Trong giai đoạn 2017-2021, doanh thu và lãi sau thuế của Công ty Cây xanh Hà Nội có chiều hướng đi xuống khi giảm bình quân lần lượt 11,4% và 13,2%/năm.
Là đơn vị chủ lực được giao cắt sửa, chăm sóc cây xanh trên toàn địa bàn TP. Hà Nội, dữ liệu cho thấy mức lãi hàng năm của HaNoiParkco là khá thấp. Ảnh: HaNoiParkco.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan định giá tài sản là cây xanh (cây bóng mát) các loại trồng trên đường phố Hà Nội ở giai đoạn 2016-2018.
Theo cơ quan chức năng, việc định giá cây xanh giai đoạn 2016-2018 được tiến hành theo chủng loại, quy cách, kích thước cây theo hồ sơ dự toán, hồ sơ phê duyệt đặt hàng đợt 1, đợt 2 năm 2016; đợt 1, đợt 2 năm 2017; đợt 1, đợt 2, đợt 3 năm 2018 giữa Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội (HaNoiParkco) với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội.
Yêu cầu trên cũng được đặt ra với chủng loại, quy cách, kích thước cây theo hồ sơ dự toán, hồ sơ phê duyệt đặt hàng đợt 1 năm 2016; đợt 1, đợt 2, đợt 3 năm 2018 giữa Công ty TNHH Phát triển Sinh Thái Xanh với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật Sở Xây dựng Hà Nội; thời điểm định giá: tháng quý I, II, III, IV năm 2016; quý I, II, III, IV năm 2017; quý I, II, III, IV năm 2018 (theo hồ sơ dự toán, hồ sơ phê duyệt đặt hàng của các đơn vị nêu trên).
Trước đó, từ tháng 1/2022 – tháng 9/2022, Cơ quan Cảnh sát Điều tra đã khởi tố bắt tạm giam một số lãnh đạo cấp cao của Công viên Cây xanh Hà Nội do vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí, đó là: Ông Vũ Kiên Trung – Chủ tịch công ty; ông Nguyễn Xuân Hanh – Tổng Giám đốc công ty; bà Bùi Phương Thảo – Kế toán trưởng công ty.
Theo tìm hiểu, Công ty TNHH MTV Công viên Cây xanh Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trực thuộc UBND TP. Hà Nội, tiền thân là Công ty Công viên cây xanh, được chuyển đổi hình thức sở hữu theo Quyết định số 197 ngày 29/12/2004 của UBND TP. Hà Nội. Vốn điều lệ công ty hiện đạt 310 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại số 2A Nguyễn Đình Chiểu, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, TP. Hà Nội.
Những năm trước, công ty là đơn vị chủ lực được giao cắt sửa, chăm sóc cây xanh trên toàn địa bàn TP. Hà Nội. Đến năm 2020, công ty được giao quy định đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách Nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên, công ty đã trúng nhiều gói thầu trên địa bàn 12 quận giai đoạn 2020-2024 gồm: Gói thầu số 2: Quản lý duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 4 quận trung tâm Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng và các tuyến đường Võ Chí Công, Võ Nguyên Giáp;
Gói thầu số 4: Quản lý duy tu, duy trì hệ thống cây xanh trên địa bàn 8 quận còn lại (trừ 4 quận trung tâm); gói thầu số 6: Cải tạo và trang trí cây hoa, tạo cảnh quan trên Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Võ Chí Công.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu thuần công ty 6 tháng đầu năm 2022 đạt 57,2 tỷ đồng, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trừ đi các chi phí, lãi ròng là 2,8 tỷ đồng, trong khi 6 tháng năm 2021 lỗ 3,2 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 30/6/2022 đạt 393,8 tỷ đồng, giảm 7,2% so với số đầu kỳ. Vốn chủ sở hữu 293 tỷ đồng, tăng nhẹ gần 0,1%. Nợ phải trả 100,8 tỷ đồng, giảm 23,4%.
Tại BCTC 6 tháng năm 2022 của Công viên Cây xanh Hà Nội, đơn vị kiểm toán cho biết chưa nhận được đầy đủ các thư xác nhận về số dư các khoản công nợ tại ngày 30/6/2022 như công nợ phải thu khách hàng, phải thu khác, phải trả người bán, phải trả khác. Vì vậy, đơn vị kiểm toán không đưa ra ý kiến về tính hiện hữu và đúng đắn, chính xác của các khoản công nợ chưa được đối chiếu, xác nhận cũng như ảnh hưởng (nếu có) tới các khoản mục khác được trình bày trên BCTC.
Ngoài ra, BCTC Công viên Cây xanh Hà Nội vẫn đang ghi nhận số liệu của Công ty TNHH MTV Đầu tư và Dịch vụ tuổi trẻ Hà Nội trên các khoản mục “Các khoản phải thu ngắn hạn khác” và “Các khoản phải trả, phải nộp khác” với số tiền lần lượt 8,3 tỷ đồng và 11,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, công ty chưa thực hiện nhận số liệu từ trước ngày 1/3/2013 được bàn giao từ Dịch vụ tuổi trẻ Hà Nội do việc sáp nhập chưa hoàn thành.
Bên cạnh đó, khoản doanh thu 6 tháng của công ty với Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị đang được tạm ghi nhận theo Hợp đồng và Biên bản nghiệm thu khối lượng từng lần trên BCTC, khoản doanh thu này chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quyết toán. Do vậy, khi chỉ tiêu này thay đổi thì các khoản mục liên quan cũng sẽ thay đổi phù hợp.
Xét trong giai đoạn 2017-2021, dữ liệu cho thấy, doanh thu và lãi sau thuế Công viên Cây xanh Hà Nội có chiều hướng đi xuống khi giảm bình quân lần lượt 11,4%/năm và 13,2%/năm.
Theo đó, trong năm 2017, công ty ghi nhận doanh thu thuần ở mức 295 tỷ đồng, đến năm 2018 là 329,6 tỷ đồng. Đây cũng là giai đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh của Công viên Cây xanh Hà Nội chủ yếu dựa trên phương thức đặt hàng với UBND TP. Hà Nội.
Các năm 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, doanh thu, lợi nhuận công ty tiếp tục suy giảm. Cụ thể, doanh thu thuần Công viên Cây xanh Hà Nội năm 2020 là 190,7 tỷ đồng, giảm 36% so với năm 2019.
Đến năm 2021, doanh thu công ty chỉ còn 168 tỷ đồng, giảm 11,9%; lãi ròng 18,4 tỷ đồng, giảm 12,8%.