Mức giảm trên 4% giá trị đối với chỉ số VN-Index là cực kỳ hiếm. Phiên giao dịch hôm nay gợi nhớ là những ngày “nghẹn thở” hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua. Điều đáng buồn hơn là mặt bằng giá cổ phiếu lúc này thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đó, nghĩa là mức giảm dù tương đương nhưng thiệt hại thì nhiều hơn...
VN-Index lao dốc ngày càng sâu trong phiên chiều nay.
Mức giảm trên 4% giá trị đối với chỉ số VN-Index là cực kỳ hiếm. Phiên giao dịch hôm nay gợi nhớ là những ngày “nghẹn thở” hồi tháng 4, tháng 5 vừa qua. Điều đáng buồn hơn là mặt bằng giá cổ phiếu lúc này thấp hơn rất nhiều so với thời điểm đó, nghĩa là mức giảm dù tương đương nhưng thiệt hại thì nhiều hơn.
VN-Index kết thúc phiên giao dịch buồn thảm hôm nay với mức giảm 45,67 điểm, tương đương 4,03% so với tham chiếu. Mức giảm này là sốc nhất kể từ phiên ngày 13/6 vừa qua. Khoảng 136 mã ở HoSE giảm kịch sàn, cũng chỉ kém phiên ngày 20/6 một chút (139 mã sàn).
VN30-Index đóng cửa giảm 4,34% với duy nhất VIC tăng 0,91%, còn lại là giảm và 11 mã giảm sàn. Trong số giảm kịch biên độ, có một số mã vốn hóa rất lớn như HPG, BID, CTG, GVR TCB, MWG. Số giảm trên 4% có các trụ MSN, VPB. Giảm trong khoảng 2%-4% có VCB, NVL, GAS.
Hai mã trụ được kéo lên “giảm xóc” cho chỉ số trong đợt ATC là VIC và VHM. VIC đến cuối đợt khớp lệnh liên tục còn giảm 1% so với tham chiếu nhưng đợt ATC có cầu khá lớn, kéo vọt tăng 0,91%. VHM không xanh được, nhưng riêng đợt ATC cũng được kéo tăng tới 5,1%, kết phiên chỉ giảm nhẹ 0,59% so với tham chiếu. Nhờ thay đổi giá ở hai trụ này, VN-Index lấy lại được khoảng 3,4 điểm trong đợt ATC, VN30 bớt giảm được 2,7 điểm.
Hai cổ phiếu này thực tế lại càng làm nổi bật hơn tình trạng thê thảm ở phần còn lại của thị trường. Độ rộng sàn HoSE chỉ còn 449 mã giảm/43 mã tăng, trong đó 136 mã giảm sàn và 130 mã khác giảm trên 2%. Tất cả các nhóm cổ phiếu đều đỏ rực, trong đó ngân hàng có 4 mã giảm sàn và CTG, TCB, BID, STB. Chứng khoán có 20 mã giảm sản, bao gồm cả các blue-chips như SSI, HCM, VND, VCI.
Xếp theo giá trị giao dịch cho thấy rất nhiều cổ phiếu chìm nghỉm xuống giá sàn dưới áp lực bán cực mạnh.
Thanh khoản phiên chiều trên hai sàn niêm yết tăng khá cao lên mức 7.088 tỷ đồng. HoSE khớp chiều cũng tăng 70% so với buổi sáng, đạt 6.339 tỷ đồng. Trong khi đó kết phiên sáng VN-Index mới có 8 mã sàn thì chiều nay lên tới 136 mã, chưa kể các cổ phiếu khác tụt giảm sâu hơn. Điều đó cho thấy hiệu ứng tiêu cực của việc dòng tiền bị rút ra ngoài, khiến người bán phải hạ giá liên tục, thậm chí là hết biên độ cho phép để thoát ra.
Không có lực cầu bắt đáy tạo giá hồi chiều nay cũng là một tín hiệu xấu. Phiên cuối tuần trước vẫn còn dòng tiền đẩy giá phục hồi ngược, nhưng hôm nay thì mất hút. Rõ ràng là sự sợ hãi đã gia tăng, nhà đầu tư không muốn mạo hiểm thêm, đặc biệt khi các cổ phiếu lẫn chỉ số xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ quan trọng.
Khối ngoại chiều nay cũng tháo chạy mạnh hơn buổi sáng, với giá trị bán tăng thêm khoảng 884,1 tỷ đồng tại HoSE, nâng tổng mức bán cả ngày lên 1.440,8 tỷ đồng, chiếm 12,5% tổng giá trị giao dịch sàn này. Mức mua vào đạt 909,6 tỷ, tương đương bán ròng 531,2 tỷ đồng. Như vậy sau phiên mua ròng nhẹ trong ngày chốt NAV quý 3, khối này lại quay ra bán ròng trở lại. Tính chung trong tháng 9, khối ngoại vẫn rút đi ròng 2.623,7 tỷ đồng từ các cổ phiếu sàn HoSE.
Phiên này HPG bị xả lớn nhất với -178,3 tỷ đồng và giá giảm sàn mất thanh khoản. HPG đã rơi xuống ngưỡng giá tương đương hồi giữa tháng 11/2020. STB cũng bị bán ròng lớn 60,5 tỷ, giá cũng giảm sàn nhưng còn dư mua sàn 1,4 triệu cổ. DGC -45,8 tỷ, giá giảm 4,9%. CTG, SSI, NVL bị bán ròng trong khoảng 30-40 tỷ đồng. Phía mua có VIC +27,6 tỷ.
Thị trường đang chịu áp lực giảm rất lớn sau khi VN-Index để thủng đáy tháng 7. Ngoài yếu tố kỹ thuật về chỉ số, áp lực nội tại do nhà đầu tư thua lỗ quá nhiều cũng là nguyên nhân. Dòng tiền đang sụt giảm đáng kể giữa bối cảnh lực cung tăng là điều cực kỳ bất lợi. Dòng tiền giảm không chỉ do nhà đầu tư lo sợ không dám mua mạnh, mà còn thật sự bị cạnh tranh khi lãi suất tiền gửi đang trên đà tăng, chưa kể đồng USD cũng đang rất mạnh.