Các nhóm ngành được Agriseco khuyến nghị là BĐS Khu công nghiệp, các ngành hưởng lợi Đầu tư công như bất động sản, vật liệu xây dựng, nhóm Xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 chữ số.
BĐS Khu công nghiệp, Đầu tư công, Xuất khẩu là những nhóm được khuyến nghị khi TTCK hồi phục (Ảnh minh hoạ)
Theo đánh giá của Công ty chứng khoán Agribank (Agriseco), kể từ khi các địa phương áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có những phiên giảm điểm mạnh trước khi dần hồi phục các phiên gần đây. Điều này cho thấy số liệu vĩ mô quý 3/2021 kém khả quan có thể đã nằm trong kỳ vọng của thị trường. P/E VN-Index hiện quanh 16.x là mức ngang trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn nhiều so với các TTCK khác trong khu vực.
Các động thái quyết liệu của Chính phủ để đẩy lùi dịch bệnh đã mở ra những kỳ vọng cho nền kinh tế. Agriseco tham chiếu với các TTCK khác trên thế giới như Mỹ, châu Âu, Ấn Độ, Đài Loan đều hồi phục mạnh mẽ sau khi thực hiện tiêm chủng với tỷ lệ cao do đó, TTCK được dự báo sẽ hồi phục tốt khi tỷ lệ bao phủ vắc xin được đẩy mạnh.
Diễn biến VN-Index 1 năm trở lại đây (Nguồn tradingview)
Agriseco khuyến nghị các nhóm ngành có thể đầu tư khi thị trường hồi phục là BĐS Khu công nghiệp với kỳ vọng FDI giải ngân tăng trở lại, các ngành hưởng lợi đầu tư công như bất động sản, vật liệu xây dựng, nhóm Xuất khẩu khi kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 2 chữ số (gỗ, dệt may, thuỷ sản).
Tăng trưởng GDP quý 3 có thể âm, vẫn có “điểm sáng” từ vĩ mô
Đánh giá về số liệu vĩ mô tháng 8 mới được công bố, Agriseco cho biết, với việc các chỉ số công nghiệp IIP, bán lẻ tiêu dùng tiếp tục sụt giảm mạnh, có thể dự báo GDP quý 3 sẽ rất thấp, thậm chí đối mặt với tình trạng tăng trưởng âm. Các “đầu kéo” chính của nền kinh tế tiếp tục thể hiện phong độ kém khả quan khi tình trạng nhập siêu tăng cao, đầu tư công còn chậm trong khi tiêu dùng sụt giảm.
Điểm tích cực của nền kinh tế theo Agriseco là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và lạm pháp vẫn đang được kiểm soát tốt và dự báo sẽ đạt được mục tiêu dưới 4% của Chính phủ. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc kéo dài các chính sách nới lỏng tiền tệ và chính sách tài khoá để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sau suy thoái, đồng thời tạo ra dư địa tăng trưởng cho các thị trường đầu tư như chứng khoán, bất động sản.
Theo số liệu mới công bố, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 ước giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 8 tháng đầu năm 2021 IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm.
Ngành công nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh khi chứng kiến 2 tháng liên tiếp IIP sụt giảm. Với tình hình dịch bệnh vẫn phức tạp như hiện nay, nhiều khả năng IIP tháng 9 sẽ tiếp tục giảm tương đương tháng 8. Ngành công nghiệp có tỷ trọng đóng góp lớn trong GDP (khoảng 30-40%) nên điều này có thể kéo GDP của quý 3 thấp đi đáng kể.
Về tình hình hoạt động doanh nghiệp, có 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ 2020. Theo Agriseco, nhóm bị ảnh hưởng mạnh nhất là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù các doanh nghiệp trên TTCK có thể bị ảnh hưởng ít hơn thậm chí có thể là cơ hội thâu tóm thị phần, tuy nhiên, Agirseco đánh giá việc chữa lành “vết sẹo” kinh tế sẽ tốn thời gian và nguồn lực.
Về tổng mức bán lẻ hàng hoá, dịch vụ và tiêu dùng, một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế tiếp tục bị ảnh hưởng, tháng 8 ước đạt 279,8 nghìn tỷ đồng giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ. Đối với TTCK, ngoại trừ các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu thì các doanh nghiệp bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng nặng trong quý 3 năm nay.