Những thông tin kém tích cực của thị trường trong nước và quốc tế chưa “nguội” thì chứng khoán Việt lại tiếp tục đối diện với những tin đồn chưa được xác thực xuất hiện gần đây đã khiến nhiều nhà đầu tư mất bình tĩnh và bán tháo cổ phiếu trong tuần giao dịch vừa qua. Chuyên gia cho rằng, nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì rất có thể không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó, gây thiệt hại đến danh mục của mình.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, thị trường chứng khoán (TTCK) rất nhạy cảm với tin đồn, dễ bị điều chỉnh mạnh, tạo ra cú sốc lớn ngắn hạn, kể cả thị trường phát triển cũng bị. Vì vậy, khi nghe tin đồn, nhà đầu tư cần phải bình tĩnh. Bởi tin đồn có thể đúng hoặc sai, nếu đưa ra quyết định trong lúc hoảng loạn sau đó phát hiện tin thất thiệt thì đã bị thiệt hại. Kể cả khi tin đồn trở thành sự thật, nếu bình tĩnh thì thiệt hại có thể không quá lớn.
"Nếu mãi giao dịch theo tin đồn thì sớm muộn gì cũng bị loại ra khỏi TTCK", ông Thịnh nói.
Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì rất có thể không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó, gây thiệt hại đến danh mục của mình.
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco cho rằng, TTCK là thị trường phản ánh những kỳ vọng của nhà đầu tư, vì vậy những tin đồn đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình nhà đầu tư ra quyết định và tạo ra hiệu ứng đám đông.
Một tin đồn tích cực nhưng chưa được kiểm chứng có thể tạo ra xu hướng tăng giá bất thường của cổ phiếu, và trong trường hợp thông tin đó không chính xác, áp lực bán ồ ạt sẽ xuất hiện và hiện tượng trắng bên mua có thể xảy ra.
Ngược lại, khi một tin đồn không tích cực được công bố, thị trường có thể phản ứng quá đà do gia tăng mạnh áp lực bán, khiến nhà đầu tư rơi vào vị thế thua lỗ. Nhà đầu tư nên tỉnh táo và sàng lọc kỹ lưỡng các thông tin trước khi ra quyết định đầu tư để tránh ảnh hưởng tới danh mục.
Tương tự, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường CTCK VNDirect nhận xét, nhìn lại quá khứ, sau khi giảm điểm sâu trong những thời điểm, thậm chí như giai đoạn nền kinh tế đứng trước suy thoái hay khủng hoảng nghiêm trọng như COVID-19, hay giai đoạn đóng băng BĐS và nợ xấu cao (2011-2022), TTCK thường chứng kiến những nhịp phục hồi mạnh. Điều này là do thị trường đã bị ép về trạng thái quá bán rất sâu và nhiều cổ phiếu về định giá rất hấp dẫn, kích hoạt lực cầu bắt đáy.
“Nhà đầu tư nên cân nhắc kỹ trước khi bán ra vì tâm lý chán nản có thể khiến nhà đầu tư rời bỏ thị trường và không kịp quay trở lại trong giai đoạn thị trường phục hồi mạnh sau đó”, ông Hinh lưu ý.