Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ và thúc đẩy, Ngân hàng Nhà nước cũng liên tục họp, tổ chức hội nghị quán triệt…, nhưng sau hơn 4 tháng triển khai, gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ thực hiện được khoảng 20% trên tổng số 800.000 tỷ đồng dư nợ có thể cho vay trong năm 2022.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại (NHTM), NHNN đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách Nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh và ban hành kịp thời đầy đủ các văn bản hướng dẫn triển khai; thông báo hạn mức hỗ trợ lãi suất dự kiến cho từng NHTM để triển khai chương trình.
Ngân hàng gấp rút đẩy nhanh tiến độ
Báo cáo của NHNN cho thấy, đến cuối tháng 9/2022, doanh số cho vay được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 15.000 tỷ đồng, dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt khoảng trên 13.000 tỷ đồng; số tiền đã hỗ trợ cho khách hàng khi tới kỳ thu lãi trên 29 tỷ đồng.
Các ngân hàng đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất, tuy nhiên vẫn còn những vướng mắc, khó khăn khiến kết quả chưa được như kỳ vọng.
Lãnh đạo các ngân hàng cho biết, mặc dù tiến độ triển khai gói hỗ trợ chưa như kỳ vọng, nhưng sau thời gian đầu lúng túng, đến nay, các NHTM bắt đầu đẩy nhanh tiến độ triển khai gói hỗ trợ 2% lãi suất bằng cách đơn giản hoá các thủ tục cho vay để khách hàng dễ dàng hơn trong việc tiếp cận. Một số NHTM đã chủ động liên hệ, hướng dẫn khách hàng làm thủ tục, hồ sơ để được hỗ trợ.
Tại BIDV, đến cuối tháng 9, tổng doanh số cho vay hỗ trợ lãi suất là 7.052 tỷ đồng, dư nợ hơn 5.647 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 17,1 tỷ đồng, bao gồm các lĩnh vực lưu trú, ăn uống, hàng không, nông nghiệp… Bên cạnh đó, BIDV cũng đã tiếp nhận 271 đề nghị hỗ trợ lãi suất từ khách hàng, với dư nợ khoảng 15.500 tỷ đồng, để rà soát, triển khai. Dự kiến đến cuối năm 2022, dư nợ hỗ trợ lãi suất của BIDV là 11.000 tỷ đồng.
Tương tự, tại Agribank, tính đến cuối tháng 9/2022 đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng với dư nợ lũy kế là 8.500 tỷ đồng, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 15 tỷ đồng. Dự kiến đến hết năm 2022, số tiền hỗ trợ lãi suất sẽ đạt khoảng 1.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh Đồng Nai Phạm Quốc Bảo cho biết, tính đến cuối tháng 9/2022, trên địa bàn hiện có 8 chi nhánh NHTM đã giải ngân cho 24 khách hàng hoạt động thuộc đối tượng doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực hàng không, vận tải kho bãi, nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp chế biến, chế tạo với dư nợ được hỗ trợ lãi suất đạt 344 tỷ đồng…
Doanh nghiệp và ngân hàng vẫn “lệch pha”
Theo các NHTM, mặc dù Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ và thúc đẩy, NHNN cũng liên tục họp, hội nghị quán triệt triển khai… nhưng những vướng mắc, khó khăn được nêu tại các hội nghị, hội thảo trước đó vẫn chưa được tháo gỡ.
Điển hình như việc khó xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất do khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh đa ngành nghề; tâm lý e ngại của một số NHTM triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất khi một số chính sách hỗ trợ trước đây chưa được quyết toán đầy đủ; một số đối tượng được thụ hưởng không có nhu cầu do e ngại công tác thanh tra, kiểm toán, kiểm tra.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng Nai Châu Minh Nguyện cho hay, đối với chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, hiện nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề gặp khó trong việc bóc tách lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất cũng như chứng từ chứng minh đồng vốn vay được sử dụng cho lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất.
Bên cạnh đó, thực tế các HTX nông nghiệp không dễ tiếp cận được chính sách này vì đa số HTX không vay vốn tín dụng được do thiếu tài sản thế chấp và hộ kinh doanh không có đăng ký kinh doanh nên cũng không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
Ngoài ra, điều kiện để được hỗ trợ lãi suất là khách hàng kinh doanh phải có lãi và phải có phương án về khả năng phục hồi, nhưng qua 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng có nợ xấu, khả năng trả nợ bấp bênh hoặc hết tài sản bảo đảm. Do đó chưa đáp ứng điều kiện của các ngân hàng.
Hơn nữa, ông Nguyện chia sẻ thêm về phương án xem xét, rà soát khả năng phục hồi, mỗi ngân hàng hướng dẫn một kiểu khiến khách hàng bối rối, khó khăn cho công tác thanh, kiểm tra sau này.
Trước những khó khăn trên, NHNN cho biết, hiện NHNN đang triển khai các đoàn công tác liên ngành để đánh giá và đôn đốc triển khai chính sách tại một số địa phương; tích cực tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp chuyên đề triển khai Nghị định 31 nhằm thông tin, đối thoại trực tiếp giữa NHTM và khách hàng để nắm bắt nhu cầu thực tế cần hỗ trợ của doanh nghiệp, các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận chính sách để kịp thời xử lý, tháo gỡ.