Sau tuần biến động mạnh, ông Bùi Văn Huy, Giám đốc chi nhánh TP.HCM, CTCK DSC cho rằng VN-Index đang có cơ hội hồi phục lên 1.050 điểm. Nhóm ngành Bất động sản có thể hồi phục mạnh sau khi đã liên tục chiết khấu sâu trong khi đó nhóm Ngân hàng đã tạo đáy trước chỉ số chung.
Ông Bùi Văn Huy
Đáy 2023 sẽ không thấp hơn đáy 2022
Chỉ số VN-Index đã ghi nhận biến động rất mạnh trong tuần giao dịch vừa qua và chốt phiên cuối tuần sát 970 điểm. Xin ông cho biết, liệu thị trường đã tạo đáy chưa?
Có thể nói kể từ đầu tháng 9 đến nay là quãng thời gian vô cùng khó khăn với chứng khoán. Sự mất niềm tin trên thị trường trái phiếu, sự thiếu hụt dòng tiền trên thị trường cổ phiếu và 2 tuần gần đây nhất là hiện tượng call margin của các cổ đông lớn cũng như call margin chéo. Sau khi tuần giao dịch vừa qua khép lại, có lẽ lâu lắm rồi chúng ta mới có được cảm giác nhẹ nhõm như vậy. Dù giá vẫn còn giảm sâu và VN-Index vẫn chưa phục hồi quá nhiều, tuy nhiên bối cảnh cũng đã bớt đi rất nhiều áp lực.
Về mặt bối cảnh, thị trường chứng khoán toàn cầu đang phục hồi rất tốt, đặc biệt là sự trở lại của các thị trường châu Á mà nổi bật là Trung Quốc. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và đặc biệt là đồng Dollar đã hạ nhiệt rất nhiều. Trong nước hiện tượng call margin đã dần qua đi. Tâm lý cũng ổn định hơn với nhiều động thái thể hiện sự quan tâm sát sao của cơ quan quản lý đối với thị trường. Bối cảnh tốt dần lên là điều kiện thuận lợi cho sự phục hồi.
Tín hiệu kỹ thuật cũng cho thấy đà phục hồi mạnh từ vùng quá bán, đặc biệt thân nến ngày thứ Tư tuần trước là cây nến có độ dài lớn nhất lịch sử từ điểm thấp nhất cho đến giá đóng cửa, kèm thanh khoản đột biến. Tín hiệu kỹ thuật cho tín hiệu đồng thuận, kháng cự gần nhất ở vùng 980-985 điểm, nếu qua vùng này, VN-Index có thể phục hồi về quanh 1.050 điểm. Tôi đánh giá cao kịch bản có thể hồi về 1.050 điểm trong ngắn hạn.
Trong đợt cao điểm của cơn bán tháo, có lúc VN-Index đã giảm hơn 43% từ đỉnh. Điều này chủ yếu đến từ sự méo mó và thiếu hụt dòng tiền ngắn hạn chứ không hoàn toàn từ vĩ mô. Do đó, cá nhân tôi cho rằng thị trường đã tạo đáy và đây là đáy dài hạn của VN-Index. Khó khăn của nền kinh tế trong năm 2023 vẫn còn và cũng là đoạn áp lực nhất với nền kinh tế, nhưng sóng giảm vĩ mô trong điều kiện không gây ra khủng hoảng/suy thoái thì chứng khoán thường chỉ giảm 20-30% từ đỉnh. Do đó thị trường nửa đầu năm 2023 có thể vẫn còn khó khăn và chứng kiến những đợt giảm giá, nhưng theo quan điểm của tôi, sang năm mới khi dòng tiền được phần nào khơi thông, đáy 2023 sẽ không thấp hơn đáy 2022 được.
Khối ngoại liên tiếp mua ròng trong thời gian vừa qua, là tín hiệu tích cực trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư nội nhiều thời điểm rơi vào trạng thái bi quan quá mức. Theo ông, xu hướng này có tiếp diễn trong thời gian tới khi các thông tin được đánh giá là ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường như lãi suất, tỷ giá, các vụ sai phạm, hay thị trường trái phiếu… đều đã phản ánh trong thời gian tương đối dài?
Trước tiên, động thái mua ròng mạnh mẽ của khối ngoại, đơn giản vì họ thấy giá cổ phiếu quá rẻ. Nhiều doanh nghiệp hàng đầu, giá rẻ và an toàn. Khi giá đã hồi, đơn cử như phiên thứ Sáu, mức độ mua ròng dần bớt lại.
Tiếp theo, đà mua ròng khối ngoại được kích hoạt khi thị trường chứng khoán toàn cầu hồi phục mạnh và đặc biệt là Dollar Index hạ nhiệt rất nhiều từ đỉnh.
Mức độ mua ròng có thể sẽ chậm lại vì hiếm lắm mới thấy khối ngoại mua ròng khủng khiếp như trong thời gian qua. Tuy nhiên với mặt bằng cổ phiếu vẫn rất hấp dẫn và liên thị trường tích cực, động thái mua ròng của khối ngoại khả năng cao sẽ tiếp tục được duy trì.
Theo ông, tác động call margin đã sắp kết thúc chưa?
Với góc nhìn người làm nghề, tôi thấy margin call đã kết thúc trên diện rộng. Vẫn còn trên bảng điện vài trường hợp cá biệt với những vấn đề riêng, tuy nhiên ảnh hưởng đến điểm số và tâm lý thị trường sẽ ngày càng ít lại.
Thị trường đã tự cân được nguồn tiền và trạng thái margin sau những đợt call gần đây đang dần cân bằng trở lại.
Cổ phiếu BĐS có thể có đợt hồi mạnh, Ngân hàng có dấu hiệu tạo đáy trước VN-Index
Động thái mới nhất của Thủ tướng Chính phủ là lập tổ công tác tháo gỡ khó khăn cho các dự án bất động sản đã được thị trường phản ứng tích cực khi nhóm cổ phiếu Bất động sản (BĐS) trừ PDR và NVL tăng mạnh trong phiên 18/11. Theo ông, diễn biến của nhóm cổ phiếu Bất động sản thời gian tới có tích cực hơn không?
Trước tiên, động thái này đáng được hoan nghênh khi nó thể hiện sự quan tâm của Chính phủ đến thị trường BĐS nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Thị trường BĐS hiện tại cũng gặp nhiều vấn đề, mà đúng là nếu không có những biện pháp tháo gỡ, thị trường sẽ rất ì ạch, thậm chí có thể đóng băng ở một số phân khúc, gây khó khăn cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tất nhiên, thành lập tổ công tác/ban chuyên môn hay thậm chỉ một ủy ban riêng để xử lý các vấn đề còn tồn đọng từ lúc thành lập cho đến triển khai thực thế còn là một quá trình dài, không thể ngày một ngày hai. Tuy nhiên, ít ra ở đây cũng có sự quan tâm, lắng nghe giữa các bên để đề ra giải pháp. Tôi cũng được mời tham gia xây dựng, góp ý kiến ở một số diễn đàn được tổ chức. Từ lúc nói, góp ý, đến lắng nghe, triển khai còn là một chặng đường, nhưng hy vọng đợt này triển khai nhanh, quyết liệt để gỡ rối cho thị trường BĐS.
Về cổ phiếu BĐS, nhiều cổ phiếu giảm 80-90% từ đỉnh, nhiều doanh nghiệp không dính đến trái phiếu, sống qua nhiều chu kỳ, tài chính ổn và tiềm lực, quỹ đất ổn cũng chịu chung số phận. Dù thị trường có thế nào đi nữa, BĐS luôn là ngành quan trọng trong một nền kinh tế đang phát triển như Việt Nam, tiềm năng vẫn là rất lớn. Sau làn sóng call margin, cổ phiếu BĐS trước mắt tôi nghĩ sẽ có đợt hồi mạnh, đơn giản vì đã giảm quá nhiều, dù khó khăn chung của ngành còn nhiều trong năm 2023.
Hiện đang có tin đồn về việc nới room tín dụng cho các ngân hàng, theo ông, thông tin này có sơ sở hay không khi chỉ còn một tháng nữa là kết thúc năm tài khóa? Nhà đầu tư nên hành động như thế nào với các cổ phiếu Ngân hàng và thị trường nói chung?
Một trong những biện pháp mang tính hành chính và gây nên sự thiếu hụt dòng tiền trên thị trường là giới hạn room tín dụng. Với việc áp lực từ bên ngoài đã dịu bớt, Dollar Mỹ hạ nhiệt và việc thiếu room tín dụng đang gây quá nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, theo tôi nới room tín dụng thêm là hợp lý.
Thực tế, nêu cấp thêm 1-2% room tín dụng, chỉ cần vài tuần, các ngân hàng sẽ rất nhanh sử dụng hết mà thôi. Việc nới thêm room tín dụng vào giai đoạn cuối năm, khi nhu cầu vốn của doan nghiệp tăng cao cũng là động thái bình thường, nếu NHNN tự tin kiểm soát được các biến số vĩ mô khác.
Tuy nhiên việc cấp thêm room tín dụng, nếu được thực hiện nên được chọn lọc, ở các Ngân hàng nhất định, đảm bảo các nguyên tắc về an toàn vốn và định hướng dòng vốn tín dụng vào các ngành nghề sản xuất kinh doanh.
Thực tế, cá nhân tôi thấy giai đoạn hiện tại, ngành Ngân hàng đã tạo đáy trước VN-Index. Năm ngoái, nhóm Ngân hàng tạo đỉnh từ tháng 7/2021, rất lâu trước VN-Index. Hiện tại tôi thấy nhóm Ngân hàng có thể chú ý được. Định giá nhiều ngân hàng hiện dưới giá trị sổ sách, ở vùng thấp nhất 10 năm. Chất lượng tài sản tốt hơn giai đoạn 2012-2016 (giai đoạn thành lập VAMC) rất nhiều. Những khó khăn của ngành Ngân hàng vẫn còn ở phía trước, trong năm 2023, do đó cần chọn ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, không vướng vào các trái phiếu xấu, có tỷ trọng dư nợ thấp ở các nhóm ngành có rủi ro cao (như BĐS chẳng hạn).