• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
09 Tháng Mười Một 2024 9:04:00 SA - Mở cửa
Thị trường chính thức “gãy”, cổ phiếu nào đi ngược dòng?
Nguồn tin: Vneconomy | 24/10/2022 4:14:26 CH
Không có nhịp hồi nào chiều nay, VN-Index chính thức có phiên đóng cửa dưới ngưỡng 1.000 điểm, còn 986,15 điểm. HoSE ghi nhận 45 mã còn xanh và 430 mã đỏ, trong đó 148 mã giảm sàn, số lượng nhiều nhất kể từ phiên ngày 13/5/2022...

 
VN-Index không thể phục hồi nổi trong phiên chiều nay, thậm chí số lượng mã giảm sàn còn nhiều lên.
 
Không có nhịp hồi nào chiều nay, VN-Index chính thức có phiên đóng cửa dưới ngưỡng 1.000 điểm, còn 986,15 điểm. HoSE ghi nhận 45 mã còn xanh và 430 mã đỏ, trong đó 148 mã giảm sàn, số lượng nhiều nhất kể từ phiên ngày 13/5/2022.
 
Với độ rộng quá kém, rất khó để tìm kiếm những cổ phiếu đi ngược dòng đáng tin cậy. Mặt khác, đây cũng chỉ là số ít cổ phiếu lẻ loi và không mang tính đại diện.
 
Trong 45 cổ phiếu sàn HoSE đóng cửa vẫn trên tham chiếu, đại đa số chỉ giao dịch vài chục triệu tới vài trăm triệu đồng thanh khoản. Chẳng hạn DTT được ghi nhận giá chốt ở mức kịch trần thì thực chất chỉ có 3 lệnh giao dịch, với lệnh cuối cùng trước khi đóng cửa là 1h53 với 1000 cổ phiếu giá 11.800 đồng và lệnh chốt cuối kịch trần với lô tối thiểu 100 cổ.
 
Dù vậy cũng vẫn có vài mã đạt thanh khoản tốt. Đáng kể là HAG giao dịch 180,5 tỷ đồng và giá tăng 3,88%. Đây là phiên phục hồi đầu tiên của HAG sau 3 phiên rơi mạnh liên tiếp 13,1%. Kể từ đỉnh cuối tháng 9 đến hết tuần trước, HAG điều chỉnh giảm tới gần 39% giá trị. FRT cũng tăng 1,64% hôm nay với thanh khoản 159,1 tỷ đồng. Mã này khá mạnh khi 10 phiên trước vừa tăng 27% và chỉ giảm 2 phiên cuối tuần trước.
 
Ngoài ra, một số mã khác cũng thu hút được dòng tiền đáng chú ý trong bối cảnh toàn thị trường bán tháo và giảm giá: AGG tăng 4,2% giao dịch 11,5 tỷ đồng; VSC tăng 2,35% giao dịch 13 tỷ; BAF tăng 1,38% giao dịch 65,4 tỷ; NT2 tăng 1,18% thanh khoản 47,2 tỷ; VPG tăng 1,04% thanh khoản 31 tỷ; TPB tăng 0,25% thanh khoản 63,8 tỷ; DCM tăng 0,17% thanh khoản 152,4 tỷ đồng.

 
Những mã đi ngược dòng hôm nay hầu hết có thanh khoản thấp.
 
Dù những “đốm sáng” lẻ loi này vẫn đem lại niềm vui cho số ít nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu, những nhà đầu tư còn lại không có được niềm vui đó. Tính chung cả 3 sàn, số mã giảm kịch biên độ lên tới 249. Ngay rổ VN30 cũng có 10 mã sàn là SSI, BID, KDH, STB, VRE, GVR, MWG, PLX, TCB và VHM.
 
Không khó để thấy cổ phiếu các nhóm chứng khoán, ngân hàng và bất động sản chiếm nhiều vị trí trong các mã giảm sàn, bên cạnh nhóm đầu cơ. Nhìn chung đây là các nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nhất trong bối cảnh lãi suất tăng cao.
 
Mặc dù kết quả kinh doanh quý 3 đang xuất hiện và cũng khá tích cực, nhưng thị trường đang trong trạng thái quá hoảng sợ cho những áp lực sắp tới, nên không quan tâm nhiều đến hiện tại. Nhu cầu thoát khỏi vị thế cổ phiếu lấn át hoàn toàn các phán đoán khác.
 
VN-Index để mất 33,67 điểm hôm nay và chính thức thủng ngưỡng tâm lý 1.000 điểm là một cú sốc lớn. Về mặt kỹ thuật, thị trường có rủi ro lớn hơn khi một mức hỗ trợ mạnh không trụ vững. Điều này cũng góp phần làm gia tăng sự sợ hãi. Có thể thấy hôm nay áp lực bán tháo lan tràn, bất kể là cổ phiếu đầu cơ hay hàng cơ bản, cổ phiếu sản xuất ở mọi lĩnh vực.
 
Nhóm blue-chips dĩ nhiên vẫn là các mã gây ảnh hưởng nặng nhất tới VN-Index. VHM, BID, SAB, VNM, TCB, MWG, GVR, VRE, CTG và FPT là 10 mã kém nhất, khiến chỉ số này mất tới gần 16,5 điểm. VN30-Index kết phiên cũng giảm 3,63%. Một vài điểm sáng hiếm hoi ở rổ blue-chips này là TPB trong 30 phút cuối được kéo ngược lên tăng 0,25%. VCB bật tăng 2,4% riêng trong đợt khớp lệnh ATC, quay trở lại được tham chiếu. VIC cũng kịp thu hẹp mức giảm còn 0,53%, bớt đi phần nào gánh nặng. NVL, VPB cũng có cải thiện nhẹ về cuối.
 
Khối ngoại buổi chiều mua bán sôi động hơn đáng kể, nhưng lại không chênh lệch nhiều. Cụ thể, mức giải ngân thêm trên HoSE đạt 781 tỷ đồng, bán ra 809,1 tỷ đồng. Do bán ròng nhẹ, vị thế tổng thể cả ngày của khối ngoại co lại còn +71,5 tỷ đồng ròng. FRT, MSN, DCM, VNM là các mã được mua ròng trên 20 tỷ đồng. STB, SAB, VND, HPG, NVL là nhóm bị bán ròng trên 20 tỷ.