và tổ chức hơn 3.500 chuyến bay chở hàng.
Ghi nhận từ doanh thu vận chuyển hàng hóa tăng nhanh đã chiếm gần 30% tổng doanh thu của hãng (giai đoạn trước dịch COVID-doanh thu hàng hóa chỉ chiếm 9%).
"Đây là “tín hiệu xanh” để Vietnam Airlines rốt ráo lập hãng hàng không chở hàng chuyên biệt”, ông Hà nói.
Cũng theo tìm hiểu của VietnamFinance, nếu so sánh với các đối thủ khác thì Vietnam Airlines tỏ ra áp đảo khi Vietjet hiện có 4 máy bay thân nhỏ Airbus 321 chở hàng hoá.
Còn hãng hàng không IPP Air Cargo của “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn chưa được thông qua. Ngay cả năm 2022, nếu được phê duyệt thì IPP Air Cargo chỉ có 5 máy bay chở hàng, sẽ rất khó cạnh tranh bởi sự phát triển mạnh mẽ của Vietnam Airlines và Vietjet trong cùng lĩnh vực.
Nắm lợi thế độc quyền
Theo các chuyên gia kinh tế, một trong những lợi thế được cho là “độc quyền” của Vietnam Airlines khi đơn vị này đang nắm nhiều doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ giao nhận hàng hoá, logistic, kho bãi, vận tải… tại nhiều sân bay lớn trên cả nước.
Ví dụ như tại Cảng hàng không Tân Sơn Nhất là Công ty TNHH Dịch vụ Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TCS) chuyên cung cấp dịch vụ phục vụ hàng hóa cho các chuyến bay quốc tế tại sân bay Tân Sơn Nhất.
TCS cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ hàng hoá hàng không cho 35 hãng hàng không quốc tế và hàng trăm đại lý giao nhận hàng hoá tại Tân Sơn Nhất
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, năm 2020, TCS vẫn đạt tổng doanh thu 861 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 538 tỷ đồng, tỷ suất ROE rất cao 459%. Năm 2019 khi điều kiện thị trường thuận lợi, TCS đạt doanh thu 932 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 577 tỷ đồng, và ROE 498%.
Hiện tại, ngoài cổ đông lớn là Vietnam Airlines, các cổ đông của TCS còn có CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO), SATS và VinaCapital.
Tiếp đó, phải kể đến Công ty TNHH Dịch vụ Giao Nhận Hàng hóa Tân Sơn Nhất (TECS Express) được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa Tổng Công ty Hàng không Việt nam và Công ty Sửa chữa Máy bay A41, Quân chủng Phòng không không quân (PKKQ), Bộ quốc phòng.
TECS Express hoạt động chủ yếu gồm khai thác xử lý hàng hóa, chuyển phát nhanh, giao nhận hàng hóa, logistics, khai thuế hải quan, kho bãi… Hiện tại, Vietnam Airlines nắm 51% cổ phần tại công ty này.
Trong năm 2020, TECS Express ghi nhận doanh thu 307 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 114 tỷ đồng, ROE đạt 177%. Doanh thu giảm nhẹ nhưng lợi nhuận lại ấn tượng hơn so với năm 2019 (lần lượt 310,5 tỷ đồng và 97,2 tỷ đồng, ROE 146%).
Năm 2020, lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đường chuyển phát nhanh hàng không tăng mạnh, chủ yếu là các mặt hàng thiết bị y tế. Tuy nhiên, hoạt động giao nhận hàng hóa bằng đường hàng không bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi dịch bệnh.
Vietnam Airlines Group đang nắm giữ nhiều lợi thế trong việc giao nhận hàng hoá, logistic, kho bãi...
Một trường hợp ấn tượng khác thuộc về Công ty TNHH Giao nhận Hàng hóa Vinako, công ty giao nhận hàng hóa truyền thống trên các chuyến bay thương mại do Vietnam Airlines sở hữu trên 65%.
Hoạt động kinh doanh của Vinako, đặc biệt là hàng xuất quốc tế bị ảnh hưởng lớn từ việc đóng cửa các đường bay quốc tế. Tuy nhiên trong giai đoạn khó khăn, công ty đã tham gia hình thức thuê chuyến bay hàng hóa của Vietnam Airlines, tham gia giao nhận các loại hàng hóa thiết yếu hàng gấp, hàng cứu trợ, hàng khẩu trang và thiết bị bảo hộ y tế đi thị trường Nhật Bản trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh.
Kết quả kinh doanh năm 2020 của Vinako vì thế đạt mức cao, lợi nhuận trước thuế 33 tỷ đồng, ROE đạt gần 298%. Trong khi, năm 2019 công ty này chỉ lãi 12,2 tỷ đồng. Vinako có một cổ đông khác là Tập đoàn Konoike - Nhật Bản.
Tại miền Bắc, phải kể đến CTCP Dịch vụ Hàng hóa Nội Bài (Nội Bài Cargo - NCTS) hoạt động trong lĩnh vực phục vụ hàng hóa chuyên nghiệp. Hiện Vietnam Airlines sở hữu 55,13% cổ phần tại đây.
Năm 2020, Nội Bài Cargo đạt tổng doanh thu 697 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 257 tỷ đồng, tỷ suất ROE 79%. Doanh thu của NCTS chỉ giảm 4% và lợi nhuận trước thuế giảm 7% so với năm 2019.
Nội Bài Cargo là công ty cổ phần niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE). Trong quý 1/2021, công ty này đạt doanh thu thuần 166 tỷ đồng, tăng 5%; lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng, giảm 2,5%.
Có thể nhận thấy, bên cạnh những lợi thế về mạng bay, đội bay hùng hậu nhất hiện nay, Vietnam Airlines còn nắm độc quyền về nguồn hàng, giao nhận hàng hoá, logistic, kho bãi… Nếu thành lập hãng hàng không vận tải hàng hoá, chắc chắn Vietnam Airlines Group sẽ là “ông kẹ” khó có đối thủ trong cùng phân khúc.
Ở một động thái khác, sau khi chưa được Bộ GTVT đồng ý phê duyệt thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, ông “vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn tiếp tục có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ sớm được thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng hóa.