• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.249,11 +6,75/+0,54%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:01 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.249,11   +6,75/+0,54%  |   HNX-INDEX   222,48   +1,64/+0,74%  |   UPCOM-INDEX   93,11   +0,69/+0,75%  |   VN30   1.313,48   +10,23/+0,78%  |   HNX30   462,19   +6,15/+1,35%
20 Tháng Giêng 2025 3:42:52 SA - Mở cửa
‘Hụt hơi’ trái phiếu, doanh nghiệp tìm cách giảm áp lực trả nợ đáo hạn
Nguồn tin: Thời báo kinh doanh | 14/11/2022 11:24:54 SA
Theo dữ liệu của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, trong tháng 10 có duy nhất 1 đợt phát hành riêng lẻ được thực hiện thành công của Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo với giá trị 210 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra là doanh nghiệp cần làm gì khi phát hành trái phiếu trong thời gian tới cũng như tránh làn sóng “tháo chạy” khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp?
 
Như vậy, lượng trái phiếu doanh nghiệp tháng 10 đã sụt giảm mạnh so với tháng trước. Trong tháng 9, thị trường ghi nhận tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng.
 
Giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56%
 
Tính từ đầu năm đến hết tháng 10/2022, theo thống kê của VBMA, có tổng cộng 2 đợt phát hành ra quốc tế của Công ty CP Tập đoàn VinGroup trị giá 625 triệu USD; 23 đợt phát hành ra công chúng với giá trị 10.599 tỷ đồng (chiếm 4% tổng giá trị phát hành) và 413 đợt phát hành riêng lẻ trị giá xấp xỉ 240.761 tỷ đồng (chiếm 96% tổng giá trị phát hành).

 
Gần đây có nhiều doanh nghiệp công bố mua lại trái phiếu doanh nghiệp trước hạn. (Ảnh minh hoạ: Int)
 
Như vậy, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng giảm 56% so với cùng kỳ năm trước và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 51% so với cùng kỳ năm trước.
 
Nhóm Ngân hàng hiện vẫn dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị đạt 136.287 tỷ đồng, tương đương 54% tổng giá trị phát hành. Nhóm Bất động sản đứng ở vị trí thứ hai với 51.699 tỷ đồng, chiếm khoảng 20%.
 
Cũng theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 147.484 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ. Ước tính, tổng giá trị trái phiếu đến hạn trong tháng 11/2022 là gần 13.528 tỷ đồng, đều là trái phiếu phát hành riêng lẻ.
 
Theo một ước tính khác, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng nữa, nhưng vẫn còn 58.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ đến hạn thanh toán. Trong đó có tới 35.000 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ của nhóm ngành bất động sản phải đáo hạn.
 
Trong bối cảnh tiếp cận vốn tín dụng mới không dễ dàng, các doanh nghiệp đang tìm nhiều giải pháp để giảm áp lực này.
 
Doanh nghiệp muốn trả được nợ phải bán được hàng. Tuy nhiên hiện vòng quay hàng tồn kho bất động sản tăng lên mức 1.500 ngày, tức là với lượng hàng đang có trên thị trường hiện nay, phải 4 năm mới tiêu thụ hết, theo ước tính của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Do đó để quay vòng, trước mắt nhiều doanh nghiệp tăng cường mua lại trước hạn.
 
"Họ có nhiều tiền mặt, họ đang chờ các cơ hội để mở rộng đầu tư. Thay vì mở rộng đầu tư trong giai đoạn tới thì họ lại mua lại trái phiếu trước hạn để đảm bảo", ông Nguyễn Vũ Long, Quyền Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán VNDIRECT, cho biết.
 
Điển hình như gần đây, Hưng Thịnh Land, Gotec Land, Nam Land, Công ty CP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, Công ty CP Phát triển Sunshine Homes...đã có kế hoạch mua lại trái phiếu trước hạn.
 
Doanh nghiệp phát hành nên minh bạch thông tin
 
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định:“Khả năng đảo nợ trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản khá thấp do nhà đầu tư nắm giữ chủ yếu là cá nhân đang bị hạn chế rất nhiều do niềm tin bị xói mòn cũng như do các quy định chặt chẽ hơn của Nghị định 65/2022 NĐ-CP và do các hạn chế trong việc tiếp cận vốn vay từ các ngân hàng. Đồng thời, dòng tiền từ hoạt động bán hàng đang gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh lãi suất tăng và tín dụng thắt chặt. Do đó, chúng tôi nhận thấy một số rủi ro đáng chú ý về nợ xấu và tăng lãi suất của thị trường từ khả năng đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp bất động sản trong thời gian tới”.
 
TS.Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, thông tin: "Trong 10 tháng qua, lượng vốn FDI đăng ký mới, mua bán sáp nhập trong lĩnh vực bất động sản đạt khoảng 3,9 tỷ USD, tương đương 17% vốn FDI vào Việt Nam".
 
Nhờ hoạt động mua lại trước hạn và thương thảo với nhà đầu tư nên áp lực trả nợ với trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã giảm hơn 9%.
 
Các chuyên gia cũng nhận định đang có một làn sóng “tháo chạy” khỏi thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí tháo chạy khỏi cả các quỹ đầu tư trái phiếu (bán chứng chỉ quỹ trước hạn). Theo ông Lê Hồng Khang, Trưởng phòng Phân tích xếp hạng tín nhiệm của FiinRatings, gốc rễ của vấn đề này là do nhà đầu tư thiếu thông tin.
 
Do đó, để tránh trường hợp doanh nghiệp phát hành hoạt động tốt mà vẫn bị “bond run”, doanh nghiệp phát hành nên minh bạch thông tin, bổ sung đánh giá độc lập để khẳng định vị thế kinh doanh của mình, cũng như khẳng định việc vẫn kinh doanh bình thường.
 
Nếu doanh nghiệp phát hành khó khăn trong chi trả, thì cần tôn trọng trái chủ bằng cách công khai, minh bạch lộ trình giải pháp, hoạt động cấu trúc lại thời gian trả nợ, để nhà đầu tư an tâm phần nào.
 
“Về phía nhà đầu tư, cần bình tĩnh, xem xét lại tài sản, trái phiếu mà nhà đầu tư đang nắm giữ của doanh nghiệp nào, kết quả kinh doanh ra sao, nếu thật sự tốt thì không có lý do gì bán rẻ, chiết khấu rất cao.
 
Trong trung hạn, giải pháp được nói tới nhiều là các quỹ bình ổn. Đây là biện pháp đã được áp dụng ở các quốc gia khác và các quỹ này sẽ có những điều kiện cụ thể vào những đối tượng cụ thể để có thể giải ngân”, ông Khang khuyến nghị.
 
Chính phủ yêu cầu đánh giá TPDN đáo hạn quý IV/2022 và năm 2023
 
Chính phủ vừa ban hành vừa Nghị quyết 143/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2022. Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị định số 65/2022/NĐ-CP ngày 16/9/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
 
Cùng với thực hiện Nghị định 65, Bộ Tài chính phải rà soát, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ để sửa đổi (nếu cần thiết).
 
Công văn của Chính phủ nêu rõ, Bộ Tài chính phải có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn trong ngắn hạn liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp và thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, hiệu quả, bền vững trong trung hạn, dài hạn. Sớm báo cáo đánh giá từng loại trái phiếu, việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ trong Quý IV/2022 và năm 2023, đề xuất giải pháp xử lý chủ động, phù hợp, hiệu quả với diễn biến tình hình.
 
Với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chính phủ yêu cầu phải chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác.
 
Trong đó, điều hành lãi suất, tỷ giá, tín dụng linh hoạt, phù hợp với diễn biến tình hình, có biện pháp can thiệp thị trường ngoại hối khi cần thiết theo quy định, bảo đảm ổn định thị trường tiền tệ và hệ thống các tổ chức tín dụng; có giải pháp hạn chế tình trạng găm giữ ngoại tệ, chuyển tài sản bằng tiền đồng sang ngoại tệ, ngăn chặn tình trạng đô la hoá và vàng hoá trong nền kinh tế.
 
Chính phủ yêu cầu NHNN phải cung cấp đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế, tập trung vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Kịp thời nắm tình hình, có giải pháp phù hợp hỗ trợ, chỉ đạo các ngân hàng thương mại đáp ứng nhu cầu vốn cho thương nhân nhập khẩu xăng dầu, than, góp phần tháo gỡ khó khăn, bảo đảm an ninh năng lượng.
 
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, củng cố niềm tin thị trường, tâm lý của nhà đầu tư, người dân và doanh nghiệp.