Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, HoSE: PLX) cho biết trong 14 ngày đầu tháng 8, tổng sản lượng bán hàng của doanh nghiệp đã giảm 50% so với nửa đầu tháng 6.
Ngày 18/8, Petrolimex đã có văn bản phúc đáp công văn số 4076/
BSR-KD ngày 14/8 và công văn số 4084/
BSR-KD ngày 15/8 của Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM:
BSR) về việc cân đối bồn bể và hỗ trợ nhận hàng từ nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Petrolimex cho biết, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có diễn biến phức tạp khiến cho nhiều tỉnh, thành phố lớn phải gia hạn thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, tổng sản lượng bán hàng 14 ngày đầu tháng 8 của Petrolimex chỉ đạt xấp xỉ 50% so với cùng kỳ tháng 6.
Trong đó, sản lượng bán của mặt hàng xăng RON 95-III ghi nhận sự sụt giảm mạnh nhất, khoảng 70% so với nửa đầu tháng 6.
Sản lượng tiêu thụ tháng 8 giảm mạnh, Petrolimex ngừng nhập hàng từ BSR do hết sức chứa
Trước tình trạng sức mua giảm, hệ thống kho bể của Petrolimex luôn trong tình trạng đầy, chạm ngưỡng an toàn kỹ thuật, khó có khả năng tiếp nhận nguồn hàng từ
BSR với số lượng lớn.
"Do vậy, đối với đề nghị cân đối bồn bể của
BSR, sức chứa tại các kho trung tâm của tập đoàn đã không còn, Petrolimex sẽ thông báo ngay khi có thể tiếp nhận thêm, tùy thuộc vào tình hình tiêu thụ thực tế", ý kiến phúc đáp của Petrolimex.
Ông lớn xăng dầu cũng đề nghị, với các trường hợp nhận hàng sớm,
BSR cần thông báo rõ thời điểm tàu đến cảng nhận hàng (laycan) và lượng hàng cần nhận trước từ 3 đến 5 ngày, để Petrolimex chuẩn bị phương án phối hợp.
Không chỉ "khước từ" nhận hàng từ
BSR, trước đó, Petrolimex đã có văn bản gửi Bộ Công Thương, báo cáo về việc giảm tiếp nhận và dừng nhập khẩu mặt hàng mà các nhà máy lọc dầu trong nước sản xuất.
Nguyên nhân của động thái này đến từ việc nhu cầu tiêu thụ xăng dầu sụt giảm nghiêm trọng, tồn kho tăng cao kể từ sau khi đại dịch bùng phát mạnh hồi tháng 7.
Petrolimex cũng kiến nghị Bộ Công Thương chỉ đạo các nhà máy lọc dầu trong nước phối hợp tìm kiếm giải pháp bổ sung, đơn cử như chủ động điều tiết công suất, tăng cường xuất khẩu, dự trữ... để chia sẻ với các doanh nghiệp đầu mối trước tình trạng tiêu thụ giảm mạnh, không thể kiểm soát do tác động của dịch bệnh.
Các thông tin nêu trên hoàn toàn trái ngược với bối cảnh lạc quan trong 6 tháng đầu năm của Petrolimex. Giai đoạn này, ông lớn xăng dầu ghi nhận doanh thu đạt 84.835 tỷ đồng, tăng 30%; lợi nhuận sau thuế đạt 2.250 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ khoản lỗ gần 700 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Dựa trên kết quả đạt được, Petrolimex đã hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.