Sau gần 2 tháng xảy ra sự cố heo chết hàng loạt do tiêm vắc xin phòng dịch tả heo Châu Phi, người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ để khắc phục thiệt hại.
Người dân trông chờ hỗ trợ
Với tinh thần chủ động phòng bệnh cho vật nuôi, nhiều người dân đã chủ động tiêm vắc xin cho heo để phòng dịch tả heo Châu Phi, tuy nhiên, việc tiêm phòng đã xảy ra sự cố đáng tiếc khiến heo chết hàng loạt.
Chị Lưu Thị Hồng Bông, ở thôn Hà Trung xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh), có 2 con heo được tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC cách đây gần 2 tháng. Sau khi tiêm vài ngày, một con heo bị sốt rồi lăn đùng ra chết, con còn lại ốm o gầy mòn. Dù chị Bông đã tận tình chăm sóc, nhưng con heo này cũng bỏ ăn và chết cách đây vài ngày.
Gần nhà chị Bông, gia đình chị Nguyễn Thị Thành có 5 con heo được tiêm vắc xin thì có 4 con đã chết. Con còn lại cũng thường xuyên chán ăn, bỏ bữa, còi cọc chỉ còn da bọc xương.
Hơn 77% số lượng heo được tiêm vắc xin bị phản ứng chết tại chuồng.
“Heo đang khỏe mạnh bình thường tiêm vắc xin lại chết. Tôi mong nhà sản xuất có câu trả lời thỏa đáng và sớm bồi thường thiệt hại để người dân có điều kiện tái đàn”, bà Thành nói.
Hàng xóm của chị Thành, gia đình bà Nguyễn Thị Huyền có 4 con heo nái đang khỏe mạnh. Bà đã đầu tư hệ thống chuồng trại khang trang để khi heo nái sinh con sẽ giữ lại đầu tư nuôi thành heo thịt xuất bán dịp Tết. Dự định chưa thành thì cả 4 con heo nái đều bị chết sau khi tiêm vắc xin từ 7 - 10 ngày.
“Lo chúng bị nhiễm dịch nên khi nghe có vắc xin tôi mừng quá nhờ nhân viên thú y đến tiêm giúp. Ai ngờ tiêm vắc xin hóa ra lại hại chúng. Đến nay, vẫn chưa thấy công ty nói gì đến chuyện hỗ trợ thiệt hại cho người dân”, bà Huyền buồn bã.
Doanh nghiệp vẫn lặng thinh
Dù Quảng Ngãi không đăng ký mua vắc xin theo chỉ đạo của Cục Thú y, nhưng vắc xin NAVET-ASFVAC của Công ty CP Thuốc thú y Trung ương (Navetco) đã lưu hành bán tự do trên thị trường.
Theo các nhân viên thú y, hướng dẫn của nhà sản xuất là đối tượng sử dụng không chỉ heo ở độ tuổi từ 8 - 10 tuần tuổi mà có thể tiêm cho heo nái với 1/5 liều kèm theo nhãn rời và lọ vắc xin nên nhân viên thú y, người dân sử dụng thuốc tiêm cho heo nái theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất.
Vắc xin NAVET-ASFVAC.
Sau sự cố trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã thành lập Đoàn kiểm tra lần 1 và Đoàn kiểm tra lần 2 để xác minh, làm rõ. Huyện Sơn Tịnh thành lập 4 tổ công tác, huyện Nghĩa Hành thành lập 1 tổ công tác và TP.Quảng Ngãi thành lập 1 tổ công tác đã tiến hành điều tra, xác minh, thống kê, xác định cụ thể chủng loại, số lượng lợn đã tiêm vắc xin NAVET-ASFVAC.
Qua điều tra, xác minh, có 139 hộ dân ở 3 địa phương là huyện Sơn Tịnh, Nghĩa Hành và TP.Quảng Ngãi tiêm phòng vắc xin cho 800 con heo, trong đó có 550 con nái và 20 con đực giống; heo từ 8 - 10 tuần tuổi là 52 con, lớn hơn 10 tuần tuổi 178 con.
Có đến 618/800 con heo tiêm vắc xin bị chết tại chuồng, chiếm hơn 77%. Huyện Sơn Tịnh là địa phương có số lượng heo tiêm vắc xin nhiều nhất, với 577 con bị phản ứng chết tại chuồng. Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Sơn Tịnh Phạm Văn Tùng cho biết, đến nay Công ty Navetco chưa đề xuất mức hỗ trợ cho người dân có heo bị chết do tiêm vắc xin.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Quang Trung, Sở NN&PTNT đề nghị Bộ NN&PTNT và Cục Thú y tiếp tục chỉ đạo Công ty Navetco khẩn trương thực hiện kế hoạch khắc phục sự cố sau tiêm phòng vắc xin để người chăn nuôi khôi phục sản xuất.