99% hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU sẽ được miễn thuế trong thập kỷ tới là lợi thế khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt nhà đầu tư EU.
Chủ tịch EuroCham kỳ vọng doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng được lợi thế của người đi trước và sớm có được vị thế vững chắc tại thị trường EU bằng việc tận dụng tốt EVFTA.
Tại hội thảo trực tuyến về tìm hiểu hiệp định thương mại tự do để thâm nhập hiệu quả thị trường EU và Vương quốc Anh, ông Alain Cany, đại diện Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) phân tích từ khi FTA giữa Việt Nam và EU (EVFTA) có hiệu lực, 65% hàng xuất khẩu của EU sang Việt Nam và 71% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU được miễn thuế. Trong thập kỷ tới, con số này sẽ tăng lên gần 99%. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư EU và hàng hóa Việt Nam cũng sẽ được đặc quyền tiếp cận thị trường tiêu dùng rộng lớn và thịnh vượng với khoảng 450 triệu dân.
Sản phẩm da giày, dệt may và thủy sản là những thế mạnh của Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU.
Hiện EU có hai FTA với Singapore và Việt Nam tuy nhiên hàng hóa của Việt Nam và Singapore không cạnh tranh trực tiếp tại EU. Những mặt hàng xuất khẩu của Singapore sang EU là hóa chất và dược phẩm. Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sản phẩm da giày, dệt may và thủy sản. Vì vậy, hai nước có thể hợp tác lẫn nhau để giúp doanh nghiệp hai nước tiếp cận thị trường EU được tốt hơn.
Cũng theo Chủ tịch EuroCham khả năng hiệp định thương mại tự do giữa EU và những quốc gia thành viên ASEAN khác hiện là "viễn cảnh xa vời", do đó, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore nên tận dụng tốt “lợi thế đi trước” và khẳng định được vị thế vững chắc tại thị trường EU, trước những đối thủ cạnh tranh.
Tuy nhiên, ông Alain Cany cũng chỉ một vài thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam để thâm nhập thị trường EU đó là thủ tục hành chính. Vì vậy, ông Cany khuyến nghị các bên cần nỗ lực để đảm bảo việc thực hiện EVFTA suôn sẻ và thành công.
Ngoài ra, ông Alain Cany cũng lưu ý thị trường EU có nhiều tiêu chuẩn cao về môi trường, nông nghiệp và phát triển bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, an toàn thực phẩm... để có thể bán được sản phẩm cho người tiêu dùng EU.
Ở góc độ khác, ông Douglas Foo, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Singapore (SMF) cho biết FTA giữa Singapore - Anh và FTA Singapore - EU giúp công ty các nước thành viên được hưởng nhiều lợi ích thuế quan. Do đó, Việt Nam và Singapore có nhiều cơ hội hợp tác để tận dụng năng lực và thế mạnh của nhau trong việc khai thác thị trường EU và Vương quốc Anh.
SMF là thành viên mạng lưới Mạng lưới doanh nghiệp EU, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể hợp tác với nhau để tận dụng mạng lưới kinh doanh của SMF tại EU cho hoạt động kinh doanh của mình. Doanh nghiệp Việt Nam có thể liên hệ với SMF để tìm kiếm những đối tác là công ty Singapore đang có hoạt động kinh doanh tương tự hoặc bổ trợ để hợp tác. Ông Douglas Foo cũng tin tưởng rằng doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể phát huy lợi thế của nhau để mở rộng cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang EU và Vương quốc Anh.
Ông Sebastian Cortes Sanchez, Phó Giám đốc, Trung tâm Thương mại châu Á cũng cho rằng thương mại thế giới sụt giảm do dịch Covid 19 gây ra, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm kiếm những nguồn lực mới để tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Những FTA Việt Nam - EU hay FTA Singapore - EU là những công cụ hiện hữu, doanh nghiệp cần khai thác tối đa, cải thiện năng lực cạnh tranh và cắt giảm mọi chi phí.
Tuy vậy, ông Sebastian Cortes Sanchez cũng lưu ý doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu được biểu thuế của đối với dòng sản phẩm của doanh nghiệp mình cũng như quy tắc xuất xứ và hạn ngạch xuất khẩu.
“Một số quy định cho phép khai thác biểu thuế, hàm lượng giá trị khu vực, quy trình liên quan đến chế biến…, doanh nghiệp phải tìm hiểu cụ thể để xác định xem các sản phẩm của mình có đáp ững được những quy định đó hay không?”, ông Sebastian Cortes Sanchez lưu ý.
Việt Nam hiện đã tham gia 15 FTA, trong đó 14 hiệp định đã có hiệu lực. Trong số 14 hiệp định có 9 FTA mà Việt Nam và Singapore đều là thành viên, như hiệp định thương mại song phương EVFTA và UKVFTA.
Với vị trí địa lý đặc thù của mình, Singapore đã trở thành một trạm trung chuyển thương mại lớn của thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam là một nền kinh tế sản xuất và xuất khẩu mới nổi với nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh đáng kể của ASEAN và thế giới. Thị trường xuất khẩu của Việt Nam đã được mở rộng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Những lợi thế về năng lực cung ứng, năng lực thương mại mà doanh nghiệp hai nước đang có là vô cùng tiềm năng, nhất là trong bối cảnh hiện nay Việt Nam và Singapore là hai nước duy nhất trong khu vực có các FTA mang tính toàn diện với thị trường EU và Vương quốc Anh. Ngoài ra, nền kinh tế của hai nước cũng mang tính bổ trợ cao nên việc hợp tác, cùng khai thác và thâm nhập thị trường EU, Vương quốc Anh là hướng đi đúng đắn để tận dụng xuất xứ cộng gộp và cùng tăng cường xuất khẩu sang nước thứ ba.