8 tháng năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm ximăng cả nước đạt khoảng 70,7 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020. Sản lượng xuất khẩu ước khoảng 27,23 triệu tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kể từ tháng 5 đến nay tình hình tiêu thụ ximăng trong nước bắt đầu bị ảnh hưởng do dịch COVID-19, nhiều địa phương áp dụng giãn cách xã hội khiến việc vận chuyển hàng hóa khó khăn, các công trình xây dựng bị ngưng trệ.
Số liệu từ Vụ Vật liệu xây dựng-Bộ Xây dựng cho thấy, trong 8 tháng năm 2021, ước tiêu thụ sản phẩm ximăng đạt khoảng 70,77 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, tiêu thụ tại thị trường nội địa đạt khoảng 43,54 triệu tấn, giảm khoảng 5% so với cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước đạt khoảng 27,23 triệu tấn, tăng tới 12% so với cùng kỳ.
Riêng trong tháng 8, lượng ximăng tiêu thụ khoảng 8,09 triệu tấn, giảm khoảng 8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tiêu thụ trong nước khoảng 4,97 triệu tấn, xuất khẩu đạt 3,12 triệu tấn.
Một dây chuyền sản xuất ximăng
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội ximăng Việt Nam (VNCA), tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu ximăng, clinker đang duy trì mức tăng cao so với cùng kỳ là nhờ vào mức tăng trưởng từ tháng 1 đến tháng 4. Đây là những tháng trước khi đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 tái bùng phát.
Nhưng từ cuối tháng 4 đến nay, dịch bệnh tái bùng phát đã khiến hàng loạt dự án xây dựng trên những địa bàn lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cùng 19 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam đều tạm thời dừng thi công do phải áp dụng biện pháp giãn cách xã hội khiến nhu cầu tiêu thụ ximăng tại thị trường nội địa dự báo sẽ còn tiếp tục sụt giảm - ông Cung nhận xét.
Xét theo địa bàn tiêu thụ nội địa năm 2021 thì khu vực miền Nam có mức tiêu thụ tăng mạnh nhất cả nước với tốc độ tăng trưởng 12,2% so với năm trước và đang cao hơn mức trung bình cả nước 4,4%. Bởi vậy, việc giãn cách kéo dài tại nhiều địa phương thuộc khu vực phía Nam sẽ tiếp tục ảnh hưởng đáng kể đến tiêu thụ ximăng nội địa.
Đánh giá về thị trường xuất khẩu, Tiến sỹ Lương Đức Long - Tổng Thư ký Hiệp hội ximăng Việt Nam (VNCA) chia sẻ sản lượng xuất khẩu ximăng tăng 12% là tín hiệu đáng mừng do tại nhiều thị trường xuất khẩu lớn như EU, Canada, Mỹ, Trung Quốc đã trở lại hoạt động bình thường.
Nhu cầu sử dụng sản phẩm ximăng tăng cao và giá ximăng tại các thị trường này cũng đang được điều chỉnh theo xu hướng tăng.
Hiện tiến độ tiêm vaccine đang được các địa phương đẩy mạnh nhằm sớm khống chế hiệu quả tình hình dịch bệnh và dần nới lỏng giãn cách xã hội để trở lại trạng thái bình thường mới. Do đó, tình hình tiêu thụ ximăng nội địa cũng đang được kỳ vọng sẽ tăng mạnh trở lại do thời điểm những tháng cũng năm rơi vào cao điểm mùa xây dựng - ông Long phân tích.
Dựa vào tốc độ tăng trưởng của lượng và kim ngạch cho thấy, trị giá bình quân xuất khẩu mặt hàng này nhỉnh hơn cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, những tháng đầu năm 2021 đạt khoảng 38,8 USD/tấn trong khi cùng kỳ 2020 là 37,5 USD/tấn.
Có thể thấy hoạt động xuất khẩu ximăng và clinker của Việt Nam trong nửa đầu năm 2021 đang có sự tăng trưởng cao. Điều này cũng đã được thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành.
Hiện 3 quốc gia ở châu Á gồm Trung Quốc, Philippines, Bangladesh là những thị trường xuất khẩu lớn nhất của nhóm hàng ximăng và clinker. Nếu tính đến quý 2 thì thị trường xuất khẩu vào Trung Quốc duy trì vẫn vị trí số 1 với gần 10,3 triệu tấn, kim gạch 368,6 triệu USD, chiếm 49,4% lượng và 45,6% về kim ngạch xuất khẩu ximăng và clinker của cả nước. Tiếp đến Philippines đạt 3,85 triệu tấn, kim ngạch 175,45 triệu USD; Bangladesh đạt 1,93 triệu tấn, kim ngạch 65,4 triệu USD.
Những năm gần đây, xuất khẩu lại tiếp tục là động lực tăng trưởng của ngành ximăng. Sở dĩ xuất khẩu ximăng tăng mạnh là nhờ Trung Quốc giới hạn và giảm dần các nhà máy ximăng mà chủ yếu vì mục đích môi trường và thay vào đó tăng nhập khẩu từ các quốc gia khác, đặc biệt là Việt Nam.
Tuy nhiên, xét theo từng tháng thì sản lượng xuất khẩu đang có xu hướng giảm dần từ tháng 4 đến nay, chủ yếu là từ nguồn ximăng xuất khẩu sang Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu sang quốc gia này đã bắt đầu thu hẹp từ tháng 5.
Ngoài ra, thị phần xuất khẩu sang các thị trường lớn đều có mức tăng tốt, ngoại trừ thị trường Đài Loan (Trung Quốc) cũng giảm gần 80% về cả lượng và giá trị.
Ông Cung đánh giá thị trường tiêu thụ cả nội địa và xuất khẩu gần như không thay đổi, vẫn ở mức trung bình khoảng 200 triệu tấn/năm. Tuy nhiên nhờ sức cạnh tranh của ximăng, clinker Việt Nam do lợi thế về đường biển đã giúp mặt hàng này tăng trưởng xuất khẩu.
Lượng lớn ximăng, clinker Việt Nam xuất khẩu chủ yếu qua Trung Quốc. Thị trường này không thiếu nguồn cung, nhưng nếu các nhà sản xuất tự vận chuyển đến các vùng ven biển sẽ rất xa; trong khi đó, nếu vận chuyển bằng đường biển của Việt Nam thì gần hơn. Nên đây là lợi thế để Việt Nam xuất khẩu ximăng, clinker sang Trung Quốc.
Các chuyên gia đều chung nhận định, hoạt động xuất khẩu ximăng và clinker của Việt Nam trong những tháng đầu năm 2021 có sự tăng trưởng cao.
Theo VNCA, Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới về năng lực sản xuất, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ và Nga. Hiện sản lượng sản xuất ximăng của Việt Nam đạt xấp xỉ 110 triệu tấn/năm.
Đáng chú ý, trong 2 quý đầu của năm 2021, sản lượng sản xuất ximăng toàn ngành đạt 51.1 triệu tấn, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2020. Đây là mức sản lượng sản xuất cao nhất trong vòng 5 năm gần đây và đã thực hiện được xấp xỉ 50% so với kế hoạch sản xuất cả năm là 104-107 triêu tấn.
Một số đơn vị thuộc Tổng công ty ximăng Việt Nam (VICEM) có sản lượng tăng 8.5% so với cùng kỳ; trong đó, VICEM Hà Tiên chiếm tỷ trọng lượng sản xuất lớn nhất, tăng tới 9,6%. Ngược lại, các doanh nghiệp ximăng thuộc khối liên doanh lại ghi nhận mức giảm sản xuất giảm 4,6% so với cùng kỳ.
Hoạt động xuất khẩu ximăng và clinker tăng trưởng cao cũng thể hiện ở kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành. Điển hình như Công ty cổ phần ximăng Hà Tiên 1 (mã chứng khoán: HT1) ghi nhận doanh thu thuần 6 tháng đầu năm đạt 4.001 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 335 tỷ đồng, lần lượt tăng 6% và 7%.
Đại diện VICEM Hà Tiên cho biết với kết quả này, ximăng Hà Tiên 1 đã thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và 52% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2021.
Cùng đó, Công ty cổ phần ximăng Bỉm Sơn (mã chứng khoán: BCC) lũy kế 6 tháng đầu năm 2021 doanh thu thuần đạt 2.247 tỷ đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 97 tỷ đồng, tăng 59,8% và vượt trên 13% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm.
Công ty cổ phần Vicem Thạch cao ximăng (mã chứng khoán: TXM) cũng đạt mức tăng trưởng doanh thu cao trong nửa đầu năm, tăng 64% so với cùng kỳ năm 2020 đạt 100 tỷ đồng và giảm lỗ một nửa; chỉ còn lỗ hơn 900 triệu đồng, trong khi năm 2020 lỗ tới 1,8 tỷ đồng.
Tính chung toàn ngành, đến thời điểm này, cả nước có 24 dây chuyền được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 36,31 triệu tấn. Như vậy, dự kiến đến năm 2030, cả nước có 109 dây chuyền sản xuất ximăng với tổng công suất 140,35 triệu tấn/năm.
Từ 2020 đến nay, chỉ có thêm 2 dây chuyền mới đi vào vận hành là dự án Nhà máy ximăng Tân Thắng (Nghệ An) và dây chuyền 3 nhà máy ximăng Long Sơn tại Thanh Hóa. Đến cuối năm nay, dự kiến sẽ có thêm một dự án dây chuyền 4 của ximăng Long Sơn đi vào vận hành.
Theo phân tích và dự báo của một số chuyên gia trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, tỷ suất lợi nhuận ngành ximăng có thể tiếp tục bị suy giảm do công suất và chi phí nhiên liệu tăng.
Cụ thể, trong năm 2021, công suất trong nước ước tính tăng khoảng 7 triệu tấn, tương đương 7% từ các dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động từ cuối năm 2020 và đầu năm 2021. Dự báo nhu cầu tiêu thụ ximăng trong nước năm 2021 sẽ đạt mức tăng trưởng từ 5-7% so với năm 2020.
Tuy nhiên, đợt tái bùng phát dịch bệnh vào cuối tháng 4 đã ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động kinh tế, bao gồm việc đầu tư và xây dựng. Bên cạnh đó, việc giá các nguyên liệu không ngừng leo thang trong thời gian qua cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ các dự án khiến sản lượng tiêu thụ ximăng trong nước chịu nhiều tác động.
Bởi vậy, nhu cầu tiêu thụ ximăng nội địa có phục hồi vào những tháng cuối năm 2021 hay không vẫn phụ thuộc việc khống chế tốt dịch bệnh để tiến hành các công trình xây dựng cở hạ tầng ngay sau khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát./.
Thu Hằng