Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, việc Sri Lanka điều chỉnh thành "quốc gia thu nhập thấp" sẽ tăng cơ hội tiếp cận với các nguồn hỗ trợ vốn của các tổ chức quốc tế.
Một quầy hàng quần áo tại chợ ở Colombo, Sri Lanka. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngày 11/10, Nội các Sri Lanka đã thông qua đề xuất chuyển trạng thái nền kinh tế từ "quốc gia thu nhập trung bình-thấp" thành "quốc gia thu nhập thấp" để giúp tăng khả năng tiếp cận với nguồn vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Theo Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2021, Sri Lanka ghi nhận Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người là 3.815 USD, được xếp loại là quốc gia thu nhập trung bình-thấp.
Người phát ngôn Chính phủ Sri Lanka, ông Bandula Gunawardane cho biết trong bối cảnh khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, việc Sri Lanka điều chỉnh thành "quốc gia thu nhập thấp" sẽ tăng cơ hội tiếp cận với các nguồn hỗ trợ vốn của các tổ chức quốc tế.
Quốc gia Nam Á 22 triệu dân đang phải chật vật ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong hơn 7 thập kỷ và tình trạng thiếu hụt trầm trọng các mặt hàng thiết yếu như lương thực, nhiên liệu và thuốc men vì thiếu ngoại tệ để nhập khẩu hàng hóa, trong khi đồng rupee lao dốc và lạm phát phi mã.
Sri Lanka cũng đang gánh khoản nợ nước ngoài khoảng 51 tỷ USD. Ngân hàng trung ương Sri Lanka dự báo GDP của nước này sẽ giảm 8,7% trong năm 2022.
Sri Lanka đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn hỗ trợ vốn khác nhau, cũng như triển khai các kế hoạch và chính sách để vực dậy nền kinh tế đang chìm trong khủng hoảng.
Hồi tháng Tám, Bộ Du lịch Sri Lanka đã quyết định cấp thị thực có thời hạn lâu hơn cho khách du lịch đến nước này trong nỗ lực phục hồi du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng sau đại dịch COVID-19 và khủng khoảng kinh tế. Du lịch là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Sri Lanka.
Đến tháng Chín, Sri Lanka đã tổ chức cuộc họp với các nhà tài trợ quốc tế để thảo luận những khó khăn của nước này, cũng như các kế hoạch để tái cơ cấu nợ công nhằm nhận được khoản hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)./.