Những năm qua, huyện Ba Tơ đã tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị. Qua đó, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, mua bán hàng hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông
Trở về nhà sau một ngày ra đồng, đi qua cây cầu bê tông bắc qua sông Nước Lô, xã Ba Giang, ông Phạm Văn Ơn, ở thôn Gò Khôn không giấu được niềm vui. Ông Ơn bảo, trước đây mỗi khi mưa xuống, nước dâng cao là người dân trong thôn bị cô lập.
Có khi mưa kéo dài nửa tháng, các mặt hàng nhu yếu phẩm không còn, người dân không đi mua được, thiếu thốn đủ bề. Thương nhất là lũ trẻ không thể đến trường. Bây giờ, có cây cầu kiên cố bắc qua sông, giúp trẻ em được đến trường học chữ, người dân đi lại dễ dàng.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn của trung ương và tỉnh, huyện đã tập trung đầu tư đồng bộ, kết nối trung tâm huyện với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Nhờ đó, đến nay trên địa bàn huyện có 100% xã đã có đường nhựa hóa, cứng hóa, ô tô lưu thông từ huyện đã đến tận trung tâm xã.
Cầu Nước Lô, xã Ba Giang (Ba Tơ) được xây dựng giúp người dân đi lại thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trên địa bàn huyện còn có Quốc lộ 24 và đường tỉnh ĐT.624 đã được trung ương và tỉnh đầu tư xây dựng, góp phần rút ngắn thời gian đi từ trung tâm huyện về các xã Ba Thành, Ba Vinh, Ba Điền; đồng thời kết nối với 2 huyện Minh Long và Nghĩa Hành, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Theo Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ba Tơ Thành Minh Thuận, trong 5 năm qua, trên địa bàn huyện đã xây dựng 35 cầu lớn, 276 cầu bản và cống các loại. Hiện nay, 100% tuyến đường huyện đã và đang được đầu tư xây dựng cầu kiên cố...
Phát triển đô thị
Huyện ủy Ba Tơ đã ban hành Nghị quyết số 02 về phát triển đô thị gắn với quản lý sử dụng đất tại các khu vực đô thị, giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu đề ra là xây dựng đô thị thị trấn Ba Tơ theo hướng hiện đại, văn minh, đồng bộ; phấn đấu đến năm 2025 đạt 46/49 tiêu chuẩn đô thị loại V và đạt thêm từ 5 – 8 tiêu chuẩn đô thị loại IV; đến năm 2030 hoàn thành xây dựng đô thị loại V và đạt thêm từ 10 - 15 tiêu chuẩn đô thị loại IV.
Riêng đô thị mới Ba Vì, đến năm 2025 đạt 40/49 tiêu chí đô thị loại V, đóng vai trò là trung tâm và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã khu tây của huyện.
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Phạm Giang Nam cho biết, huyện đang tập trung nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị, hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ba Tơ, đô thị mới Ba Vì; thực hiện quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch chi tiết ở các đô thị thị trấn Ba Tơ và đô thị mới Ba Vì.
Cùng với đó, huyện sẽ triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, huyện sẽ xây dựng các công trình trọng điểm có tính kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội như: Kè chống sạt lở sông Liên, sông Tô; tuyến đường Ba Xa - Ba Vì - Ba Tiêu; cầu sông Liên (nối dài đường Trần Quý Hai đi đường Ba Chùa - Hành Tín Đông); các dự án khu dân cư và các công trình chỉnh trang đô thị, khu xử lý rác thải.
Ngoài ra, huyện Ba Tơ tiếp tục thu hút doanh nghiệp đầu tư các khu dân cư, trung tâm thương mại. Huy động tất cả các nguồn lực, nhất là sự đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp để đầu tư xây dựng hệ thống điện chiếu sáng công cộng trên các tuyến đường giao thông.
Quy hoạch lại Cụm công nghiệp thị trấn Ba Tơ và quy hoạch mới Cụm công nghiệp Ba Vì, nhằm tạo thuận lợi trong việc thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.