• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
19 Tháng Giêng 2025 11:18:07 CH - Mở cửa
Vòng quay tiền trên thị trường chứng khoán nhìn từ dịch vụ Ứng trước tiền bán của TVSI
Nguồn tin: Tạp chí kinh tế chứng khoán VN | 17/10/2022 7:35:15 SA
Dịch vụ ứng trước tiền bán vốn tưởng không có gì rủi ro, nhưng, sau sự việc xảy ra ở Chứng khoán Tân Việt (TVSI), mảng dịch vụ hái ra tiền này đang đặt ra nhiều dấu hỏi.
 
Tối ngày 9/10, sau khi cựu lãnh đạo đột tử, Công ty Chứng khoán Tân Việt (TVSI) đã phải ra thông báo tạm dừng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán kể từ ngày 10/10 cho tới khi có thông báo tiếp theo. Đến bây giờ đã qua 1 tuần, thông báo mới vẫn chưa có. Nghĩa là, hoạt động ứng trước tiền bán chứng khoán vốn dĩ mang lại nguồn thu lớn cho TVSI vẫn chưa được kích hoạt trở lại. Đây là một động thái gây bất ngờ cho nhiều người đặc biệt là cho những nhà đầu tư mở tài khoản tại TVSI nhưng nhiều người cho rằng đây là bước đi phù hợp với Chứng khoán Tân Việt.
 
Không ít dấu hỏi vì sao TVSI lại quyết định tạm dừng một sản phẩm bề ngoài có vẻ như không có gì rủi ro, chỉ là "quả ngọt" cho các công ty chứng khoán khi cung ứng dịch vụ ứng trước khoản tiền đang trên đường về tài khoản cho nhà đầu tư. Nhưng, khi quyết định tạm ngừng của TVSI được đưa ra thì những băn khoăn bắt đầu lộ diện.
 
 
Dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán là dịch vụ tiện ích mà các công ty chứng khoán cung cấp cho khách hàng để gia tăng sức mua chứng khoán ngay sau khi lệnh bán chứng khoán trước đó đã khớp lệnh thành công, đồng thời giảm thiểu thời gian thao tác giao dịch.
 
Lệnh bán đã khớp nhưng tiền chưa kịp về tài khoản, nhà đầu tư có thể ứng trước tiền bán với lãi suất tuỳ theo quy định của từng công ty chứng khoán, trước đây phổ biến tương đương tiền lãi vay margin.
 
Trước chính sách rút ngắn chu kỳ thanh toán tiền và cổ phiếu đều về tài khoản ngay trong ngày T+2 được áp dụng mới đây thì chu kỳ thanh toán lâu nay áp dụng trên cả 3 sàn HoSE, HNX, UpCoM là T+2, có nghĩa là lệnh bán đã khớp nhưng phải 16h30 vào hai ngày làm việc sau đó, tiền mới về tài khoản của khách hàng.
 
Tiền bán chứng khoán (vốn dĩ là tiền của nhà đầu tư) chưa về tài khoản trong khi một số trường hợp, nhà đầu tư có thể muốn dùng tiền ngay để mua chứng khoán, rút tiền hoặc các mục đích khác. Vì thế, công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ ứng trước tiền bán cho khách hàng, được xem như dịch vụ hỗ trợ vốn ngắn hạn cho họ. Nhờ vậy, khách hàng có thể tạm ứng một phần hay toàn bộ số tiền đã bán chứng khoán trước thời hạn thanh toán. Còn công ty chứng khoán vẫn ở cửa rất an toàn khi chỉ cần chờ thêm vài ngày nữa là tiền của nhà đầu tư sẽ về đến túi công ty chứng khoán.
 
Hiểu đơn giản là công ty chứng khoán sẽ ứng ra một số tiền cho nhà đầu tư tối đa bằng đúng số tiền bán chứng khoán nhà đầu tư sẽ nhận được vào ngày T+2. Số tiền ứng sẽ được hoàn lại cho công ty chứng khoán vào ngày T+2. Khi ứng trước, nhà đầu tư phải trả công ty chứng khoán một khoản phí để được mượn tiền, gọi là phí ứng trước tiền bán hay lãi vay ứng trước tiền bán. Phí ứng trước tiền bán được tính bằng số ngày vay thực tế của khách hàng nhân với lãi suất vay theo quy định của các công ty chứng khoán.
 
Đọc định nghĩa hay phân tích cơ sở của việc cho vay tiền đều cho thấy, vấn đề ứng trước tiền bán có vẻ như không có gì đáng để bàn về mặt rủi ro. Công ty chứng khoán nắm đằng chuôi và được hưởng phí ứng trước. Nhà đầu tư được hưởng lợi nhờ có thể sử dụng tiền vốn dĩ là của mình nhưng chưa kịp về.
 
Thế nhưng, sau sự việc ông Nguyễn Tiến Thành-lãnh đạo quá cố của TVSI qua đời và TVSI phải dừng ngay dịch vụ ứng trước tiền bán thì những dấu hỏi quanh dịch vụ này cũng như phân tích đang dần lộ diện.
 
 
Chứng khoán Tân Việt (TVSI) được thành lập từ năm 2016. Hiện công ty có vốn điều lệ 2.639 tỷ đồng. TVSI hoạt động chính trong lĩnh vực môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán, bảo lãnh phát hành chứng khoán, tư vấn tài chính, đầu tư chứng khoán và lưu ký chứng khoán.
 
Đọc kỹ báo cáo tài chính mới thấy, hạng mục ứng trước tiền bán là 1 hạng mục chủ đạo nuôi sống hệ thống TVSI.
 
Năm 2021 Chứng khoán Tân Việt tiến hành tăng vốn “khủng” từ 1.080 tỷ đồng lên 2.639 tỷ đồng như hiện nay bằng cách phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu và phát hành cổ phiếu trả cổ tức. Sau đợt phát hành này, TVSI thành công tăng vốn điều lệ thêm 144%.
 
Hoạt động kinh doanh năm 2021 của TVSI cũng để lại nhiều dấu ấn hơn sau tăng vốn. Doanh thu hoạt động cả năm đạt 3.359 tỷ đồng, tăng 127% so với năm 2020. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng 151% lên 588 tỷ đồng.
 
Tổng giá trị giao dịch trong năm 2021 đạt gần 717 nghìn tỷ đồng, tăng 134% so với năm 2020, trong đó giá trị giao dịch của công ty chứng khoán đạt 211 nghìn tỷ đồng và các nhà đầu tư gần 506 nghìn tỷ đồng.
 
Hoạt động kinh doanh tập trung vào giao dịch trái phiếu vẫn tiếp diễn trong năm 2022. Báo cáo ghi nhận tổng giá trị giao dịch trong nửa đầu năm 2022 đạt 375 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch của công ty chứng khoán 125 nghìn tỷ đồng và của các nhà đầu tư là 250 nghìn tỷ đồng.
 
Kết quả kinh doanh của TVSI 6 tháng năm 2022 ghi dấu ấn ở hạng mục doanh thu môi giới chứng khoán với 279 tỷ đồng, doanh thu thu lãi từ các khoản cho vay và phải thu 289,6 tỷ đồng. Sở dĩ việc này ghi dấu ấn là bởi, đây là 2 nghiệp vụ chủ chốt và thường sẽ tạo ra sức mạnh ổn định cho công ty chứng khoán.
 
 
Sở dĩ nói TVSI tạo dấu ấn thành công trong hoạt động môi giới chứng khoán và ứng trước là bởi lẽ nếu đem so kết quả đạt được ở 2 mảng hoạt động này với các yếu tố khác như quy mô vốn chủ sở hữu, quy vô vốn... sẽ thấy TVSI làm 2 mảng này "tốt" hơn nhiều công ty chứng khoán khác.
 
Lấy ví dụ:
 
+ Quy mô vốn chủ sở hữu của TVSI cuối quý 2/2022 là chỉ 3.809 tỷ đồng và tạo ra 279 tỷ đồng doanh thu môi giới, gần 290 tỷ đồng doanh thu thu lãi cho vay, phải thu 6 tháng đầu năm 2022.
 
+ Công ty chứng khoán quy mô lớn hơn rất nhiều lần, ví dụ như SSI, quy mô vốn chủ sở hữu là 14.366 tỷ đồng chỉ tạo ra 1.049 tỷ đồng doanh thu môi giới và 1.049 tỷ đồng doanh thu thu lãi cho vay và phải thu.
 
Đó là chưa kể đến, để tạo ra được khoản doanh thu môi giới và doanh thu lãi tổng cộng khoảng 2.100 tỷ đồng thì SSI đã huy động thêm rất nhiều tiền vay ngắn hạn lên đến 25.700 tỷ đồng, trong khi đó, báo cáo tài chính của TVSI cho thấy những số liệu tạo cảm giác ít rủi ro hoạt động khi khoản nợ chủ yếu đến từ "nhận ký cược, ký quỹ ngắn hạn". Tức, TVSI cũng không đi vay nợ nhiều!
 
Không nhiều tiềm lực vốn, vậy, TVSI lấy sức mạnh nào để tạo ra hạng mục doanh thu môi giới, doanh thu thu lãi cho vay, phải thu lớn như vậy so với quy mô của công ty? Mấu chốt nằm ở chính hạng mục mà TVSI vừa phải tạm dừng: Cung ứng dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán! Dịch vụ này thời gian vừa qua đã tạo ra tốc độ vòng quay tiền lớn trên hệ thống TVSI và giúp những con số giao dịch trên hệ thống này lớn đến bất ngờ!
 
Thống kê cho thấy, hoạt động cho vay ứng trước tiền bán chứng khoán của TVSI tăng đột biến trong giai đoạn nửa đầu năm 2022. Báo cáo ghi nhận tổng giá trị giao dịch trong nửa đầu năm 2022 đạt 375 nghìn tỷ đồng, trong đó giá trị giao dịch của công ty chứng khoán 125 nghìn tỷ đồng và của các nhà đầu tư là 250 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, khối lượng giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư đạt 126.733 tỷ đồng. Cả năm 2021, khối lượng giao dịch cổ phiếu của nhà đầu tư cũng lên đến con số 324.549 tỷ đồng.
 
 
Cũng theo số liệu báo cáo tài chính các năm gần đây, số dư tài sản tài chính giao dịch tự do của nhà đầu tư mở tài khoản tại TVSI trên hệ thống VSD từ năm 2021 đến hết tháng 6/2021 duy trì quanh ngưỡng từ 10.300 tỷ đồng đến 12.400 tỷ đồng.
 
Khi kết nối 2 dữ kiện số dư của nhà đầu tư và dữ kiện giá trị giao dịch trong năm có thể thấy một yếu tố gây sốc đó là: Có lẽ, nhiều nhà đầu tư tại TVSI dường như đã thực hiện giao dịch liên tục và tận dụng tối đa dòng tiền ứng trước tiền bán của TVSI để thực hiện việc này. Với con số 324 nghìn tỷ đồng thực hiện giao dịch cổ phiếu năm 2021 thì đồng nghĩa với việc, bình quân mỗi ngày hệ thống TVSI giao dịch khoảng 1.200 tỷ đồng.
 
Nếu làm thêm phép tính tạm chia cho mức tài sản của nhà đầu tư tại TVSI thì có thể thấy, nhà đầu tư trên hệ thống TVSI đã liên tục "đảo hàng" cổ phiếu.
 
 
Quay trở về lịch sử để thấy, vòng quay tiền "khủng" chủ yếu xảy ra vào năm 2021, 2022. Trước đó, năm 2019, 2020, hạng mục ứng trước không đáng chú ý so với các công ty chứng khoán khác.
 
Để nhà đầu tư có bức tranh để so sánh thì chúng tôi xin đem con số tại SSI. Trong khi số liệu tài sản của nhà đầu tư tại SSI cuối quý 2/2022 lên đến 81.444 tỷ đồng, gấp gần 8 lần TVSI thì tổng giao dịch 6 tháng đầu năm đạt 561.170 tỷ đồng, chỉ gấp khoảng 4,5 lần giá trị giao dịch của nhà đầu tư tại TVSI.
 
Hay như cả năm 2021, với quy mô tài sản nhà đầu tư trên hệ thống SSI đạt khoảng hơn 78.000 tỷ tức gấp khoảng 8 lần tại TVSI nhưng quy mô giao dịch cổ phiếu chỉ đạt gần 1.350 nghìn tỷ, gấp gần 4 lần con số TVSI đạt được.
 
Việc cho vay ứng trước tiền bán vốn dĩ lợi ích lớn nhất mang lại cho người sử dụng là tăng vòng quay vốn, sử dụng nguồn vốn của công ty chứng khoán để bù đắp cho tiền đã bán chứng khoán nhưng chưa về tài khoản của nhà đầu tư. Nhưng, vòng quay vốn tại TVSI đang cho thấy nhà đầu tư đã tận dụng triệt để chính sách cho vay ứng trước.
 
 
 
Câu hỏi tại sao TVSI lại dừng các hoạt động ứng tiền bán chứng khoán vẫn chưa có lời giải đáp. Lúc TVSI dừng hoạt động này, nhiều người cho rằng việc dừng chỉ xảy ra trong thời gian ngắn T+2 là cùng. Tuy nhiên, đến bây giờ dịch vụ vẫn chưa cung ứng trở lại.
 
TVSI là một trong số ít các công ty chứng khoán có tỷ trọng các khoản vay đối với hoạt động cho vay ứng trước cao so với quy mô vốn/ quy mô tài sản khách hàng tại công ty chứng khoán. Do vậy việc TVSI dừng các dịch vụ ứng trước tiền bán chứng khoán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty. Tuy nhiên, các con số cho thấy có thể đã có sự tận dụng hết mức dịch vụ tưởng chừng như phi rủi ro này để tạo ra những số liệu giao dịch lớn bất thường.
 
Dịch vụ ứng trước tiền bán vốn tưởng không có gì rủi ro, chỉ là "quả ngọt" cho các công ty chứng khoán. Nhưng, sau sự việc xảy ra ở Chứng khoán Tân Việt, mảng dịch vụ hái ra tiền này của các công ty chứng khoán đang đặt ra nhiều dấu hỏi: Liệu thật sự, dịch vụ ứng trước tiền bán có tạo ra được những biến động lớn không nếu nhà đầu tư tận dụng tối đa vòng quay vốn và trading liên tục trên một tệp cổ phiếu? Đặc biệt là khi, dịch vụ ứng trước tiền bán được kết hợp nhuần nhuyễn với một kho hàng lớn có sẵn của nhà đầu tư, liệu sức mạnh từ tốc độ quay tiền có đáng sợ?