Văn phòng Kinh tế trưởng của Australia (OCE) dự báo giá quặng sẽ giảm từ mức cao hiện tại trong nửa cuối năm nay nhưng không giảm xuống dưới 100 USD/tấn cho đến cuối năm 2022.
Cơ quan dự báo hàng hóa của chính phủ Australia vừa điều chỉnh dự báo giá quặng sắt trong vòng hơn 2 năm tới. Theo đó, giá quặng sắt sẽ đi xuống từ đợt tăng giá cao nhất hiện nay ở mức hơn 200 USD/tấn quặng 62% Fe.
Văn phòng Kinh tế trưởng của Australia (OCE) dự báo giá quặng sắt giảm từ mức cao hiện tại trong nửa cuối năm nay nhưng không giảm xuống dưới 100 USD/tấn cho đến cuối năm 2022.
Cụ thể, theo tính toán của OCE, giá quặng sắt trung bình năm nay là 152 USD/tấn. Năm 2022, con số này giảm xuống còn 106 USD/tấn và giảm tiếp xuống mức 90 USD/tấn vào 2023.
OCE vừa chỉnh sửa đánh giá trong báo cáo Tài nguyên và Năng lượng theo quý (REQ). Báo cáo này được công bố hồi tháng 3.
Theo chỉnh sửa mới, Australia giảm sản lượng xuất khẩu từ 897 triệu tấn xuống còn 860 triệu tấn trong năm nay vì quý I xuất khẩu yếu hơn với kỳ vọng và nguồn cung gián đoạn tại một số dự án trong nước.
Theo REQ, sự thống trị của Australia trên thị trường quặng sắt qua đường biển đang bị đe dọa, trước tiên là do xuất khẩu của Brazil ngày càng tăng trong năm 2022 và 2023. Sau đó là sự phát triển dài hạn hơn ở châu Phi như dự án quặng sắt Simandou ở Guinea.
OCE kỳ vọng giá quặng sắt sẽ giảm do sản lượng tăng ở Australia và Brazil trong thời gian còn lại của năm nay. Đồng thời, OCE cũng kỳ vọng giá quặng giảm vì Trung Quốc có chính sách hạn chế xuất khẩu.
Tuy nhiên, OCE cũng cảnh báo, những nỗ lực của Trung Quốc nhằm hạn chế nhập khẩu quặng sắt từ Australia có thể dẫn đến giá cao hơn dự kiến. Xuất khẩu than và các mặt hàng khác của Australia đã bị hạn chế vào thị trường Trung Quốc kể từ nửa cuối 2020 vì căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước.
Dự báo giá quặng sắt trung bình năm nay của OCE là 152 USD/tấn, tăng từ mức 110,4 USD/tấn trong dự báo hồi tháng 3.
Diễn biến giá quặng sắt trong thời gian vừa qua. Nguồn: Argus Media
Trong năm 2020, Australia là quốc gia có sản lượng quặng sắt lớn nhất thế giới, ở mức 900 triệu tấn. Tiếp sau là Brazil (400 triệu tấn) và Trung Quốc (340 triệu tấn).