Cận cảnh Khu công nghệ cao Hòa Lạc sau hơn 2 thập kỷ thành lập (Video: Hà Phong).
Dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc được thành lập theo Quyết định số 198/1998/QĐ-TTg ngày 12/10/1998. Sau hơn 2 thập kỷ thành lập cũng là hơn 12 năm từ khi tỉnh Hà Tây sáp nhập vào Hà Nội, đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn còn nhiều đất hoang.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc với quy hoạch tổng thể trên tổng diện tích 1.586ha được Thủ tướng phê duyệt năm 2008 và được điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016, Khu Công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng theo mô hình thành phố khoa học với đầy đủ các dịch vụ tiện ích và những khu chức năng.
Theo thông tin từ Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc tại thời điểm tháng 7/2020, TP Hà Nội đã giao cho Ban quản lý 1.530ha trên tổng số 1.586ha đất để xây dựng và phát triển Khu Công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch (Trong ảnh là khu vực dự án của Viettel).
Được biết, dự án phát triển cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Hòa Lạc thực hiện từ nguồn vốn ODA với mục tiêu đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, được ưu tiên bố trí đủ vốn đảm bảo đúng tiến độ hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, tổng diện tích đất các nhà đầu tư đang sử dụng mới đạt khoảng 240ha, khoảng 1/4 đất sạch và vẫn còn khoảng hơn 200ha chưa giải phóng mặt bằng (Trong ảnh là khu vực dự án của Vingroup).
Đến nay, theo ghi nhận thực tế, dù đã có những tín hiệu tăng tốc từ một số "ông lớn" như Viettel, FPT, Vingroup và một số doanh nghiệp FDI nhưng thực tế cho thấy, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn dường như chưa tương xứng với kỳ vọng.
Hiện tại, trong Khu công nghệ cao đang có các công trình xây dựng, tuy nhiên số lượng ít.
Khu công nghệ cao Hòa Lạc hiện có nhiều khu vực đất đai rộng lớn vẫn được quây tôn, bị bỏ hoang chưa có dấu hiệu được triển khai.
Một nhà máy xây dựng dang dở, bỏ hoang tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Không ít lô đất trong khu đang bị bỏ hoang, là nơi người dân tận dụng để chăn thả gia súc.
Theo nội dung văn bản Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội, trả lời kiến nghị của cử tri vào khoảng tháng 8 vừa qua, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đã ưu tiên bố trí đủ vốn theo nhu cầu hơn 2.367 tỷ đồng để hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích Khu công nghệ cao Hòa Lạc theo quy hoạch và xây dựng một số hạ tầng kỹ thuật thiết yếu còn lại của Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, để triển khai dự án xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 74 quy định cơ chế, chính sách đặc thù đối với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 899 ngày 27/5/2016 về điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng tỷ lệ 1/5000 khu công nghệ cao Hòa Lạc đến năm 2030 nhằm thực hiện các giải pháp đồng bộ để kết nối giữa các khu vực, hạ tầng giao thông chung của khu vực, xây dựng đô thị vệ tinh Hòa Lạc trong tương lai.