CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020.
Nguyên nhân là giá lương thực, thực phẩm tăng tại những địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
CPI 8 tháng vừa qua tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ 2016.
Báo cáo kinh tế - xã hội 8 tháng vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy giá lương thực, thực phẩm tăng tại các địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước, tăng 2,51% so với tháng 12/2020 và tăng 2,82% so với tháng 8/2020. Tuy nhiên, tính chung 8 tháng, CPI tăng 1,79% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.
Giá lương thực, thực phẩm tăng tại những địa phương giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 là nguyên nhân chính làm CPI tháng 8 tăng 0,25% so với tháng trước. Ảnh minh họa.
Trong mức tăng 0,25% của CPI tháng 8 so với tháng trước có 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 4 nhóm hàng có chỉ số giá giảm và 3 nhóm giữ giá ổn định.
Cụ thể, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có mức tăng cao nhất với 0,74% (làm CPI chung tăng 0,25 điểm phần trăm) do việc vận chuyển và phân phối hàng hóa nghiêm ngặt hơn, nhằm đảm bảo các yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi nhu cầu tích trữ lương thực, thực phẩm tăng cao tại các khu vực thực hiện giãn cách xã hội. Trong đó, chỉ số giá lương thực tăng 0,69%; thực phẩm tăng 0,97%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,19%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,22% do nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát khi thời tiết nắng nóng tăng cao và giá thuốc lá tăng, do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung giảm. Nhóm giáo dục tăng 0,04%, do giá văn phòng phẩm tăng 0,34%. Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,02% chủ yếu do dịch Covid-19 diễn biến nhanh và phức tạp, các địa phương đẩy nhanh tiêm vaccine Covid-19 nên nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch tăng làm giá các loại thuốc tăng 0,08%.
Trong khi đó, nhóm giao thông giảm 0,06% chủ yếu do nhiều đại lý ôtô đưa ra các gói ưu đãi, giảm giá xe hấp dẫn nhằm kích thích sức mua của người tiêu dùng, làm cho giá ôtô giảm. Nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,05%, do giá điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,16% và phụ kiện điện thoại di động thông minh, máy tính bảng giảm 0,5%.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 giảm 0,03% chủ yếu do giá thiết bị văn hóa giảm 0,22%; du lịch trọn gói giảm 0,04%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép giảm 0,03% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19.
Ba nhóm hàng hóa và dịch vụ giữ giá ổn định là nhà ở và vật liệu xây dựng; thiết bị và đồ dùng gia đình và nhóm hàng hóa và dịch vụ khác.