Giá vàng trong nước sáng nay thậm chí còn giảm bất chấp giá vàng thế giới đang đi lên và vượt xa mốc 1.800 USD. Chênh lệch giá thu hẹp nhưng dĩ nhiên vẫn ở mức rất cao.
Khảo sát đầu giờ sáng nay (13/1), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 60,95 - 61,6 triệu đồng/lượng, giảm 150 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 650 nghìn đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội đang được niêm yết ở mức 60,9 – 61,55 triệu đồng/lượng, giảm 50 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều. Chênh lệch giá mua vào - bán ra đang ở mức 650 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.824,5 USD, tăng 2,8 USD/ounce, tương đương 0,15% so với chốt phiên trước.
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 50,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 10,75 triệu đồng/lượng, thu hẹp 250 nghìn đồng so với sáng qua.
Biểu đồ: Kitco
Trước đó, giá vàng tăng nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (12/1), sau khi dữ liệu cho thấy lạm phát của Mỹ nằm trong mức kỳ vọng, theo đó gây áp lực lên đồng USD và thúc đẩy hoạt động mua vào ở một số nhà đầu tư đã đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất.
Báo cáo mới công bố của Bộ Lao động Mỹ cho biết, chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số đo lường giá cả của nhiều loại mặt hàng, tháng 12 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Nếu tính theo tháng, chỉ số CPI tăng 0,5%. Mức tăng của lạm phát so với cùng kỳ như vậy cao nhất tính từ tháng 6/1982.
Loại bỏ giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số CPI lõi tăng 5,5% so với cùng kỳ năm và tăng 0,6% so với tháng liền trước. Tính toán của các chuyên gia đưa ra con số 5,4% và 0,5%. Với chỉ số lạm phát lõi, đây là mức tăng cao nhất tính từ tháng 2/1991.
Lạm phát tăng trong bối cảnh thiếu nguồn cung hàng hóa và nhân lực khi mà kinh tế Mỹ đón lượng tiền khổng lồ từ Quốc hội và Fed.