Thực Phẩm Sao Ta đẩy mạnh chế biến thô như một sách lược trong bối cảnh số lượng lao động giảm do thực hiện Chỉ thị 16.
Theo Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực, chế biến thô, dù dẫn đến việc tiêu thụ hiện tại thấp hơn, là cách để chuẩn bị cho rủi ro khan hiếm tôm nguyên liệu sắp tới và hạn chế hàng lỗi khi làm việc trong mùa dịch.
Vừa qua, CTCP Thực phẩm Sao Ta (HoSE:
FMC) - một thành viên của Tập đoàn PAN, công bố kết quả kinh doanh sơ lược 8 tháng với sản lượng đạt 13.813 tấn tôm, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Doanh số tôm tiêu thụ tăng 10% lên gần 132 triệu USD, tương đương hơn 3.100 tỷ đồng. Tiêu thụ nông sản tăng 27%, đạt 1.079 tấn.
Tuy nhiên, tính riêng sản lượng sản xuất tháng 8 giảm 32% so với cùng kỳ, ở mức 1.618 tấn tôm. Lượng tiêu thụ giảm 56% xuống còn 11,1 triệu USD, tương đương 259 tỷ đồng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta cho hay doanh nghiệp đang thực hiện chiến lược riêng để duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, qua đó phần nào lý giải nguyên nhân ghi nhận kết quả thận trọng trong tháng 8.
Chủ tịch Thực Phẩm Sao Ta, ông Hồ Quốc Lực chia sẻ về những khó khăn trong tháng 8 của ngành tôm. Ảnh: BĐT.
Ông Lực nhận định tháng 8 là thời gian “u ám”. Nửa tháng, Sao Ta chỉ có 40% lao động thực thi "3 tại chỗ", nửa tháng sau tăng lên 60% do địa phương nới rộng chính sách đi lại vùng an toàn. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động trực tiếp thực tế lại thấp hơn bình thường, do đội ngũ gián tiếp có mặt tỷ lệ cao hơn. Công nhân chuyên môn làm nhiều mặt hàng ở nhiều xưởng, nay dồn về 2 xưởng cho ít mặt hàng hơn, cùng với tâm trạng lo âu chung vì dịch bệnh nên năng suất bị giảm.
Vì vậy, nếu sản xuất hàng chế biến sâu nhiều sẽ tăng tỷ lệ hàng có lỗi, tăng rủi ro. Đây cũng là lý do, công ty đi tới quyết định tập trung chế biến thô, sẵn sàng nguyên liệu cho chế biến tinh sau này.
Vị này cho biết công đoạn chế biến thô nhanh gấp đôi chế biến tinh. Làm hàng thô sẽ tăng sản lượng chế biến, góp phần để tôm nuôi không bị ùn ứ, hư hỏng. "Đây có thể là sách lược của riêng Sao Ta, cũng có thể áp dụng cho doanh nghiệp khác, nhưng đó là một thành quả, có lợi về chiều sâu theo cách tính toán của lãnh đạo công ty, nhất là trong bối cảnh tới đây tôm nguyên liệu không còn nhiều, sự khan hiếm sẽ làm tăng giá", ông Hồ Quốc Lực nói.
Vì lý do này, sản lượng chế biến tháng 8 của Sao Ta khá tốt nhưng tiêu thụ không tương đồng. Diễn biến này cũng không khác biệt nếu đặt trong bối cảnh chung của toàn ngành. 7 tháng đầu năm tôm toàn ngành tăng 14% so với năm trước, nhưng lũy kế 8 tháng chỉ tăng 4%. Người đứng đầu Sao Ta nhận định tháng vừa qua là một bước “chùn chân” ngành thủy sản do khách quan. Trong hoàn cảnh này, mỗi doanh nghiệp sẽ có suy nghĩ và cách thức vận hành hoạt động riêng cho mình.