Thị phần trái chuối (HS 0803) của Việt Nam tại Nhật Bản tăng và còn nhiều dư địa nếu chất lượng được đảm bảo vì người Nhật không quan tâm đến giá.
Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Nhật Bản cho hay, trị giá nhập khẩu chủng loại trái chuối (HS 0803) của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2022 đạt 728,7 nghìn tấn, trị giá 80,2 tỷ Yên (tương đương 539,3 triệu USD), giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 4,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá chuối nhập khẩu bình quân đạt 110 nghìn Yên/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Gia tăng thị phần trái chuối Việt Nam tại thị trường Nhật Bản
Nhật Bản nhập khẩu chủng loại trái chuối nhiều nhất từ thị trường Philippines trong 8 tháng đầu năm 2022, đạt 557 nghìn tấn, trị giá 80,2 tỷ Yên (tương đương 418,1 triệu USD), giảm 0,6% về lượng, nhưng tăng 5,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Giá nhập khẩu bình quân đạt 109,6 nghìn Yên/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng trái chuối nhập khẩu từ thị trường Philippines chiếm 77,8% tổng lượng nhập khẩu. Tiếp theo là các thị trường như Ecuador, Mexico, Guatemala, Việt Nam…
Đáng chú ý, trong khi nhập khẩu trái chuối từ các thị trường chính đều giảm về lượng, thì nhập khẩu từ Việt Nam, Peru, Indonesia, Thái Lan và Lào đã tăng trong 8 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, nhập khẩu trái chuối từ Việt Nam đạt 5,7 nghìn tấn, trị giá 687,9 triệu Yên (tương đương 4,6 triệu USD), tăng 20,1% về lượng và tăng 37,7% về trị giá so cùng kỳ năm 2021.
Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam chỉ chiếm 0,8% tổng lượng trái chuối nhập khẩu vào Nhật Bản, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Bắt đầu được nhập khẩu vào Nhật Bản từ năm 2013, nhưng một trong những yếu tố quan trọng để một thị trường chấp nhận nhập khẩu trái cây Việt Nam là quy trình sản xuất, bảo vệ thực vật phải đạt chứng nhận an toàn quốc tế. Cùng với đó, vùng nguyên liệu phải được cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói.
Người tiêu dùng tại Nhật Bản không để ý quá nhiều đến giá cả, mà họ lựa chọn vì chất lượng sản phẩm và sản phẩm đó có ngon hay không. Theo các chuyên gia, Nhật Bản là một thị trường khó tính, nhưng khi đã chinh phục được thị trường này, hoa quả Việt Nam trong đó có chuối, đủ uy tín để vào các thị trường khác thuận lợi hơn.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, không chỉ chuối mà nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm khác của Việt Nam đã tạo được lòng tin tại thị trường Nhật Bản, trong đó, đảm bảo chất lượng là yếu tố quan trọng để hàng hóa của Việt Nam có thể tạo ra thương hiệu riêng, cạnh tranh với các hàng hóa từ nhiều nước khác.
Dù thị phần trái chuối (HS 0803) của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Nhật Bản tăng nhưng lượng nhập khẩu chuối từ Việt Nam vẫn ở mức thấp, trong khi đây là loại trái cây được tiêu thụ nhiều nhất so với các loại trái cây khác tại Nhật Bản.
Theo nguồn Reuters, các hộ gia đình Nhật Bản chi tiêu trung bình 4.387 Yên (tương đương 29,9 USD) cho trái chuối/năm. Do đó, vẫn còn nhiều cơ hội để mở rộng thị phần trái chuối của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản.