Nhà đầu tư đang chuẩn bị tâm lý cho một quãng đường đầy chông gai phía trước bởi xuất hiện không ít lo ngại liên quan đến sự giảm tốc của nền kinh tế Mỹ.
Thị trường được định giá cao cũng khiến cho các nhà đầu tư ngập ngừng.
Nhà đầu tư đang chuẩn bị tâm lý cho một quãng đường đầy chông gai phía trước bởi xuất hiện không ít lo ngại liên quan đến sự giảm tốc của nền kinh tế, Fed cân nhắc siết chính sách hỗ trợ và một làn sóng Covid-19 đang đe dọa tới đà tăng điểm của thị trường chứng khoán, với chỉ số S&P 500 đã gấp 2 lần so với đáy hồi năm ngoái.
Những dấu hiệu thận trọng đã xuất hiện, ngay cả khi các chỉ số chứng khoán Mỹ đang tiệm cận với đỉnh lịch sử. Các nhà kinh tế học của Goldman Sachs gần đây hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong quý III từ 9% xuống 5,5% vì ảnh hưởng từ biến chủng Delta, trong khi các nhà quản lý quỹ, được khảo sát bởi nhóm Global Research thuộc Bank of America, cũng cho biết họ đang gia tăng nắm giữ tiền mặt với tỷ lệ cao nhất kể từ tháng 10/2020. Họ bổ sung nắm giữ cổ phiếu thuộc các lĩnh vực có tính chất phòng hộ như y tế và hàng tiêu dùng.
Lo ngại xung quanh đà giảm tốc của Trung Quốc cũng như nhiều nền kinh tế lớn khác đã ảnh hưởng tới giá dầu, đồng và nhiều nguyên liệu thô khác, trong khi giá trị của USD, “chỗ trú ẩn” đối với nhiều nhà đầu tư “đang lo lắng” cuối tuần trước tăng lên cao nhất trong vòng 9 tháng.
Ngay cả các nhà đầu tư cá nhân, đứng sau đà tăng giá mạnh của nhiều cổ phiếu công nghệ cũng như thị trường tiền số năm ngoái, có vẻ như cũng đang thấp thỏm chờ đợi. Nền tảng môi giới trực tuyến Robinhood, cánh cửa đầu tư đối với nhiều nhà đầu tư cá nhân vào các "cổ phiếu meme”, cho biết hôm 18/8 rằng khách hàng của họ có xu hướng giảm giao dịch trong vài tháng tới.
Nhân viên môi giới tại sàn NYSE. Ảnh: Reuters.
Những lời cảnh báo trong quá khứ về một đợt điều chỉnh thị trường có vẻ như không phát huy tác dụng trong năm nay. Việc giảm tỷ lệ nắm giữ cổ phiếu là chiến lược sai lầm khi thị trường bật tăng mạnh sau khi chạm đáy vào năm 2020. Chính điều đó củng cố thêm nhận định rằng tồn tại rất ít các loại hình tài sản, nơi mà các nhà đầu tư có thể nhận được mức tỷ suất lợi nhuận cao như chứng khoán. Nhưng vẫn còn đó những rủi ro rằng thị trường có thể sẽ biến động mạnh trong những tháng sắp tới.
“Chúng ta đã đi qua quãng thời gian mà mọi loại hình tài sản và chứng khoán đều liên tục gia tăng giá trị”, theo Megan Hornman, giám đốc quản lý danh mục đầu tư tại Verdence Capital Advisors, đơn vị quản lý khối tài sản hơn 3 tỷ USD. Hiện tại,"bạn nên có sự chọn lọc kỹ càng hơn”.
Bên cạnh những nỗi lo chính liên quan đến triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế, đó còn là rủi ro Fed, vốn đang phải đối mặt với lạm phát cao hơn dự kiến, cho cắt giảm dần các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế ngay tại thời điểm mà nền kinh tế có dấu hiệu phát triển chậm lại cùng với đó là sự bùng nổ của Covid-19. Biến chủng Delta đe dọa sự mở cửa lại các hoạt động kinh tế trên phạm vi toàn quốc.
“Chúng ta đã nhận được vô vàn lợi ích từ các chính sách tiền tệ thuận lợi nhằm mục đích thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ Fed, do đó, khó có thể tránh khỏi tâm lý lo ngại khi Fed cho dừng các gói hỗ trợ”, theo Rab Haworth, giám đốc chiến lược đầu tư cao cấp tại U.S. Bank Wealth Management.
Các nhà đầu tư sẽ theo dõi sát kết quả từ Hội nghị chuyên đề của Fed, tổ chức tại Jackson Hole, bang Wyoming để có những đánh giá nhất định về việc khi nào Fed sẽ cắt giảm chương trình mua 120 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ.
Các chuyên gia phân tích thuộc Global Research, Bank of America, hồi đầu tuần trước dự báo quyết định cho dừng các gói hỗ trợ của Fed có thể sẽ diễn ra sớm hơn, cụ thể là vào tháng 11 thay vì tháng 1/2022, dựa vào những biên bản sau cuộc họp chính sách gần đây của ngân hàng trung ương Mỹ.
Việc thị trường được định giá cao cũng khiến cho các nhà đầu tư ngập ngừng. P/E của chỉ số S&P 500 đang ở ngưỡng 21,1x, cao hơn 34% so với trung bình 20 năm, theo Refinitiv Datastream.
Cho dù mang không ít lo lắng, nhiều nhà đầu tư đang áp dụng các chiến lược cho phép họ có thể “gắn bó” với thị trường những khoán, vốn đã được hưởng lợi từ lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thấp, cùng với đó là chỉ số tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Mỹ trong thời gian qua.
Horneman, tới từ Verdence Capital Advisors, bổ sung các khoản đầu tư thay thế ví dụ như một số chiến lược linh hoạt được áp dụng bởi các quỹ phòng hộ, với mục đích làm giảm sự tương quan đối với giá cổ phiếu và trái phiếu hiện tại.
Greg Bassuck, giám đốc điều hành tại AXS Investments, cho biết sự quan tâm tới các phương án thay thế như quỹ đầu tư tư nhân, đầu tư bảo hiểm, và các chiến lược như các hợp đồng mua bán tương lai có kiểm soát, với mục đích phòng tránh rủi ro nhưng vẫn gắn liền với thị trường chứng khoán, đang ngày một tăng lên. Tại Mỹ, dòng tiền đổ vào các hình thức đầu tư như vậy đang cao nhất kể từ năm 2013, Morning Star cho biết trong tháng 7.
Mark Haefele, giám đốc đầu tư tại UBS Global Wealth Management, cho biết nhà đầu tư nên chuẩn bị cho giai đoạn bất ổn sắp tới bằng cách đa dạng hóa các khoản và lĩnh vực đầu tư, kể cả đó là các quỹ phòng hộ. Haefele cho biết chỉ số S&P 500 ở thời điểm kết thúc năm 2022 sẽ tăng lên ngưỡng 5.000 điểm dù ông dự báo quãng đường sắp tới "không bằng phẳng".
Quan điểm nắm giữ cổ phiếu vẫn đóng vai trò là “liều thuốc” giúp thị trường hồi phục trong suốt một thập kỷ qua, khi không ít các nhà đầu tư đã kiếm được bộn tiền khi tham gia thị trường lúc nó đang suy yếu. Đối với Horneman, chiến lược đó vẫn giữ nguyên tác dụng.
“Chúng ta vẫn đang ở trong giai đoạn mua vào, chưa phải giai đoạn bán ra”, bà chia sẻ.