Quyết định tăng lương sớm hơn kế hoạch hai tháng mà VPBank vừa đưa ra có kết nối sâu xa với những thay đổi lớn từ trong năm trước...
Ảnh minh họa.
Tuần qua, Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh một lần nữa bất ngờ khi gửi email thông báo quyết định tăng lương cho cán bộ nhân viên, áp dụng ngay từ tháng 7/2021.
Trong thư gửi, CEO VPBank cho biết, đại dịch Covid-19 đang gây nhiều tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội và còn tiếp tục ẩn chứa nhiều rủi ro, nhưng trong năm 2020 và các tháng đầu năm 2021, tập thể cán bộ nhân viên toàn hệ thống đã nỗ lực, đồng lòng cùng VPBank đạt nhiều kết quả kinh doanh khả quan và hứa hẹn sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt trong giai đoạn tiếp theo.
Nhằm ghi nhận những đóng góp và thể hiện sự quan tâm tới đời sống của cán bộ nhân viên, Ban lãnh đạo Ngân hàng quyết định phê duyệt Chương trình Điều chỉnh lương năm 2021, bắt đầu ngay từ kỳ lương tháng 7, sớm hơn 2 tháng so với kế hoạch.
Một lần nữa gây bất ngờ bởi trước đó, tháng 9/2020, ông Nguyễn Đức Vinh từng gửi email cho toàn bộ nhân viên về việc điều chỉnh lương 2020, nhằm ghi nhận những đóng góp của cán bộ nhân viên có hiệu quả làm việc tốt giai đoạn 2019-2020.
Những quyết định trên được thực hiện trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Bối cảnh đó khiến nhiều doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu, tiết giảm chặt chẽ chi phí hoạt động; thu nhập của nhiều nhóm đối tượng lao động bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, riêng VPBank vẫn đều đặn tăng lương, thậm chí tăng trước kế hoạch.
Ngân hàng này hẳn có cơ sở và mục tiêu khi thực hiện chính sách trên. Mục tiêu thì rõ ràng, có thể hiểu đó là động lực cụ thể nhất đồng hành cùng cán bộ nhân viên trong khó khăn, kết quả xứng đáng khi hiệu quả kinh doanh tiếp tục tăng trưởng, tạo lực đẩy để tiếp tục vượt qua bối cảnh khó khăn…
Điểm được chú ý hơn phía sau những quyết định tăng lương trên là cơ sở khá đặc biệt tại VPBank, đặt trong hệ thống các NHTM Việt Nam nói chung.
Dưới tác động của đại dịch Covid-19, khó khăn bủa vây cả nền kinh tế. Với vai trò là “ngành xương sống”, ngân hàng chắc chắn không là ngoại lệ.
Nợ xấu được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, trích lập dự phòng tăng; ngoài ra, ngân hàng còn chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hài hòa các lợi ích cũng như đẩy mạnh các công tác xã hội và cộng đồng...
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, ông Nguyễn Đức Vinh - Tổng giám đốc VPBank từng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nguồn thu của ngân hàng bị ảnh hưởng, riêng mảng tín dụng tiêu dùng xác định ngừng tăng trưởng để kiểm soát cho vay.
Bên cạnh đó, tham gia vào chương trình giảm lãi suất cho vay nên NIM của ngân hàng giảm khoảng 0,2%. Để bù đắp, ngân hàng phải tìm cách giảm chi phí vốn, cắt giảm chi phí hoạt động.
Song, như trên, để củng cố động lực nhân sự, chính sách tăng lương được đều đặn thực hiện.
Chi phí hoạt động và tỷ lệ chi phí trên thu nhập của VPBank liên tục giảm những năm gần đây - Nguồn: VPBank
LƯỢNG GIẢM ỨNG VỚI CHẤT TĂNG
Cơ sở quan trọng nhất liên quan đến chính sách lương nói trên là điểm tham chiếu về nhân sự. Ở điểm này VPBank là trường hợp khá đặc biệt năm qua, chỉ trong năm 2020 đã giảm tới hơn 6 nghìn người, tương đương 22,5% tổng nhân sự và là một trong những nhà băng cắt giảm nhân sự mạnh nhất hệ thống.
Một mặt nhân sự giảm mạnh từ tái cơ cấu các mảng hoạt động, mặt khác có tác động đáng kể từ quá trình số hóa các khâu vận hành và giảm thiểu nhân lực thủ công trước đây. Cả hai yếu tố này đều tác động mạnh đến chi phí, ngay cả khi VPBank đã tăng lương trong năm qua.
Cụ thể, kết thúc năm 2020, tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank giảm mạnh còn 29,2% so với 33,9% cuối 2019 và ở nhóm tốt nhất thị trường. Mức độ tối ưu của chỉ số này còn tùy thuộc vào đặc thù hoạt động của mỗi nhà băng, còn điều khẳng định là VPBank đã giảm một cấu phần chi phí lớn trong hoạt động. Hoặc ở chiều khác, CIR giảm được còn do thu nhập hoạt động tăng lên.
Chưa dừng lại. Bước sang năm 2021, trong những tháng đầu năm, chi phí hoạt động (OPEX) VPBank tiếp tục giảm gần 21% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ đó, CIR hợp nhất tiếp tục giảm mạnh từ 29,2% cuối năm 2020 xuống còn 23,5% trong quý 1/2021.
Trong khi đó, lần đầu tiên VPBank đạt được quy mô lợi nhuận ở mức 4.000 tỷ đồng ở quý đầu tiên của năm. Điều này dẫn đến mối quan hệ về nhân sự và các quyết định tăng lương nói trên.
Từ trong năm 2020, mối quan hệ đó cũng đã thể hiện rõ. Mặc dù giảm rất mạnh số lượng cán bộ nhân viên như đề cập ở trên song lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm qua của VPBank vẫn đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 127,5% kế hoạch đề ra, tăng trưởng 26,1% so với năm 2019. Như vậy, với một lực lượng nhân sự ít hơn trước, giảm tới hơn 6.000 người, song họ lại tạo ra quy mô lợi nhuận lớn hơn trước đó. Nói cách khác, mỗi nhân viên còn lại đã tạo ra bình quân lợi nhuận tốt hơn trước. Theo đó, tăng lương là điều đã và đang được thực hiện.
Dù vậy, đặt trong tổng thể các NHTM top đầu về thu nhập, VPBank vẫn chưa hẳn là đã mạnh tay trong chính sách này. Thu nhập bình quân mỗi tháng của nhân viên ngân hàng dù cải thiện đáng kể, từ mức 20,3 triệu đồng năm 2019 lên 21,1 triệu đồng năm 2020 nhưng vẫn còn một khoảng cách đáng kể so với Vietcombank, Techcombank, MB…
Liên quan đến thu nhập này, trước đây, khi Vietcombank đứng đầu ở nhóm “Big 4”, từng có so sánh rằng vì sao thu nhập nhân viên của họ vượt trội so với Agribank, BIDV và VietinBank… Khi đó, một lãnh đạo cao cấp của Vietcombank so sánh ngược lại một cách đơn giản: Lợi nhuận của Vietcombank cao hơn nhiều trong khi tổng nhân sự chỉ bằng phân nửa, thậm chí có giai đoạn bằng khoảng một phần ba một số thành viên trong so sánh, thì dĩ nhiên thu nhập có cân đối tốt hơn; và nếu tính theo hiệu suất lao động trong so sánh đó thì cũng thấy rõ nguyên do.