• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,55 +0,44/+0,04%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,55   +0,44/+0,04%  |   HNX-INDEX   221,69   -0,79/-0,35%  |   UPCOM-INDEX   92,80   -0,31/-0,33%  |   VN30   1.316,95   +3,47/+0,26%  |   HNX30   460,25   -1,94/-0,42%
20 Tháng Giêng 2025 3:57:45 CH - Mở cửa
Trái phiếu doanh nghiệp: Cửa hẹp nhưng nhà rộng
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán | 27/01/2022 8:51:03 SA
Vào tháng cuối cùng của năm 2021, nhiều doanh nghiệp cấp tập hoàn tất các đợt phát hành trái phiếu để có thể yên tâm bước sang năm 2022, với nhiều dự đoán về một cửa gọi vốn chặt chẽ hơn.
 
Dữ liệu được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) công bố cho thấy, trong tháng 12/2021, có đến 80 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ, trong đó có nhiều doanh nghiệp huy động lượng vốn rất lớn.
 
Đơn cử, Công ty cổ phần Bách Hưng Vương công bố chào bán thành công lô trái phiếu trị giá 2.980 tỷ đồng với kỳ hạn 12 tháng, đáo hạn vào 17/12/2022. Bách Hưng Vương hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản.
 
Tại cuộc trao đổi có mặt cả nhà quản lý, lãnh đạo các doanh nghiệp và chuyên gia kinh tế gần đây, trái phiếu doanh nghiệp được nêu ra như một điểm sáng về kênh gọi vốn 2021.
 
 
Quả thực, dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam cho thấy, trong năm 2021, có tổng cộng 964 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị đạt 595.000 tỷ đồng. Trong đó, có 937 đợt phát hành riêng lẻ và 23 đợt phát hành ra công chúng; 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế tổng giá trị 1.425 tỷ USD.
 
Nhóm ngân hàng thương mại dẫn đầu về giá trị phát hành. Nhóm bất động sản đứng ở vị trí thứ 2, trong đó có khoảng 29% giá trị trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm hoặc bảo đảm bằng cổ phiếu.
 
Lãi suất phát hành dao động trong khoảng 8 - 13%/năm, bên cạnh đó có một vài doanh nghiệp có mức lãi suất phát hành chỉ khoảng 5 - 6%/năm. Kỳ hạn 1 - 3 năm chiếm phần lớn giá trị phát hành trong năm, với 142.389 tỷ đồng, chiếm 67,33%.
 
Có 4 đợt phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế gồm: Tập đoàn Vingroup (500 triệu USD), trái phiếu xanh của Công ty cổ phần Bất động sản BIM (200 triệu USD) và trái phiếu chuyển đổi của Novaland (300 triệu USD), trái phiếu bền vững của Vinpearl (425 triệu USD).
 
Theo ông Vũ Bằng, thành viên Tổ Tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, trái phiếu đã trở thành kênh huy động vốn tích cực cho các doanh nghiệp, một cứu cánh cho năm 2021 khi kênh gọi vốn từ ngân hàng tuy dư thừa thanh khoản nhưng không hề dễ chịu với các doanh nghiệp, luôn yêu cầu tài sản đảm bảo khá khắt khe.
 
Tất nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp huy động vốn để mở rộng đầu tư, kinh doanh thực sự, có không ít các trường hợp biến tướng cần cơ quan quản lý thanh kiểm tra và xử lý nghiêm khắc để tạo sự lành mạnh cho thị trường.
 
Cũng chia sẻ quan điểm này, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, kênh gọi vốn trái phiếu đóng vai trò quan trọng với doanh nghiệp và san sẻ gánh nặng cho các ngân hàng, vẫn là lĩnh vực cần được quan tâm trong năm 2022.
 
Thực tế, với thị trường trái phiếu, liên tục các năm qua, cơ quan quản lý đã có nỗ lực để thị trường phát triển bền vững hơn, từ Nghị định 163/2018/NĐ-CP hạn chế mỗi đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ có 100 nhà đầu tư; Nghị định 81/2020/NĐ-CP yêu cầu 2 đợt phát hành cách nhau 6 tháng.
 
Tiếp theo là yêu cầu nhà đầu tư chuyên nghiệp thì được đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ. Tới đây, các quy định mới yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có báo cáo tài chính được kiểm toán, có xếp hạng tín nhiệm…
 
Tuy nhiên, quy định có khắt khe đến đâu, doanh nghiệp cũng có những cách “sáng tạo”, như nói vui của ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinGroup.
 
Điều quan trọng, theo các chuyên gia, là những quy định, cơ chế để thị trường phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Nếu như trước kia, doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu lệ thuộc vào kênh tín dụng ngân hàng, hoặc huy động thông qua phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thì nay kênh huy động vốn qua trái phiếu doanh nghiệp là sự lựa chọn của rất nhiều doanh nghiệp trong các ngành khác nhau.
 
Dù vậy, các yếu tố nền tảng để vận hành hiệu quả thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.
 
Trong đó có việc thị trường giao dịch thứ cấp dự kiến được đưa vào hoạt động trong năm 2022 trên HNX, chuẩn hóa về công bố thông tin, nâng cao hiểu biết của nhà đầu tư, đặc biệt là việc thực hiện xếp hạng tín nhiệm độc lập về khả năng trả nợ của đơn vị phát hành cũng như về chính công cụ trái phiếu, nhất là với các trái phiếu được phát hành rộng rãi ra công chúng.
 
Một điểm rất đáng lưu ý trong dữ liệu 2021 là trái phiếu doanh nghiệp phát hành ra công chúng chỉ chiếm có 2,6%, trong khi nhu cầu hiện nay khá lớn, nhất là các nhà đầu tư chứng khoán đang có nhu cầu sản phẩm đầu tư đa dạng.
 
Khác với kênh đầu tư chứng khoán chứa đựng rủi ro cao, đầu tư trái phiếu về bản chất là nhà đầu tư sẽ nhận được một khoản thu nhập lãi và gốc cố định, thường có thời gian kéo dài nhiều năm. Lãi suất trái phiếu doanh nghiệp thường cao hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
 
Do đó, trong danh mục của các nhà đầu tư thường dành tỷ trọng không nhỏ cho sản phẩm này nếu họ cảm thấy thực sự an toàn và doanh nghiệp có hoạt động tốt, dòng tiền đều đặn. Trong năm 2021, các định chế tài chính như công ty bảo hiểm cũng đã rót không ít tiền vào các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo hình thức riêng lẻ.
 
Diễn biến thị trường cho thấy kênh trái phiếu được nhìn nhận tiếp tục sôi động trong năm 2022. Nếu như nhà đầu tư đầu tư vào thị trường cổ phiếu hoặc bất động sản mong chờ lợi tức 30%, họ cũng phải dành thời gian công sức lớn cho việc điều nghiên thị trường và doanh nghiệp.
 
Trái phiếu thường chỉ cho lợi tức cố định 10%, nhưng không phải không có rủi ro, vì vậy, với các nhà đầu tư cá nhân, điều quan trọng là phải học dần để hiểu rủi ro của tổ chức phát hành và tài sản đảm bảo của trái phiếu.
 

Nên nhìn vào tài sản đảm bảo của trái phiếu
 
Ông Trần Tuấn Anh, Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư, Công ty Mirrae Asset Việt Nam
 
Gần đây, truyền thông hay nói trái phiếu “3 không”, không xếp hạng tín nhiệm, không tài sản đảm bảo, không bảo lãnh thanh toán. Trên thực tế, nếu doanh nghiệp rất tốt thì không cần thiết 3 yếu tố kia.
 
Để tránh rủi ro thì nhà đầu tư cần xem xét xem doanh nghiệp phát hành có niêm yết không, nếu doanh nghiệp chưa niêm yết thì cần xem có phải Top trong ngành không. Nếu không, nhà đầu tư nên xem xét mua cổ phiếu.
 
Nhà đầu tư cần biết mức độ đòn bẩy như thế nào, nợ/vốn dưới 2 lần là khá an toàn, một năm doanh nghiệp có thể kiếm được bao nhiêu tiền để trả nợ, 2 - 3 năm kiếm đủ tiền để trả nợ là an toàn.
 
Cũng cần nhìn vào tài sản đảm bảo. Nếu tài sản đảm bảo là cổ phiếu thì phải xem liệu có thanh khoản không, bất động sản thì pháp lý phải ổn.
 
Nhà đầu tư không nên nhìn vào cam kết mua lại sau 3 - 6 tháng mà công ty chứng khoán đưa ra như một bảo chứng an toàn để mua trái phiếu doanh nghiệp.
 
Để lọc trái phiếu “rác”, đòi hỏi phải có sự phối hợp của cơ quan thuế
 
TS. Phan Phương Nam, Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM
 
Trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp thiếu vốn trong khi vay ngân hàng cần tài sản đảm bảo, quy trình mất thời gian; vay vốn lưu động không được nhiều do sản xuất - kinh doanh khó khăn nên phải tìm cách huy động vốn mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh. Có doanh nghiệp làm đúng, nhưng cũng có doanh nghiệp lợi dụng cơ hội này để trục lợi.
 
Để lọc trái phiếu “rác”, đòi hỏi phải có sự phối hợp của cơ quan thuế và các cơ quan khác trong việc công khai dữ liệu doanh nghiệp như tình hình nợ xấu, kết quả kinh doanh… Đây là những thông tin mà nhà đầu tư rất cần, mà không có nguồn chính thống để truy cập, tìm hiểu. Chúng ta không công khai toàn bộ bức tranh tài chính doanh nghiệp, nhưng có thông tin nền để nhà đầu tư nắm bắt thông tin doanh nghiệp nhằm đo lường rủi ro.