Giá vàng trong nước đang có phiên tăng thứ ba liên tiếp, tiến về đỉnh lịch sử mới.
Khảo sát đầu giờ sáng nay (26/1), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 61,9 – 62,55 triệu đồng/lượng, tăng tiếp 300 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra so với giá khảo sát sáng qua. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 650 nghìn đồng/lượng.
Tương tự, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 250 nghìn đồng/lượng ở chiều mua và 200 nghìn đồng/lượng chiều bán, đang được niêm yết ở mức 61,9 – 62,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra đang ở mức 600 nghìn đồng/lượng.
Đây là phiên tăng thứ ba liên tiếp của giá vàng trong nước và đang ở vùng đỉnh lịch sử.
Trên thị trường thế giới, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.848 USD, tăng 4,8 USD, tương đương 0,26% so với chốt phiên trước.
Biểu đồ: Kitco
Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 50,69 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 11,2 triệu đồng/lượng, mở rộng 200 nghìn đồng so với khoảng cách 11 triệu đồng/lượng trong sáng qua.
Trước đó, giá vàng lên cao nhất trong 2 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (25/1), khi lo ngại căng thẳng địa chính trị tại Ukraina thúc đẩy nhà đầu tư tìm tới tài sản an toàn như vàng.
Hiện Mỹ đã đưa 8.500 quân vào tình trạng báo động để sẵn sàng triển khai trong trường hợp căng thẳng leo thang, trong khi Anh kêu gọi các đồng minh châu Âu chuẩn bị sẵn sàng các lệnh trừng phạt nếu Nga "có hành động" với Ukraina.
Bên cạnh yếu tố địa chính trị, các nhà đầu tư cũng đang dồn sự chú ý vào các tín hiệu về mức độ quyết liệt về chính sách của Fed trong thời gian còn lại của năm và liệu ngân hàng trung ương có báo hiệu thêm về nhiều đợt tăng lãi suất hơn nữa để kiểm soát lạm phát hay không.
Theo giới phân tích, mặc dù Fed có khả năng sẽ thông báo bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất của Mỹ trong tuần này, nhưng vàng có thể vẫn tiếp tục duy trì ở mức tốt do được hỗ trợ bởi yếu tố lạm phát leo thang và biến động thị trường gia tăng.