Doanh thu quý II đạt kỷ lục 8.696 tỷ đồng sau khi ghi nhận thêm mảng bất động sản và vật liệu xây dựng từ Viglacera.
Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 3% xuống 288 tỷ đồng do các chi phí tăng mạnh trong kỳ.
Sau 6 tháng, doanh nghiệp hoàn thành 79% kế hoạch lợi nhuận năm.
CTCP Tập đoàn Gelex (HoSE:
GEX) công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu tăng 128% lên 8.696 tỷ đồng – mức kỷ lục trong một quý. Lý do từ quý này, tập đoàn hợp nhất kết quả kinh doanh của Viglacera sau khi nâng lược nắm giữ lên 50,21% cổ phần từ ngày 6/4. Vì vậy, doanh thu từ đầu tư kinh doanh bất động sản và vật liệu xây dựng đạt gần 2.921 tỷ đồng doanh thu.
Đơn vị: tỷ đồng
Trong quý II, hoạt động sản xuất, kinh doanh thiết bị điện tiếp tục chiếm tỷ trọng nhiều nhất trong cơ cấu doanh thu với 5.505,7 tỷ đồng, tăng 74%. Mảng năng lượng và nước sạch đem về 265 tỷ đồng.
Quý đầu tiên sau khi hợp nhất với Viglacera, biên lợi nhuận gộp của Gelex giảm từ 17% xuống 15,8%. Doanh thu tài chính giảm 3% xuống 311 tỷ đồng do cùng kỳ năm ngoái tăng mạnh nhờ ghi nhận các khoản lãi thanh lý đầu tư khối logistics theo kế hoạch tái cấu trúc tập đoàn. Ngoài ra, các chi phí đều tăng đáng kể trong kỳ nên mặc dù doanh thu đạt kỷ lục nhưng lãi sau thuế chỉ tăng 59% lên 521 tỷ đồng; riêng lợi nhuận cổ đông công ty mẹ giảm 3% xuống 288 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu tăng 79% lên 13.110 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế tăng 93% lên 812 tỷ đồng. Lợi nhuận thuộc về cổ đông công ty mẹ là 542 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước.
Sang năm 2021 với việc hợp nhất Viglacera, Gelex đặt mục tiêu tổng doanh thu 28.540 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế 1.285 tỷ đồng, tăng hơn 7% so với năm ngoái. Sau nửa đầu năm, doanh nghiệp hoàn thành 79% kế hoạch lợi nhuận năm.
Đơn vị: tỷ đồng
Tính đến cuối quý II, nợ vay tài chính tăng 61% lên 19.404 tỷ đồng, trong đó hơn 30% là vay dài hạn qua hình thức trái phiếu, 27% vay ngân hàng, còn lại là khoản vay đối tượng khác. Hệ số nợ vay/vốn chủ sở hữu ở mức 137%.
Trong 6 tháng, tổng tài sản tăng 76% lên 47.871 tỷ đồng. Tiền và tương đương tiền đạt 3.097 tỷ đồng, gấp gần 2 lần đầu năm chủ yếu là do tiền từ phát hành cổ phiếu và đi vay tăng 71% lên 17.007 tỷ đồng đã bù đắp cho khoản âm 1.943 tỷ hoạt động kinh doanh và 2.724 tỷ đầu tư. Giá trị hàng tồn kho gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 10.447 tỷ đồng.
Về đầu tư tài chính, khoản đầu tư ngắn hạn tăng 54% lên 2.690 tỷ đồng, trong đó trái phiếu chiếm 86%, tương đương 2.318 tỷ đồng. Bên cạnh đó, việc Viglacera trở thành công ty con của Gelex đã khiến khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm 4.658 tỷ đồng. Song tập đoàn cũng ghi nhận thêm vào khoản đầu tư vào các công ty liên kết của Viglacera như SanVig, Gạch ngói Từ Sơn, Đầu tư và Xuất nhập khẩu Viglacera…
Theo chia sẻ của lãnh đạo Gelex, tập đoàn phối hợp với Viglacera - doanh nghiệp lớn trong ngành bất động sản công nghiệp và vật liệu xây dựng để hướng đến mục tiêu trở thành nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Các bên dự kiến cùng nhau phát triển 10 khu công nghiệp mới với tổng quy mô 2.000-3.000 ha, nhằm hiện thực hóa mục tiêu có 20 khu công nghiệp đến năm 2025. Định hướng chung là mở rộng gấp 1,5 lần - 2 lần diện tích cho thuê trong khoảng 3-5 năm tới, đầu tư khu công nghiệp đặc dụng cận cảng, đầu tư phát triển nhà ở xã hội, tiện ích và hạ tầng quanh khu công nghiệp…
Ngoài ra, Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 rằng mảng bất động sản là định hướng chiến lược dài hạn của Gelex, trong đó có bất động sản thương mại. Theo đó, tổng công ty sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vượt ra ngoài lĩnh vực khu công nghiệp như tại Viglacera. Gelex dự kiến mua 15 triệu cổ phiếu
NLG của Đầu tư Nam Long (HoSE:
NLG) trong đợt phát hành riêng lẻ 60 triệu cổ phiếu với giá chào bán trong khoảng từ 30.800 đồng đến 37.600 đồng/cp.