Bài báo sử dụng mô hình tự hồi quy có phân phối trễ trên bộ số liệu năm từ 1996 đến 2019, gồm GDP và giá trị xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, thu nhập từ nguồn Ngân hàng Thế giới để chỉ ra tác động cùng chiều của xuất khẩu hàng hóa lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Kết quả này khẳng định lý thuyết tăng trưởng kinh tế dựa vào xuất khẩu đúng với trường hợp của Việt Nam. Cụ thể, trong ngắn hạn và trong giai đoạn nghiên cứu thì GDP năm trước tăng thì cũng kích thích GDP năm sau tiếp tục tăng. Đồng thời, giá trị xuất khẩu trong năm có đóng góp tích cực cho GDP năm đó. Ngoài ra, tồn tại mối quan hệ cân bằng dài hạn tích cực giữa xuất khẩu hàng hóa và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Giới thiệu
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 đã xác định mục tiêu tổng quát của Việt Nam đến năm 2030 đó là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 20301 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để đạt mục tiêu trên, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng chỉ rõ định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu, không để phụ thuộc quá lớn vào một thị trường, bảo đảm cân bằng cán cân xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2020, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước không còn là khu vực chủ lực cho sự tăng trưởng của hoạt động xuất khẩu (như trong 9 tháng đầu năm 2020, khi giảm 1,1% và chỉ đạt 78,2 tỷ USD, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu). Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã giành lại vị thế đầu tàu xuất khẩu, khi đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Cũng theo số liệu năm 2020 của Tổng cục Thống kê, sự gia tăng mạnh của kim ngạch xuất khẩu 2 mặt hàng chủ lực như: Điện thoại các loại và linh kiện, tăng 49% so với năm 2019 (tương đương 4,05 tỷ USD); máy vi tính và linh kiện tăng hơn 16% (tương đương 1,53 tỷ USD).
Hoạt động xuất khẩu sang các thị trường truyền thống khác trong năm 2020 so với năm 2019 đang có xu thế giảm, khi xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 23,1 tỷ USD, giảm 8,7%; Nhật Bản đạt 19,2 tỷ USD, giảm 5,7%; Hàn Quốc đạt 18,7 tỷ USD, giảm 5,1%. Các nhóm hàng xuất khẩu chính gồm: các mặt hàng tiêu dùng và các mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như túi xách, hàng dệt may, giày dép, hàng thủy sản, nông sản (trừ gạo và sắn), điện thoại và linh kiện... tiếp tục bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 và duy trì mức tăng trưởng âm.
Trên cơ sở nghiên cứu tổng quan lý thuyết và thực tiễn, nhóm tác giả phân tích tác động của xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế, từ đó đề xuất kiến nghị về thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Tổng quan nghiên cứu
Những nghiên cứu đầu tiên về tác động của xuất khẩu tới tăng trưởng kinh tế sử dụng dữ liệu chéo, có thể kể đến là các nghiên cứu của Emery (1968), Kravis (1970), Michalopoulos và Jay (1973) và Krueger (1978). Michalopoulos và Jay (1973) xem xét mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng trong khung lý thuyết hàm sản xuất tân cổ điển.
Nghiên cứu sử dụng số liệu từ 39 nước đang phát triển trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1973. Kết quả nghiên cứu khẳng định rằng, sản lượng là một hàm của đầu tư, việc làm và xuất khẩu, đồng thời, ủng hộ quan điểm các nước đang phát triển với sự ưu tiên xuất khẩu trải qua tốc độ tăng trưởng sản lượng cao hơn.
Tuy nhiên, các nghiên cứu sử dụng dữ liệu chéo có một số hạn chế, nên các nghiên cứu đã mở rộng áp dụng cho số liệu chuỗi thời gian. Có thể kể đến các nghiên cứu như của Keong và cộng sự (2001) ước lượng mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế cho Malaysia, giai đoạn 1959-2000; Abual- Foul (2004) nghiên cứu trường hợp của Jordan, thời kỳ 1976-1997; Rudy (2011) ước lượng mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế trong trường hợp của Indonesia, giai đoạn 1971 đến 2008; Mangir (2012) đưa ra bằng chứng thực nghiệm về mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế cho trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ, thời kỳ 2002-2011.
Các nghiên cứu này cũng đồng thuận rằng, tăng cường xuất khẩu có tác động nhân quả tới tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Tác động này được thể hiện trong mối quan hệ trực tiếp giữa hai biến số và gián tiếp qua các biến số kinh tế khác như vốn, lao động, nhập khẩu, tỷ giá (điển hình là nghiên cứu của Keong và cộng sự (2001) với hệ VAR 6 biến). Tác động tích cực này được lập luận là kết quả của những thay đổi cơ cấu và thể chế, như nới lỏng các hạn chế về chuyển vốn và lợi nhuận, khuyến khích đầu tư của doanh nghiệp tư nhân nội địa, tạo ra những nhân tố thu hút đầu tư nước ngoài (Abual - Foul, 2004), giúp quốc gia vượt qua quy mô hạn chế của thị trường nội địa.
Với tình huống của Việt Nam, tác giả Trần Hòe (2001) gắn kết xuất khẩu với tăng trưởng kinh tế, đề xuất những điều kiện cần thiết và những giải pháp đảm bảo kinh tế Việt Nam tăng trưởng thành công theo con đường thúc đẩy xuất khẩu. Cùng hướng nghiên cứu trên, Pham Mai Anh (2008) sử dụng mô hình VAR với bốn biến GDP, đầu tư, xuất khẩu và năng suất nhằm xác định nhân tố nào, xuất khẩu hay đầu tư, thực sự là động lực của tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 1986-2007.
Hay nghiên cứu của Nguyễn Thị Thu Thủy (2014) sử dụng kiểm định nhân quả và hồi quy đã biến một phương trình, mô hình véc tơ tự hồi quy VAR để phân tích tác động của xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế.
Bài viết này, vận dụng một phương pháp định lượng khác, là mô hình tự hồi quy có phân phối trễ trên bộ số liệu năm từ 1996 đến 2019, thu thập từ Ngân hàng Thế giới để chỉ ra tác động cùng chiều của xuất khẩu hàng hóa lên tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Kết quả thực nghiệm
Số liệu nghiên cứu gồm: Tổng sản phẩm quốc nội (GDP, nghìn tỷ đồng), giá trị xuất khẩu hàng hóa (EX, tỷ USD) thu thập từ Ngân hàng Thế giới, giai đoạn từ 1996 đến 2019. Thừa kế mô hình tự hồi quy phân phối trễ ARDL trong nghiên cứu của Persaran và cộng sự (1996), tác giả thực hiện ước lượng mô hình ARDL có dạng như sau:
Tác động tích cực từ xuất khẩu hàng hóa tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam - Ảnh 1
Trong đó αi, βi tương ứng là các hệ số hồi quy, ut là phần dư, có tương quan chuỗi đồng thời nhưng không tương quan với các trễ của nó và các biến giải thích.
Qua các bước ước lượng và kiểm định mô hình ARDL, chúng tôi nhận được kết quả trong ngắn hạn sau:
D(LnGDPt) = 0.445*D(LnGDPt-1) + 0.363*D(LnEXt) + 0.018 + ut
Nghĩa là, trong ngắn hạn và trong giai đoạn nghiên cứu, GDP năm trước tăng thì cũng kích thích GDP năm sau tiếp tục tăng. Đồng thời, giá trị xuất khẩu trong năm có đóng góp tích cực cho GDP năm đó. Đây là một biểu hiện tích cực của tăng trưởng kinh tế tại các nước đang phát triển, như Việt Nam. Giá trị xuất khẩu trong năm có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thể hiện ở hệ số hồi quy mang dấu dương có ý nghĩa thống kê.
Trong dài hạn:
D(LnGDP) = 0.6545*D(LnEX) + 0.0324 + ut
Nghĩa là, trong dài hạn, giá trị xuất khẩu có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tức là có bằng chứng về tăng trưởng kinh tế dựa trên xuất khẩu cho tình huống của Việt Nam giai đoạn 1996-2019.
Đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững
Xuất phát từ thực trạng, từ những hạn chế và nguyên nhân của xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, từ kinh nghiệm quốc tế về gắn kết xuất khẩu với tăng trưởng kinh tế, từ kết quả phân tích và quan điểm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, có chính sách ưu tiên thu hút những nhà đầu tư chiến lược, những dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, công nghệ sạch, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ.
Hai là, khai thác tiềm năng về phát triển nông nghiệp phục vụ xuất khẩu: tài nguyên đất đai, khí hậu cơ bản có nhiều lợi thế, sản phẩm đa dạng và giàu tiềm năng xuất khẩu, người nông dân cần cù, chịu khó và có khả năng sáng tạo. Nhà nước cân nhắc đưa ra các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, sạch, hướng mạnh vào xuất khẩu. Cụ thể, trong 10 năm tới, mỗi năm, Nhà nước cần đầu tư tập trung cho: (1) Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; (2) Thực hiện điều tra, khảo sát, thống kê để thông tin, dự báo cho người dân về sản phẩm, về thị trường; tăng cường xúc tiến thương mại, giúp người dân, doanh nghiệp tìm kiếm thị trường xuất khẩu, khắc phục tình trạng được mùa mất giá, tình trạng “giải cứu” nông sản, người nông dân mù mờ về thông tin thị trường; (3) Thực hiện khuyến nông mạnh mẽ bằng cách hỗ trợ chuyển giao khoa học, công nghệ cho doanh nghiệp nông nghiệp, nông dân, thúc đẩy khâu nông sản.
Ba là, mặc dù hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn tiềm ẩn những khó khăn nhất là khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp. Để hoạt động xuất nhập khẩu bền vững trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, các lĩnh vực sản xuất, chế biến trong nước cần phải tiếp tục đổi mới, doanh nghiệp trong nước cần có những chuyển đổi mạnh về cơ cấu ngành hàng cũng như nâng cao chất lượng, đổi mới quy trình xúc tiến thương mại cho phù hợp với tình hình mới. Các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu cần được ưu tiên triển khai để sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu cũng cần được củng cố và mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách; đa dạng hóa cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.