15h00
Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index giảm 2,15 điểm (-0,16%) xuống 1.360,94 điểm. Toàn sàn có 172 mã tăng, 197 mã giảm và 43 mã đứng giá. HNX-Index tăng 1,71 điểm (0,5%) lên 344,82 điểm. Toàn sàn có 123 mã tăng, 85 mã giảm và 77 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,28 điểm (0,3%) lên 94,48 điểm.
Về cuối phiên, các cổ phiếu lớn như PDR, VPB, VIC, VRE... đều bị bán mạnh và chìm trong sắc đỏ, điều này gây áp lực kéo VN-Index lùi xuống dưới mốc tham chiếu.
Thanh khoản thị trường tiếp tục giảm so với phiên trước, tổng giá trị khớp lệnh đạt 27.931 tỷ đồng, giảm 9%, trong đó, giá trị khớp lệnh sàn HoSE giảm 8% xuống 22.550 tỷ đồng. Khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 1.800 tỷ đồng ở sàn HoSE.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
11h30
Tạm dừng phiên sáng, VN-Index tăng 2,04 điểm (0,15%) lên 1.365,13 điểm. HNX-Index tăng 2,52 điểm (0,73%) lên 345,63 điểm. UPCoM-Index tăng 0,68 điểm (0,72%) lên 94,88 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên sáng hôm qua. Tổng giá trị khớp lệnh đạt 15.696 tỷ đồng, giảm 20,2%, trong đó, riêng sàn HoSE giảm 20% xuống 12.500 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh hơn 765 tỷ đồng và tập trung bán mạnh VHM.
Diễn biến giao dịch khối ngoại sàn HoSE. Nguồn: FireAnt.
10h55
Nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt tăng giá mạnh trong đó, EVS và APG đều được kéo lên mức giá trần. TVB tăng 9,1%, TCI tăng 7%, MBS tăng 4,6%, BSI tăng 3,3%, SSI tăng 1,6%.
ORS hiện tăng 8,2% lên 27.600 đồng/cp. Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) thông báo nhận hồ sơ niêm yết 200 triệu cổ phiếu của Chứng khoán Tiên Phong (UPCoM: ORS) từ ngày 12/8.
10h19
VCI tăng 3,4% lên 64.000 đồng/cp. Cổ phiếu này được SSI Research dự báo sẽ được thêm vào danh mục kỳ tới của 2 quỹ FTSE Vietnam Index và FTSE Vietnam 30 Index.
Bên cạnh đó, HSG được dự báo thêm vào danh mục của FTSE Vietnam 30 Index nên tạo hiệu ứng giúp cổ phiếu này 1,4% lên 40.350 đồng/cp.
Tương tự là trường hợp của DGC khi tăng 2,6% lên 104.600 đồng/cp. SSI Research dự báo DGC sẽ được thêm vào danh mục của MVIS Vietnam Index (V.N.M ETF) và FTSE Vietnam 30 Index.
9h50
Thị trường chứng khoản thời gian đầu của phiên giao dịch ngày 18/8 đi theo chiều hướng thận trọng, các chỉ số biến động giằng co với những nhịp tăng, giảm điểm đan xen. Các cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh và gây ra trạng thái giằng co của các chỉ số.
Trong đó, BVH, MSN, SAB, VIC... đang là những nhân tố quan trọng giúp kéo các chỉ số lên trên mốc tham chiếu. BVH tăng mạnh 3%, MSN tăng 2,6%, SAB tăng 1%.
Chiều ngược lại, áp lực vẫn còn lớn và đến từ các cổ phiếu như ACV, VHM, BCM... Trong đó, VHM tiếp tục giảm 1,8% xuống 109.000 đồng/cp.
Hiện tại, VN-Index tăng 3,36 điểm (0,25%) lên 1.366,45 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 137 triệu cổ phiếu, trị giá 4.883 tỷ đồng. HNX-Index tăng 1,31 điểm (0,38%) lên 344,42 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 46,7 triệu cổ phiếu, trị giá 1.176 tỷ đồng. UPCoM-Index tăng 0,51 điểm (0,54%) lên 94,71 điểm.
VN-Index và HNX-Index giảm điểm trong phiên 17/8 trước áp lực bán mạnh ở một số cổ phiếu vốn hóa lớn. Thanh khoản thị trường dù giảm so với phiên trước nhưng vẫn duy trì ở mức cao. Khối ngoại, đẩy mạnh bán ròng 1.415 tỷ đồng trong phiên này.
Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng phiên điều chỉnh nhẹ khi thị trường gần chạm ngưỡng 1.380 điểm có thể khiến VN-Index duy trì xu hướng tích lũy trong vùng 1.350-1.380 trong ngắn hạn trước khi hướng về ngưỡng 1.400 điểm.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng xu hướng hồi phục của TTCK đang gặp những áp lực chốt lãi lớn, nên sẽ còn nhiều biến động khó kiểm soát.
Một số thông tin quốc tế đáng chú ý:
Chốt phiên 17/8, Dow Jones, Nasdaq và S&P 500 đều giảm. Dow Jones giảm 282,12 điểm, tương đương 0,79%, xuống 35.343,28 điểm. S&P 500 giảm 31,63 điểm, tương đương 0,71%, xuống 4.448,08 điểm. Nasdaq giảm 137,58 điểm, tương đương 0,93%, xuống 14.656,18 điểm.
Các thị trường chứng khoán châu Á – Thái Bình Dương giảm trong phiên 17/8. Chỉ số MSCI châu Á – Thái Bình Dương không gồm Nhật Bản giảm 1,32%. Tại Nhật Bản, Nikkei 225 giảm 0,36%, Topix giảm 0,49%. Thị trường Trung Quốc giảm sâu nhất khu vực với Shanghai Composite mất 2% còn Shenzhen Component giảm 2,335%. Hang Seng của Hong Kong giảm 1,66%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,89%. ASX 200 của Australia giảm 0,94%.
Chốt phiên 17/8, giá dầu Brent, WTI đều giảm. Giá dầu Brent tương lai giảm 48 cent, tương đương 0,7%, xuống 69,03 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 70 cent, tương đương 1%, xuống 66,59 USD/thùng. USD ngày 17/8 tăng giá phiên thứ hai liên tiếp, chủ yếu nhờ nhu cầu nắm giữ tài sản an toàn. USD tăng giá khiến dầu trở nên đắt hơn với người nắm giữ đồng tiền khác.