• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
10 Tháng Mười Một 2024 2:26:01 CH - Mở cửa
Nghịch lý công nghiệp dược: Doanh nghiệp trong nước gia công với nhau
Nguồn tin: Báo Pháp luật | 28/11/2022 7:50:00 CH
Việt Nam thuộc nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp ngành dược chủ yếu làm gia công và gia công cho doanh nghiệp trong nước, việc chuyển giao công nghệ gần như không có.
 
 
Vì sao chuyển giao công nghệ gần như không có?
 
Việt Nam hiện thuộc nhóm quốc gia có tổng giá trị thị trường dược phẩm và mức tăng trưởng ngành dược nhanh nhất thế giới. Tổng giá trị thị trường dược phẩm tại Việt Nam đạt 2,7 tỷ USD trong năm 2015, tăng lên 5,1 tỷ USD năm 2018 và năm 2020 đạt 6,1 tỷ USD. Theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp dược Việt Nam ở cấp độ 3 (cấp có ngành công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic, xuất khẩu được một số dược phẩm).
 
Thông tin tại Hội thảo “Thúc đẩy chuyển giao công nghệ (CGCN) trong ngành công nghiệp dược tại Việt Nam” diễn ra mới đây, ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết, hiện Việt Nam có 228 đơn vị sản xuất dược đạt tiêu chuẩn GMP-WHO; Trong số 25.000 loại thuốc đang được cấp phép lưu hành trong toàn quốc do đơn vị trong nước sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ (KHCN) không cao, chữa các bệnh lý thông thường, bệnh lý thể nhẹ. Ngoài ra, 90% nguyên liệu sản xuất thuốc trong nước vẫn phải nhập khẩu. “CGCN trong công nghiệp dược gần như không có, gia công cho nước ngoài rất ít ỏi và hiện chủ yếu là gia công cho các doanh nghiệp (DN) trong nước” - ông Hùng cho hay.
 
Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và DN KHCN (Bộ KH&CN) ông Phạm Hồng Quất xác nhận: Tại Việt Nam, trong số các DN công nghệ Việt Nam hiện nay, hầu như chỉ có các DN sản xuất dược liệu thiên nhiên, thực phẩm chức năng, còn thuốc chữa bệnh hiểm nghèo, khẩn cấp mang tính điều trị, Việt Nam còn vắng bóng. “Như vậy, việc CGCN cao trong lĩnh vực sản xuất thuốc, đặc biệt là biệt dược còn rất yếu” - ông Quất đánh giá.
 
Nguyên nhân được đại diện Bộ Y tế chỉ ra là các điều kiện pháp lý hiện nay chưa rõ ràng. “Vì thế chúng tôi cũng đang tiến hành nghiên cứu sửa đổi luật về công nghiệp dược” - ông Tạ Mạnh Hùng cho hay.
 
Theo ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/03/2021 của Thủ tướng Chính phủ đã đề ra nhiều ưu đãi đối với các dự án, hoạt động CGCN với thuốc biệt dược gốc, tuy nhiên, cho đến nay các ưu đãi này chưa được thực hiện. “Các DN trong nước nhận CGCN sản xuất thuốc phát minh rất hạn chế do các ưu đãi chưa đủ hấp dẫn các DN CGCN sản xuất thuốc tại Việt Nam” - ông Tuấn nói.
 
Doanh nghiệp cần hướng dẫn cụ thể
 
Về phía DN, bà Nguyễn Thu Thủy, Trưởng Văn phòng đại diện Hà Nội - Công ty Servier cho biết, Quyết định 376/QĐ-TTg có quy định lộ trình giữ giá, giảm giá thuốc phát minh để thu hút DN CGCN sản xuất thuốc phát minh tại Việt Nam. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể ưu đãi này. Việc áp dụng thực tế các quy định trong đàm phán giá cũng chưa thống nhất, chưa đảm bảo tính khuyến khích đối với các dự án CGCN.
 
Giám đốc đối ngoại Tập đoàn dược phẩm Sanofi, bà Nguyễn Thị Lương Phong cho biết, từ sáng chế thuốc tới cấp phép, phát triển một dược phẩm mới mất thời gian từ 10 - 15 năm, chi phí 2,6 tỷ USD. Như vậy, chỉ cần chậm trễ một khâu hoặc ách tắc ở đâu thiệt hại sẽ rất lớn cả về thời gian và chi phí. Bà Phong ví von, Quyết định 376/QĐ-TTg là cứu cánh cho các DN khi có nhiều quy định thuận lợi, tạo điều kiện cho DN đầu tư CGCN tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ Quyết định này là chưa đủ. “Đây được coi như “nguyên liệu” nhằm sản xuất thuốc, nhưng từ nguyên liệu để thành thuốc đến tay người tiêu dùng thì còn cần rất nhiều yêu cầu khác, trong đó các văn bản hướng dẫn cụ thể là rất cần thiết…” - đại diện DN thẳng thắn.
 
Bà Ju Eunice Cho, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viatris phản ánh, các DN 100% vốn nước ngoài đang bị hạn chế trong việc nhận lại hoặc mua các sản phẩm thuốc nội địa hoá thông qua gia công, CGCN từ đối tác sản xuất tại Việt Nam và bán cho nhà phân phối trong nước. Thay vào đó, các công ty này phải đợi các đối tác xuất khẩu thuốc ra nước ngoài rồi nhập lại. Điều này làm phát sinh chi phí và thời gian không cần thiết trong việc đưa thuốc ra thị trường và tới tay bệnh nhân. Do đó cũng làm giảm hiệu quả đầu tư cũng như tính hấp dẫn trong thu hút đầu tư nước ngoài của các dự án CGCN.
 
Theo các chuyên gia, thời gian qua, tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, thiếu thuốc diễn ra nhiều nơi. Điều này đòi hỏi phải cơ cấu lại nền công nghiệp dược, làm sao để sản xuất trong nước vững chắc và mạnh mẽ, giảm phụ thuộc vào nước ngoài.
 
Quyết định 376/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước giai đoạn 2030 - 2045, đặt mục tiêu đến năm 2025 thuốc sản xuất trong nước đạt 75% số lượng sử dụng và 60% giá trị thị trường, tỷ lệ sử dụng dược liệu nguồn gốc trong nước, thuốc dược liệu tăng thêm ít nhất 10% so với năm 2020. Mục tiêu đến năm 2030, thuốc sản xuất trong nước đạt 80% số lượng sử dụng và 70% giá trị thị trường. Đồng thời, CGCN sản xuất ít nhất 100 thuốc phát minh còn bản quyền, vaccine, sinh phẩm y tế và thuốc mà Việt Nam chưa sản xuất được. Trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực, phấn đấu giá trị xuất khẩu thuốc sản xuất trong nước đạt khoảng 1 tỷ USD.