Trong giai đoạn hậu giãn cách xã hội, một số công ty logistics, hàng tiêu dùng, công nghệ và bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý IV/2021. Ngoài ra, ngành thép với đại diện là HPG và bán lẻ với đại diện là MWG cũng tỏ ra hấp dẫn.
Nhận định trong báo cáo chiến lược đầu tư tháng 9/2020 công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng trợ lực chính giúp nâng đỡ chỉ số VN-Index trong tháng 9 là những thông tin lạc quan về tiến độ tiêm chủng/bao phủ vắc xin và câu chuyện nới lỏng các chỉ thị giãn cách xã hội nghiêm ngặt như hiện tại.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất, việc giãn cách xã hội chặt chẽ kéo dài có thể làm ảnh hưởng tâm lý chung của nhà đầu tư nước ngoài.
VDSC cho biết kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp niêm yết chắc chắn bị ảnh hưởng do tình trạng giãn cách xã hội kéo dài như hiện nay.
"Chúng tôi có quan điểm thận trọng đối với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ do đã tăng mạnh trong tháng 8 và dư địa tăng giá không còn nhiều dựa trên danh sách cổ phiếu theo dõi của chúng tôi. Chúng tôi giữ quan điểm trung lập đối với nhóm cổ phiếu Bất động sản do hoạt động bán hàng và bàn giao gặp khó khăn trong quý III/2021. Đối với nhóm cổ phiếu Dầu khí, chúng tôi cũng đưa ra quan điểm như trên do khả năng giá dầu tăng đột biến trong nửa cuối năm 2021 là tương đối thấp", nhóm chuyên gia của VDSC cho hay.
Với cổ phiếu ngân hàng, nhóm này đã điều chỉnh khoảng 20% - 30% so với đỉnh cũ, vì vậy có thể thu hút dòng tiền từ nhà đầu tư trung và dài hạn, trong đó, VDSC vẫn đánh giá tích cực về triển vọng của một số ngân hàng như VietinBank (HoSE: CTG), Techcombank (HoSE: TCB), ACB (HoSE: ACB), MB (HoSE: MBB) trong năm 2022.
"Việc điều chỉnh room tín dụng sắp tới có thể được công bố vào cuối tháng 9 sẽ là yếu tố hỗ trợ. Cụ thể, tăng trưởng tín dụng có thể tích cực hơn trong tháng 9 do các ngân hàng chưa sử dụng hạn mức nhiều sẽ tập trung cho vay ngắn hạn để sử dụng room. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu cao hơn dự kiến có thể tác động tiêu cực nếu các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt như hiện tại không được dỡ bỏ và ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh các quý sắp tới. Do đó, chúng tôi cho rằng nhóm cổ phiếu ngân hàng là nhóm có khả năng biến động mạnh trong tháng 9 và tác động trực tiếp VN-Index", nhóm chuyên gia nêu quan điểm.
Nhìn chung, VDSC kỳ vọng VN-Index tháng 9 sẽ dao động trong khoảng 1.250 - 1.380 điểm.
Nhìn nhận về cơ hội đầu tư hậu giãn cách xã hội, nhóm chuyên gia cho rằng nếu việc tiêm chủng vắc xin diễn ra sát với kế hoạch, những tác động xấu nhất đối với doanh nghiệp sẽ được phản ánh vào quý III/2021, trước khi bật lên trong quý cuối cùng của năm khi các hoạt động sản xuất và tiêu dùng dự kiến sẽ sôi động hơn.
VDSC dự báo tăng trưởng lợi nhuận sau thuế 6 tháng cuối năm 2021 của các doanh nghiệp niêm yết sẽ đạt 26%, thay vì dự báo 33% trước đây.
Trong giai đoạn hậu giãn cách, VDSC tiếp tục bày tỏ ưu tiên các công ty logistics (khuyến nghị nắm giữ GMD và mua HAH), hàng tiêu dùng (khuyến nghị nắm giữ MSN, QNS), công nghệ (khuyến nghị nắm giữ FPT) và bất động sản (khuyến nghị nắm giữ KDH) vì nhiều công ty trong số đó sẽ tiếp tục khả quan trong mùa cao điểm vào quý IV/2021.
Ngoài ra, công ty chứng khoán này cũng kỳ vọng rằng chất xúc tác từ việc nới lỏng các biện pháp hạn chế sẽ tích cực thúc đẩy tâm lý của nhà đầu tư vào các ngành khác như thép (khuyến nghị mua HPG), bán lẻ (khuyến nghị mua MWG) trước khi lợi nhuận của họ bắt đầu tăng vào cuối năm nhờ vào những tác động tích cực từ việc dỡ bỏ phong tỏa.
Cuối cùng, VDSC khuyến nghị chốt lời tại PC1, NKG, PVT, HSG với mức sinh lời tương ứng là 31%, 28%, 17%, 6% so với tháng trước do các cổ phiếu này đã đạt giá mục tiêu, đồng thời giảm tỷ trọng tại VHM.