Hàng loạt mỏ khoáng sản (cát xây dựng) dừng hoạt động khiến các công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thiếu nguồn cung, doanh nghiệp thiệt hại nặng khi chi phí vật liệu xây dựng đội giá.
Thiếu vật liệu xây dựng cũng đã khiến nhiều dự án đầu tư công khó hoàn thiện đúng tiến độ, không thể giải ngân như mục tiêu đã đề ra.
Doanh nghiệp làm đâu lỗ đó
Theo ghi nhận, hiện tại các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đều lâm cảnh thiếu nguồn cát xây dựng. Nguyên nhân xuất phát từ việc hết hạn khai thác của các mỏ cát trên địa bàn và đang chờ được phê duyệt các khu vực khai thác mới.
Trước tình trạng “khát” nguồn cát xây dựng, các doanh nghiệp đấu thầu thi công tại Quảng Nam đang lâm cảnh lỗ nặng khi mức chi phí xây dựng đang ngày một tăng cao, nhưng giá trị hợp đồng đã ký không thể thay đổi. Chưa kể đến, việc không thực hiện dự án đúng tiến độ cũng sẽ ảnh hưởng đến công tác giải ngân của địa phương đôi với các công trình công, như vậy cả doanh nghiệp và địa phương đều sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực.
Ông Nguyễn Xuân Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Kinh doanh tổng hợp Việt Linh (huyện Duy Xuyên) cho hay với mức giá hiện tại được liên Sở cấp phép tại mỏ đã lên đến 200.000 đồng/ khối cát. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng hiện tại cát chỉ có thể mua cát từ mỏ ở huyện Đại Lộc để vận chuyển về địa phương, do đó doanh nghiệp phải tốn thêm một khoảng phí lớn cho quá trị vận chuyển. Từ đó, mỗi khối cát khi đến dự án có thể lên đến gần 300.000 đồng/khối sau vận chuyển, cao hơn mức giá cũ rất nhiều là 75.000 đồng/ khối tại mỏ như trước.
“Hiện tại giá cát đã tăng rất cao và doanh nghiệp xây dựng là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong vấn đề này. Có thể nói, doanh nghiệp xây dựng đang lâm cảnh làm đâu lỗ đó, khi trúng thầu dự án thì rất mừng, nhưng đến khi triển khai lại “khóc ròng” bởi kinh phí luôn vượt quá dự toán. Trong khi đó, nguồn cát xây dựng trôi nổi lại đang phổ biến, nếu sử dụng nguồn khoáng sản này thì lại vi phạm pháp luật”, ông Hiếu chia sẻ.
Cũng theo vị này, để các dự án đúng tiến độ bắt buộc bản thân các doanh nghiệp phải có kinh tế thực sự để chấp nhận mua cát xây dựng với giá cao. Nếu không chấp nhận chịu lỗ, doanh nghiệp sẽ không được địa phương giải ngân công trình, chưa kể đến địa phương sẽ chấm dứt hợp đồng và phạt doanh nghiệp bởi không hoàn thiện đúng tiến độ được giao.
“Từ đó, doanh nghiệp lại tiếp tục gặp thiệt hại, đến cả uy tín cũng sẽ bị giảm sút đi đáng kể. Vì vậy, việc cấp phép các mỏ khai thác khoáng sản mới cần được thông qua sớm hơn, qua đó doanh nghiệp vơi bớt gánh nặng và địa phương cũng đảm bảo được tiến độ các dự án trọng điểm”, ông Nguyễn Xuân Hiếu bộc bạch.
Sớm giải bài toán “khát” vật liệu xây dựng
Theo các doanh nghiệp tại khu vực phía Bắc Quảng Nam như huyện Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn,... hiện tại nguồn cát chủ yếu được lấy từ các mỏ ở huyện Đại Lộc vận chuyển về để thi công. Tuy nhiên, vì số lượng mỏ khá ít và đã có người đặt cọc từ trước nên rất khó để có được nguồn cung ứng đủ cho các dự án.
Từ đó, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc thi công, nhất là về vấn đề sợ lỗ vốn. Cùng với đó là nổi lo về việc găm hàng, đội giá trong thời gian tới.
Chỉ tại báo cáo của huyện Duy Xuyên, địa phương này cho rằng tỷ lệ giải ngân đến thời điểm vẫn còn chậm và chưa đạt theo yêu cầu dù có nhiều kết quả tốt. Trong đó, khó khăn lớn nhất trên địa bàn huyện nói riêng và cả tỉnh Quảng Nam nói chung là vấn đề khan hiếm các mỏ cát và đất san lấp.
Cùng với đó, trong năm 2021 và các tháng đầu năm 2022, giá nguyên vật liệu liệu tăng cao chưa từng có như giá xăng dầu, sắt, thép, cát xây dựng và các loại vật tư khác. Hầu hết các công trình trên địa bàn huyện hợp đồng theo hình thức trọn gói, không điều chỉnh được giá nguyên vật liệu trong dự toán, hợp đồng đã ký kết dẫn đến một số nhà thầu chậm triển khai, thi công cầm chừng, chờ chính sách điều chỉnh giá hợp đồng và giá vật liệu xây dựng, có tâm lý chờ cập nhật, điều chỉnh chỉ số giá xây dựng theo tháng phù hợp diễn biến giá thị trường.
Để giải quyết vấn đề thiếu cát xây dựng trên địa bàn, ngày 11/10 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân đã ký Quyết định 2732/QĐ-UBND về việc phê duyệt Danh mục 31 dự án đầu tư khai thác khoáng sản đá, cát, đất sét làm vật liệu xây dựng thông thường và đất san lấp công trình trên địa bàn các huyện Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Duy Xuyên, Bắc Trà My, Tiên Phước, Phú Ninh.
Qua đó, các địa phương tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các khu vực khoáng 2 sản thuộc địa bàn mình quản lý để lựa chọn các đơn vị có năng lực, kinh nghiệm thực hiện, gửi kết quả phê duyệt đơn vị trúng đấu giá về UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh để theo dõi, giám sát.
Cùng với đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã có công văn số 6032/UBND-KTN về việc tham mưu hướng dẫn trình tự, thủ tục thực hiện các dự án nạo vét kênh dẫn vào các trạm bơm, nạo vét bồi lấp lòng hồ thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, phòng chống thiên tai có kết hợp thu hồi sản phẩm là cát, sỏi trên địa bàn.
Tuy nhiên, theo ghi nhận hiện tại một số dự án nạo vét trên địa bàn tỉnh Quảng Nam dù đã được chấp thuận chủ trương, lựa chọn đơn vị thực hiện, lên phương án thi công,... nhưng vẫn không thể triển khai như kế hoạch vì vấp phải vướng mắc nhất thời. Việc này cũng được xem là nguyên nhân dẫn đến tình trạng “khát” nguồn cát xây dựng tại các địa phương.
Trao đổi về vấn đề “khát” nguồn cát xây dựng trên địa bàn, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam cho hay UBND tỉnh đã có chủ trương giao về các địa phương đề xuất khu vực cấp phép mỏ khai thác. Sau khi đề xuất sẽ tiến hành đấu giá và số tiền sau đấu giá sẽ giao về cho mỗi địa phương.
“Thời gian tới sẽ có cấp phép nhiều khu vực khai thác mới thông qua hình thức đấu giá. Tỉnh đã có công văn mới, cho các huyện được đề nghị các khu vực khai thác cát để phục vụ nhu cầu tại địa phương, hiện tại Sở đang chờ công văn của huyện để xem xét trình UBND tỉnh để cấp phép khai thác”, đại diện Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Nam thông tin.