Trong quý 4/2022 và những tháng đầu năm 2023, thị trường trong nước và quốc tế dự báo sẽ có nhiều sôi động khi cả thế giới bước vào mùa vụ mua sắm cuối năm và các dịp lễ Tết.
Vì thế, các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để đảm bảo hàng hóa cho thị trường, vượt qua khó khăn do lạm phát trên thế giới.
Nhộn nhịp thị trường nội địa
Nhiều doanh nghiệp cung ứng hàng hóa cho thị trường nội địa đưa ra dự báo, sức mua của người dân có thể tăng từ 10-20% trong dịp lễ Tết cuối năm và đầu năm sau, nên sản lượng hàng hóa chuẩn bị cho thị trường cũng phải tăng tương ứng.
Ngay trong quý 3/2022, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho biết đã chuẩn bị ngân sách hơn 700 tỷ đồng để dự trữ, sản xuất hàng Tết, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2021. Theo kế hoạch, Vissan chuẩn bị 2.000 tấn thực phẩm tươi sống, chủ yếu là thịt lợn, tăng 30% so với năm ngoái cùng 4.200 tấn thực phẩm chế biến, tăng 10%.
Với các doanh nghiệp ngành bán lẻ, dịp cuối năm cũng là vụ mùa tất bật nhất trong năm nên lượng hàng hóa càng được chuẩn bị dồi dào. Đại diện Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho hay, đơn vị đã chuẩn bị khoảng 14.000 tấn hàng hóa cho trước, trong, và sau dịp tết Nguyên đán 2023. Với dự báo sức mua sẽ tăng cao, nên ngay từ tháng 11/2022, Saigon Co.op đã bắt đầu chạy chương trình khuyến mãi tết Nguyên đán.
Thực tế là sự chuẩn bị và kỳ vọng của các doanh nghiệp cung ứng cho thị trường nội địa là hoàn toàn có cơ sở khi doanh thu bán lẻ trong nước đang phục hồi mạnh mẽ. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 10 tháng năm 2022 tăng 20,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tháng 10/2022 tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, 2 thành phố lớn nhất cả nước cũng ước tính nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh. Theo ước tính của Sở Công Thương Hà Nội, tổng giá trị hàng hóa phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố đạt khoảng 39.500 tỷ đồng, tăng 15% so với thực hiện Tết năm 2022. Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết đã chỉ đạo các cơ sở sản xuất các mặt hàng phục vụ Tết trên địa bàn Thành phố có kế hoạch sản xuất đảm bảo nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng tối thiểu ít nhất 30% ngoài kế hoạch của Thành phố giao.
Tương tự, Sở Công Thương TPHCM ước tính số lượng hàng hóa lương thực, thực phẩm phục vụ cho tháng tết Quý Mão 2023 tới gần 40.000 tấn. Bên cạnh đó, TPHCM sẽ xây dựng nguồn hàng bình ổn thị trường; các doanh nghiệp bình ổn thị trường sẽ dự trữ nguồn hàng chiếm 25%-43% so với nhu cầu của người dân.
Xuất khẩu lo ngại về "cơn bão" giá
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đơn hàng trong quý 4/2022 và đầu năm 2023 do tác động của lạm phát, nhu cầu thị trường nước ngoài giảm sút. Vì thế, vụ Tết với nhiều doanh nghiệp đang rất ảm đạm.
Ngoài ra, "cơn bão" giá cũng đang ảnh hưởng đến việc cung ứng hàng hóa của hầu hết doanh nghiệp với nhận định giá nguyên vật liệu hiện đã tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, những giải pháp để chống chịu và khắc phục đang được các doanh nghiệp đề ra. Chẳng hạn, do giá cả nguyên liệu tăng cao, để tạo lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp buộc phải tăng thêm chương trình khuyến mãi hoặc cố gắng hạn chế thấp nhất mức tăng giá sản phẩm đầu ra để kích cầu tiêu dùng.
Theo đại diện Vissan, dưới tác động của nhiều yếu tố, người tiêu dùng vẫn đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu và quan tâm nhiều đến giá cả hàng hóa. Vì vậy, để bán được hàng, từ nay đến cuối năm, Công ty sẽ duy trì các hoạt động khuyến mãi theo hình thức cuốn chiếu. Các mặt hàng thực phẩm chế biến sẽ luân phiên giảm giá đến 25%, thực phẩm tươi sống cũng sẽ luân phiên giảm giá nhưng ở mức thấp hơn.
Với doanh nghiệp xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tiến vẫn đặt nhiều kỳ vọng vào việc duy trì đà xuất khẩu các sản phẩm nông sản truyền thống trong dịp lễ hội cuối năm và đầu năm. Tuy nhiên, để hỗ trợ cho hoạt động và nguồn thu của doanh nghiệp thì vẫn phải nỗ lực mở rộng thị trường nội địa và đẩy mạnh doanh thu từ hoạt động kinh doanh du lịch đang phục hồi.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp cho biết đã đầu tư nâng cấp, cải tiến công nghệ, máy móc để chủ động cho đợt sản xuất hàng Tết, nâng cao công suất để bù đắp phần tăng của giá nguyên liệu đầu vào. Các doanh nghiệp cho hay sẽ phải cân đối lại các chi phí vận hành để giữ giá ổn định, tăng cường kết nối sớm với các siêu thị, trung tâm thương mại, xây dựng kế hoạch đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử để chủ động thị trường đầu ra. Với các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ vừa phải cố gắng duy trì sản xuất, vừa phải có giải pháp để bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt để tăng sản lượng xuất khẩu không chỉ trong mùa tiêu dùng cuối năm 2022 mà có thể kéo dài sang năm 2023.