Thị trường chiều nay cũng không có nhịp hồi đáng kể nào, nhưng lực bán cũng không tăng thêm nên cung cầu cân bằng ở vùng giá thấp. VN-Index kết phiên giảm 0,34% tương đương 3,59 điểm, chỉ là mức dao động thông thường. Nhóm cổ phiếu thép giảm giá đồng loạt trước lo ngại kết quả kinh doanh quý 3, trong đó HPG bị khối ngoại xả đột biến...
VN-Index trồi sụt trong biên độ hẹp do cung cầu không gặp nhau.
Thị trường chiều nay cũng không có nhịp hồi đáng kể nào, nhưng lực bán cũng không tăng thêm nên cung cầu cân bằng ở vùng giá thấp. VN-Index kết phiên giảm 0,34% tương đương 3,59 điểm, chỉ là mức dao động thông thường. Nhóm cổ phiếu thép giảm giá đồng loạt trước lo ngại kết quả kinh doanh quý 3, trong đó HPG bị khối ngoại xả đột biến.
Với độ rộng HoSE cuối ngày là 144 mã tăng/265 mã giảm, mặt bằng giá cổ phiếu cũng không thấp đi bao nhiêu so với thời điểm cuối phiên sáng. Nhóm blue-chips tuy không thể vực dậy chỉ số được, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ nâng đỡ ở vùng sát tham chiếu.
VN30-Index kết phiên giảm 0,51%, tốt hơn một chút so với mức giảm 0,63% thời điểm cuối phiên sáng. Độ rộng cải thiện nhẹ với 9 mã tăng/17 mã giảm (phiên sáng 4 mã tăng/24 mã giảm). So với giá cuối phiên sáng, rổ này có 17 mã tăng cao thêm và 12 mã tụt giá. Biến động không theo nhóm ngành cụ thể mà tùy áp lực ở từng mã trong bối cảnh thanh khoản nhỏ.
Toàn rổ VN30 phiên chiều khớp thành công 1.582 tỷ đồng, tăng 86% so với phiên sáng, nhưng vẫn là rất thấp. HPG, SSI và STB là 3 mã thanh khoản nhất nhưng đều thể hiện lực bán gia tăng. Đặc biệt HPG chiều nay giao dịch tới 233,7 tỷ đồng và giá tụt thêm tới 1,1% so với buổi sáng, đóng cửa giảm dưới tham chiếu 2,39%. HPG xuất hiện lực bán đột biến của nhà đầu tư nước ngoài với tổng lượng xả gần 11,8 triệu cổ, chiếm 58% giao dịch. Giá trị bán ròng tại HPG lên tới 185,3 tỷ đồng.
HPG đã lao dốc 4 phiên liên tiếp tương ứng mức điều chỉnh khoảng 5,64%. Tuy nhiên ở nhịp tăng 2 tuần trước, HPG cũng đã đi lên gần 11%. Khối ngoại mua ròng HPG trong chiều tăng nhưng lúc này đang bán ròng. Đó có thể là các giao dịch ngắn hạn. Nhóm cổ phiếu thép nói chung cùng chịu tác động lan tỏa từ HPG, khiến HSG giảm 4,32%, NKG giảm 3,13%, TVN giảm 1,56%, VGS giảm 0,7%... Cổ phiếu thép đang được cho là chiết khấu kết quả kinh doanh quý 3 có thể gặp khó khăn.
Nhóm cổ phiếu tài chính đang phân hóa rất rõ.
Với 144 cổ phiếu còn tăng giá trên HoSE cuối phiên, không có tính nhóm ngành rõ ràng mà chỉ có các cổ phiếu đại diện nổi bật. Lực cung cầu cụ thể ở từng cổ phiếu và kỳ vọng kết quả kinh doanh quý 3 đang tạo lực đỡ khác nhau. Cổ phiếu ngân hàng là ví dụ, BID, CTG, VCB, VIB vẫn xanh, thậm chí dù tăng nhẹ những vẫn nằm trong nhóm đỡ chỉ số tốt nhất. Ngược lại STB, ACB, SHB, TCB, MBB, TPB... vẫn đỏ rực. Nhóm dầu khí có GAS rớt thảm 1,71% là cổ phiếu khiến VN-Index mất điểm nhiều nhất, PVC giảm 1,6%, nhưng PVD, PCG, BSR, PVB vẫn xanh, thậm chí BSR còn tăng 2,46%. Cổ phiếu chứng khoán nhiều mã cũng giảm cực mạnh trên 1% nhưng cũng không phải tất cả...
Nhìn chung thị trường hôm nay ở trong trạng thái giằng co với nền thanh khoản quá thấp, nên giá cũng không có yếu tố khối lượng đảm bảo. Dù vậy áp lực bán vẫn là nổi trội, thể hiện ở độ rộng bị áp đảo. Cả thị trường có 15 cổ phiếu đạt thanh khoản trên 100 tỷ đồng phiên này, thì 2 mã duy nhất tăng là PVD và FRT. Mặt khác, thanh khoản ở nhóm giảm giá tại HoSE chiếm tới 62% tổng giao dịch sàn này, trong khi giao dịch ở nhóm tăng chỉ chiếm gần 25%.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng khá nhẹ với 82,2 tỷ đồng trên HoSE nhưng mua ròng 21,4 tỷ đồng trên HNX và 6,5 tỷ đồng trên UpCOM. Tại HoSE mức bán ròng cũng dồn hết vào HPG, VHM, SSI và GAS. Phía mua ròng có FRT, VNM, DGC, STB là đáng kể.
VN-Index để mất 3,59 điểm là khá nhẹ nếu nhìn từ nhu cầu chốt lời ngắn hạn sau nhịp tăng thoát đáy. Ba phiên liền trước áp lực bán rõ nét hơn nhiều, hôm nay thị trường gần như chỉ dao động, biên độ cổ phiếu cũng rất nhỏ còn thanh khoản của HoSE thì thấp kỷ lục với 6.575 tỷ đồng.