Sau khi về đích sớm mục tiêu lợi nhuận năm 2022, một số doanh nghiệp đã “thừa thắng xông lên” đặt ra mục tiêu lớn hơn cho năm 2023 nhưng cũng có doanh nghiệp dè dặt hơn với kế hoạch năm tới khi dự báo tăng trưởng của Việt Nam có khả năng chậm lại.
Năm 2022 đang dần kép lại với rất nhiều khó khăn, thử thách hậu đại dịch COVID-19. Dù vậy, nhiều doanh nghiệp đã sớm cán đích doanh thu và lợi nhuận đặt ra cho cả năm chỉ sau 11 tháng, thậm chí có doanh nghiệp còn vượt xa kế hoạch đề ra chỉ trong 9, 10 tháng.
Với kết quả tăng trưởng khả quan trong năm 2022, một số doanh nghiệp tiếp tục đặt kỳ vọng lãi lớn trong năm tới, song cũng có những doanh nghiệp thận trọng hạ thấp mục tiêu của năm 2023.
Tự tin với mục tiêu lãi nghìn tỷ
Trong số các nhóm ngành có kết quả tăng trưởng tốt trong năm 2022, ngân hàng là một trong những nhóm ngành có đóng góp nhiều nhất cho đà tăng trưởng chung của toàn thị trường khi phần lớn thành viên đều ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm, một số ngân hàng thậm chí đã sớm cán đích kế hoạch lợi nhuận năm. Đây cũng là cơ sở để các ngân hàng đặt ra mục tiêu lớn hơn cho năm 2023.
Điển hình là Eximbank. Trong nghị quyết về kế hoạch kinh doanh 2023 trình đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thông qua, Eximbank đã chấp thuận đề xuất của ban điều hành ngân hàng về kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế ước đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 42,9% so với mức dự kiến đạt được trong năm 2022 là 3.500 tỷ đồng.
Với con số 3.500 tỷ đồng, lợi nhuận của nhà băng này tăng trưởng hơn 260% so với cùng kỳ 2021. Trước đó, trong báo cáo tài chính quý 3/2022, Eximbank công bố 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 3.181 tỷ đồng, gấp tới 3,3 lần so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả này, ngân hàng đã hoàn thành vượt xa kế hoạch lợi nhuận cho cả năm đề ra hồi đầu năm là 2.500 tỷ đồng.
Ngoài nâng chỉ tiêu lợi nhuận năm tới, ban lãnh đạo Eximbank cũng đặt mục tiêu đưa tổng tài sản năm 2023 ước đạt 210.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2022; dư nợ cấp tín dụng dự kiến tăng 14%, đạt 146.600 tỷ đồng, thấp hơn so với mức 1,7% vào cuối năm nay; huy động vốn ước tính tăng 11,8% lên khoảng 165.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 1,6% so với mức 1,7% năm nay.
Cùng tận dụng đà tăng tốt trong năm 2022, Dược Hậu Giang cũng đặt kế hoạch lãi nghìn tỷ trong năm 2023. Trong kế hoạch kinh doanh năm 2023 phê duyệt mới đây, ban lãnh đạo Dược Hậu Giang đề ra mục tiêu doanh thu thuần 5.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.130 tỷ, lần lượt tăng 18,4% và 32,4% so với kế hoạch năm 2022. Nếu đạt được kế hoạch này, đây sẽ là kết quả doanh thu và lợi nhuận năm cao nhất từ trước đến nay của Dược Hậu Giang.
Trong 9 tháng đầu năm Dược Hậu Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.346 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ và lãi trước thuế 836 tỷ, tăng 24%. Biên lợi nhuận gộp đạt 48,9%, cao nhất trong 5 năm qua và nằm trong nhóm những doanh nghiệp dược có biên lợi nhuận gộp cao nhất ngành. Với kết quả này, công ty đã thực hiện được 79% kế hoạch doanh thu và 98% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm.
Dù không đạt lợi nhuận nghìn tỷ như hai doanh nghiệp Eximbank hay Dược Hậu Giang, song với việc vượt 6% kế hoạch năm 2022 chỉ trong 11 tháng, đạt 6.335 tỷ đồng và hoàn thành 99% mục tiêu lợi nhuận năm, đạt 276 tỷ đồng, CTCP Đầu tư và Thương mại TNG mới đây cũng đưa ra dự kiến doanh thu và lợi nhuận năm 2023 tiếp tục tăng trưởng so với năm 2022, lần lượt đạt 7.000 tỷ đồng và 300 tỷ đồng.
Thận trọng hạ thấp chỉ tiêu
Ở chiều ngược lại, dù đã sớm hoàn thành kế hoạch năm 2022 song một số doanh nghiệp lại tỏ ra khá thận trọng trong đặt mục tiêu năm 2023.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An là một ví dụ. Sau một năm 2022 khá thuận lợi với ngành cảng biển, Vận tải và Xếp dỡ Hải An ước tính tổng doanh thu năm nay đạt 3.145 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm và tăng 61% so với doanh thu năm 2021. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất công ty mẹ cũng ước vượt 52% kế hoạch với 835 tỷ đồng, tăng 87% so với cùng kỳ.
Mặc dù kết quả kinh doanh năm 2022 tăng trưởng mạnh nhưng Vận tải và Xếp dỡ Hải An lại đặt kế hoạch năm 2023 đi lùi với tổng doanh thu giảm 16%, đạt 2.631 tỷ đồng và lợi nhuận hợp nhất sau thuế của cổ đông công ty mẹ giảm mạnh tới 64% về còn 300 tỷ đồng.
Tương tự, Vận tải và Xếp dỡ Hải An, dù đạt kết quả kinh doanh tốt trong niên độ 2021 - 2022 song CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC Sugar) lại khá dè dặt đặt mục tiêu cho niên độ 2022 -2023 với doanh thu hợp nhất 17.017 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 850 tỷ đồng, lần lượt giảm 7% và 19% so với niên độ 2021 - 2022.
Trong niên độ 2021 - 2022 (năm tài chính kết thúc ngày 30/6/2022), TTC Sugar ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.319 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 873 tỷ đồng, tăng lần lượt là 23% và 34% so với cùng kỳ.
Năm 2022 cũng là năm “thăng hoa” trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Viglacera. Sau 11 tháng, lợi nhuận hợp nhất của công ty đã vượt 27% kế hoạch năm (kế hoạch đạt là 1.700 tỷ đồng) và tăng 59% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong báo cáo gần đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo doanh thu năm 2022 của Viglacera đạt 15.065 tỷ đồng, tăng 34,6% so cùng kỳ và 1.996 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 56%.
Tuy nhiên, VCBS dự báo kết quả kinh doanh năm 2023 của Viglacera sẽ sụt giảm so với năm 2022, với doanh thu đạt 14.946 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so và lợi nhuận sau thuế đạt 1.651 tỷ đồng, giảm 17%.
Việc các doanh nghiệp tỏ ra thận trọng trong đặt kế hoạch năm 2023 không phải là không có căn cứ khi nhiều dự báo cho rằng năm 2023 Việt Nam sẽ phải tiếp tục đối mặt các thách thức do tăng trưởng xuất khẩu thấp, môi trường lãi suất cao, lạm phát thế giới vẫn ở mức cảnh báo, thanh khoản thắt chặt và gia tăng áp lực nợ xấu ở mảng bất động sản.
Trong báo cáo về chiến lược đầu tư mới đây, Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng động lực tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 không nhiều, bao gồm: khôi phục du lịch quốc tế, đẩy nhanh giải ngân đầu tư công vào phát triển cơ sở hạ tầng và xu hướng chuyển đổi năng lượng đang diễn ra mạnh mẽ.
Công ty chứng khoán này dự báo GDP 2023 tăng 6,7%, cao hơn so với mục tiêu 6,5% của Chính phủ, song thấp hơn mức ước tính 7,9% năm 2022. Ngoài ra, lộ trình mở cửa của Trung Quốc và gia tăng cạnh tranh FDI giữa các nước trong khu vực là những biến số quan trọng đối với triển vọng kinh tế trong thời gian tới.
Trong bối cảnh xu hướng tăng trưởng sẽ chậm lại trong năm 2023, VNDirect cho rằng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng thấp hơn so với năm 2022.
Theo đó, công ty chứng khoán này cho biết, trong 9 tháng năm 2022, lợi nhuận toàn thị trường tăng 21,4% so với cùng kỳ, tuy nhiên, nhiều thách thức đã và đang nổi lên như xuất khẩu yếu, biên lợi nhuận giảm, gánh nặng chi phí lãi vay gia tăng và lỗ tỷ giá. Do đó, VNDirect kỳ vọng lợi nhuận ròng thị trường sẽ chậm lại đáng kể trong quý 4/2022 và chỉ tăng 17% trong năm 2022.
Sang năm 2023, lợi nhuận ròng toàn thị trường dự kiến sẽ tăng nhẹ 5% trong nửa đầu năm, sau đó cải thiện hơn trong nửa cuối năm 2023, đưa mức tăng trưởng cả năm lên 14%.