Ít người để ý rằng, nếu tính trên mỗi m2 diện tích sàn xây dựng, 2 lô 3-5, 3-9 có chi phí đất xấp xỉ với lô 3-12 mà Tân Hoàng Minh Group vừa bỏ cọc với lý do giá trúng thầu quá cao, ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh Đỗ Anh Dũng vào ngày 10/1 đã có “tâm thư” gửi lãnh đạo Nhà nước xin đơn phương chấm dứt hợp đồng mua bán đấu giá lô đất 24.500 tỷ đồng tại Thủ Thiêm, chấp nhận mọi chế tài xử lý.
Trong bức “tâm thư”, ông Dũng giải thích quyết định này nhằm đảm bảo một phần sự ổn định thị trường kinh doanh bất động sản, do "sau khi đấu giá trúng, tập đoàn lắng nghe rất nhiều dư luận xã hội và thấy rằng kết quả trúng đấu giá cao như vậy có thể dẫn đến hệ lụy không tốt. Đặc biệt sau khi tiếp nhận ý kiến của Bộ trưởng Bộ Tài chính tại kỳ họp bất thường Quốc hội vừa qua".
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc ngày 4/1/2022 khẳng định việc đấu giá đất tại khu vực Thủ Thiêm lên tới 2,4 tỷ đồng/m2 là bất thường và là điển hình gây nhiễu loạn thị trường.
Tại phiên đấu giá ngày 10/12/2021, Công ty TNHH BĐS Ngôi Sao Việt (thành viên của Tân Hoàng Minh Group) đã bỏ giá 24.500 tỷ đồng, gấp 8,3 lần mức khởi điểm để trúng khu đất 3-12 rộng 10.060m2, CTCP Sheen Mega bỏ giá 4.000 tỷ đồng, gấp 4 lần mức khởi điểm để trúng khu đất 3-8 rộng 8.568m2, CTCP Dream Republic bỏ 3.820 tỷ đồng, gấp 6,6 lần mức khởi điểm để trúng khu đất 3-5 rộng 6.446m2; lô đất cuối cùng là 3-9 rộng 5.009m2 được Công ty TNHH Đầu tư và Kinh doanh Thương mại Bình Minh bỏ giá 5.026 tỷ đồng, gấp 6,9 lần mức khởi điểm.
Trả giá gấp hơn 8 lần mức khởi điểm để giành bằng được khu đất 3-12 giải thích tại sao đơn giá trên mỗi m2 đất mà Tân Hoàng Minh bỏ ra lên tới 2,44 tỷ đồng, vượt xa các lô còn lại, là lô 3-9 (1,003 tỷ đồng), lô 3-8 (467 triệu đồng), lô 3-5 (592 triệu đồng).
Mức giá mà Tân Hoàng Minh bỏ ra được coi là cao đến "vô lý", đi trước sự phát triển của thị trường cả thập kỷ, và chịu nhiều đồn đoán về những động cơ khác đằng sau. Ông Đỗ Anh Dũng, Chủ tịch Tân Hoàng Minh sau phiên đấu giá ít ngày từng chia sẻ 2,44 tỷ đồng/m2 là mức giá nằm trong "tính toán" của tập đoàn này; đồng thời, một động lực khiến Tân Hoàng Minh phải giành bằng được khu đất là không để rơi vào tay nhà đầu tư ngoại.
Nhà đầu tư ngoại mà ông Dũng nhắc tới ở đây là CTCP Capital One Financial, pháp nhân đã bỏ giá 23.800 tỷ đồng và chỉ chịu bỏ cuộc khi ông Đỗ Anh Dũng nâng mức giá thêm 700 tỷ đồng.
Bảng: HUY NGỌC
Tuy nhiên, một chi tiết mà ít người để ý, là nếu quy đổi ra m2 sàn xây dựng, thì điều bất ngờ là đơn giá mà Tân Hoàng Minh đã bỏ ra không quá vượt trội so với các lô còn lại.
Cụ thể, theo thống kê của Nhadautu.vn, chỉ tiêu này của lô 3-12 là 272 triệu đồng, cao hơn 70% so với lô 3-8, tuy nhiên chỉ nhỉnh hơn 7% so với lô 3-5 và 8% so với lô 3-9. Đây không phải biên độ chênh lệch quá đáng kể nếu so với mức giá bằng lần mà các nhà đầu tư này chấp nhận chi ra so với mốc tham chiếu.
Trong bối cảnh Tân Hoàng Minh đã xin huỷ hợp đồng và chấp nhận mất gần 600 tỷ đồng tiền cọc, thì tới gần đây nhất, Cục thuế TP.HCM ngày 13/1 cho biết chưa nhận được thông tin nào từ các cơ quan có thẩm quyền về việc 3 doanh nghiệp còn lại có dấu hiệu bỏ cọc trúng đấu giá đất Thủ Thiêm. 3 doanh nghiệp này hiện chưa nộp tiền sử dụng đất vì chưa hết thời hạn nộp.
Theo quy định, trong vòng 30 ngày kể từ ngày 6/1, thời điểm Cục Thuế TP HCM ban hành thông báo nộp tiền sử dụng đất, doanh nghiệp trúng đấu giá đất phải đóng lệ phí trước bạ và 50% tiền sử dụng đất; chậm nhất trong 90 ngày kể từ ngày 6/1, các đơn vị trúng đấu giá nộp 50% số tiền sử dụng đất còn lại.