• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.228,33 +11,79/+0,97%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.228,33   +11,79/+0,97%  |   HNX-INDEX   221,76   +0,47/+0,21%  |   UPCOM-INDEX   91,50   +0,41/+0,45%  |   VN30   1.286,67   +14,94/+1,17%  |   HNX30   469,81   +2,48/+0,53%
22 Tháng Mười Một 2024 1:02:44 SA - Mở cửa
Bancassurance tăng tốc sớm
Nguồn tin: Đầu tư chứng khoán | 27/01/2022 2:41:32 CH
Dù đại dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động đình trệ, nhưng phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) vẫn sôi động trong năm 2021 và dự báo tiếp tục mang lại lợi nhuận cao cho các ngân hàng trong năm 2022.
 
Thêm những hợp đồng mới
 
Khởi động lĩnh vực bancassurance năm 2022 là sự kiện Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm Nhân thọ FWD Việt Nam chính thức bắt tay hợp tác sau thời gian dài tìm hiểu.
 
Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Hải Long, Phó tổng giám đốc Agribank cho biết, đại dịch Covid 19 bùng phát và lan rộng trên toàn thế giới khiến việc gặp gỡ, đàm phán trong hơn 2 năm qua nhằm thống nhất các nội dung để ký kết, triển khai Hợp đồng đại lý bảo hiểm giữa Agribank và FWD gặp phải khó khăn.
 
Bên cạnh đó, theo ông Long, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang trong thời kỳ phát triển nhanh với tốc độ tăng trưởng bình quân 30%/năm những năm gần đây dẫn đến cạnh tranh gay gắt, đến nay đã có 26 ngân hàng tại Việt Nam có hợp tác phát triển bảo hiểm nhân thọ.
 
“Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Agribank tin rằng, những thách thức, khó khăn thời gian qua đã tạo thêm sự tin tưởng, chặt chẽ hơn. Đây cũng là nền móng vững chắc để tiếp tục chuyển đổi mối quan hệ hợp tác giữa FWD và Agribank trở thành hành động, triển khai thành công hợp đồng hợp tác đại lý bảo hiểm nhân thọ”, ông Long nói.
 
Ông Huỳnh Hữu Khang, Tổng giám đốc FWD Việt Nam cho biết, FWD kỳ vọng người dân Việt Nam từ thành phố đến các vùng nông thôn hay miền núi đều sẽ dễ dàng tham gia các sản phẩm bảo hiểm đột phá, dịch vụ khác biệt của FWD thông qua hợp tác với Agribank.
 
“Chúng tôi tin rằng, hành trình thay đổi cảm nhận của mọi người về bảo hiểm của FWD tại Việt Nam sẽ được triển khai sâu và rộng hơn trên khắp cả nước khi hợp tác với Agribank”, ông Khanh nói.
 
Được biết, trong giai đoạn đầu triển khai, FWD Việt Nam sẽ phân phối các sản phẩm bảo hiểm qua Agribank, ngân hàng duy nhất có mặt tại 63 tỉnh thành và 9/13 huyện đảo với hệ thống gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc. Các chuyên gia phân tích nhận định, hợp tác với Agribank, FWD còn nhìn vào chiến lược 2021-2025 và tầm nhìn 2030. Theo đó, Agribank xác định mục tiêu hướng tới trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, chú trọng đầu tư các sản phẩm công nghệ, dịch vụ cá nhân, phấn đấu trở thành Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á.
 
Trong đó, việc mở rộng, ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo để ưu tiên phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu của người dân ngày càng tăng, nhất là đối tượng khách hàng tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
 
Bancassurance tăng tốc sớm ảnh 1
“Agribank đã đưa việc hợp tác phát triển bảo hiểm nhân thọ là một trong sản phẩm đem lại nguồn thu dịch vụ ổn định lâu dài, tăng khả năng cạnh tranh, nâng cao giá trị thương hiệu”, ông Long thông tin.
 
Mặc dù Agribank và FWD đều chưa công bố giá trị của thương vụ cũng như phần phí trả trước (upfront fee), song nhìn lại các thương vụ bancassurance gần đây, có thể thấy, phần phí trả trước và doanh thu bancassurance đóng góp một phần không nhỏ vào thu nhập phí và lợi nhuận của các ngân hàng.
 
Gần đây nhất, có thể kể đến hợp đồng bảo hiểm độc quyền 15 năm giữa MSB và Prudential. Theo tính toán của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), thương vụ này có thể đem về 3.500 tỷ đồng phí trả trước cho MSB và mang lại một nguồn thu đáng kể trong những năm tới.
 
Những ngày cuối năm 2021, Sacombank và Dai-ichi Life Việt Nam đã ký kết nâng tầm hợp đồng đại lý bảo hiểm độc quyền trên cơ sở hợp tác đã được hai bên thiết lập từ ngày 6/9/2017.
 
Hay theo ước tính của Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, với phí trả trước dựa trên một số thương vụ bancassurance gần đây, VPBank có thể tái đàm phán bancassurance với khoản phí 8.000 tỷ đồng.
 
Guồng quay tăng tốc vì… lợi nhuận
 
Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam đưa ra dự báo, lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ ACB năm 2022 ước đạt khoảng 11.700 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng lợi nhuận là 25%. Thu nhập phí của ACB kỳ vọng đạt 3.400 tỷ đồng vào năm 2022, tăng 27% so với năm 2021. Doanh thu từ phân phối bảo hiểm qua kênh bancassurance và khoản phí trả trước (được phân bổ trong vòng 15 năm và bắt đầu từ năm 2021) sẽ là động lực chính giúp thúc đẩy thu nhập phí của ACB trong năm 2022 và những năm sau đó.
 
 
Trong giai đoạn 2021-2022, Yuanta Việt Nam dự báo lợi nhuận của ACB sẽ tăng trưởng tốc độ kép lên đến 20,8%/năm với lực đẩy mạnh mẽ từ việc ghi nhận dần số tiền trả trước từ các thương vụ bancassurance độc quyền. Yuanta Việt Nam đưa ra giả định, ACB sẽ ghi nhận 1.700 tỷ đồng/năm phí trả trước trong giai đoạn này, theo đó, thu nhập ngoài lãi của ACB sẽ tăng 28,4% lên 5.893 tỷ đồng năm 2021 và tăng 16,6% lên 6.559 tỷ đồng năm 2022.
 
Do đó, đóng góp từ thu nhập ngoài lãi sẽ tăng lên 27,5% tổng thu nhập từ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2021-2022. Cùng với sự ổn định về tỷ lệ chi phí hoạt động, chi phí tín dụng (tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 1%) và tín dụng khả quan, ACB ước ghi nhận lợi nhuận trước thuế năm 2021 ở mức 10.838 tỷ đồng (tăng 21%) và năm 2022 là 13.894 tỷ đồng (tăng 20,5%).
 
Trước đó, lãnh đạo ACB cho biết, khoản phí trả trước cho hợp đồng này là 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.500 tỷ đồng) và được chi trả toàn bộ bằng tiền mặt cùng các khoản thanh toán khác trong suốt quá trình hợp tác.
 
Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, các chuyên gia kinh tế đều chung nhận định rằng, năm 2022, mảng dịch vụ và đầu tư sẽ tiếp tục mang lại lợi nhuận cao, nhất là khi các ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh ký kết các hợp đồng bán chéo bancassurance.
 
Ước tính của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, dự báo năm 2022, VietinBank sẽ hoàn tất hợp đồng với Manulife, trong khi Techcombank và VPBank tiếp tục đàm phán lại hợp đồng với Manulife và AIA. HDBank và LienVietPostBank sẽ có thể ký một hợp đồng bancassurance độc quyền mới. Do đó, các ngân hàng vẫn có nhiều động lực trong việc đẩy mạnh bán các hợp đồng bancassurance nhằm đáp ứng các KPI mới, hoặc sử dụng doanh thu bán hàng như là lợi thế trong việc thương lượng phí trả trước.
 
“Ước tính hoa hồng bancassurance trên tổng thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) sẽ tăng trong năm tới (từ mức trung bình hiện tại là 15%)”, báo cáo của SSI nhận định.
 
Một lãnh đạo cao cấp Vietcombank cho biết, hoạt động bán chéo bảo hiểm được đẩy mạnh là bởi nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ thu nhập phí bảo hiểm thuần. Đặc biệt, tại một số ngân hàng Techcombank, VIB... đã xây dựng các nền tảng bán bảo hiểm số, giúp giảm thời gian và tăng hiệu quả bán bảo hiểm. Đó là chưa kể mức hoa hồng chi trực tiếp cho nhân viên ngân hàng cũng được tăng lên ở một số nhà băng.