Kể từ sau khi cổ phần hóa vào năm 2018, đây là lần đầu tiên EVNGENCO3 thực hiện tạm ứng cổ tức trước khi chốt tỷ lệ trả cổ tức tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
EVNGENCO3 dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5,5%. Ảnh: EVNGENCO3.
HĐQT Tổng Công ty Phát điện 3 – CTCP (EVNGENCO3 - HoSE:
PGV) vừa thông qua phương án tạm ứng cổ tức năm 2022 theo đề nghị của Tổng Giám đốc Tổng Công ty tại tờ tình số 3273.
Theo đó, EVNGENCO3 sẽ tạm ứng cổ tức bằng tiền tỷ lệ 5,5% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu nhận 550 đồng) từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty. Số tiền dự kiến chi trả cổ tức xấp xỉ 618 tỷ đồng.
Danh sách cổ đông sẽ được chốt vào ngày 28/12/2022. Cổ tức được thanh toán vào ngày 10/2/2023.
Kể từ sau khi cổ phần hóa vào năm 2018, đây là lần đầu tiên EVNGENCO3 thực hiện tạm ứng cổ tức trước khi chốt tỷ lệ trả cổ tức tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên.
Trước đó, EVNGENCO3 đã hoàn tất chi trả cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 13% từ tháng 7/2022. Tính ra, EVNGENCO3 đã chi trả tới hơn 1.460 tỷ đồng cho các cổ đông.
Tại bản tin nhà đầu tư, EVNGENCO3 cho biết sản lượng điện luỹ kế 10 tháng của công ty mẹ ước tính đạt 26.838 triệu kWh, tăng 7,35% so với cùng kỳ và ước đạt gần 85% kế hoạch năm. Nguồn thủy điện tiếp tục được huy động cao do thủy văn thuận lợi. Các nhà máy nhiệt điện khí và than huy động theo nhu cầu của hệ thống.
Giá thanh toán toàn phần bình quân tháng 10 vừa qua đạt 1.567,88 đồng/kWh, quay đầu giảm sau bốn tháng thứ tư liên tiếp nhưng vẫn cao hơn 68% so với cùng kỳ 2021. Do đó, doanh thu sản xuất điện luỹ kế 10 tháng đầu năm 2022 của công ty mẹ EVNGENCO3 ước đạt 37.682 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 85% kế hoạch năm.
Về các yếu tố đầu vào, EVNGENCO3 cho biết khả năng cung cấp khí khu vực Đông Nam Bộ đảm bảo cho sản xuất điện với mức trung bình đạt khoảng 15,3 triệu m3/ngày. Các nhà máy điện Phú Mỹ đảm bảo nhiên liệu khí, dầu luôn duy trì tồn kho tối ưu cho sản xuất.
EVNGENCO3 cũng cho biết sản lượng điện tháng 11/2022 dự kiến 2,5 tỷ kWh, trong đó công ty mẹ hơn 2.1 triệu kWh; công ty con và liên kết dự kiến 321 triệu kWh.
Nhận định về triển vọng ngành điện trong năm 2023, VCBS đánh giá nhu cầu phụ tải được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP nhờ vào làn sóng dịch chuyển sản xuất và nguồn vốn đầu tư FDI lớn Việt Nam. Trong kịch bản cơ sở, nhu cầu phụ tải được dự báo sẽ đạt mức tăng trưởng kép ở mức 9,08%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và 7,95%/năm trong giai đoạn 2026-2030, công suất cực đại cũng được dự báo tăng trưởng ở mức tương đương. Công suất cực đại dự báo tăng trưởng lần lượt 8,91%/năm và 7,82%/năm trong giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.
Ngoài ra, Lanila được dự báo suy yếu vào nửa đầu năm 2023. Theo dự báo của IRI, xác suất để ENSO (dao động phương Nam) duy trì trạng thái trung tính vào tháng ở mức 70% nên tình hình thủy văn sẽ bắt đầu kém khả quan hơn cho các doanh nghiệp thủy điện. Các doanh nghiệp nhiệt điện với các nhà mới có tuổi đời còn mới, vận hành ổn định được kỳ vọng sẽ được huy động sản lượng cao hơn.
Bên cạnh đó, CTCP Chứng khoán VnDirect nhìn nhận áp lực lên lãi suất và tỷ giá phần nào sẽ được giải tỏa từ giữa năm 2023. Theo đó, sức mạnh đồng USD vẫn sẽ duy trì ở mức tương đối trong cả năm 2023. VnDirect nhận định sự kết hợp giữa hai xu hướng Fed “bớt diều hâu” hơn từ giữa 2023 và dự trữ ngoại hối Việt Nam cải thiện sẽ chặn đà giảm giá của VND, đồng thời hé mở khả năng tỷ giá cuối năm 2023 sẽ giảm 1-2% (so với mức hiện tại).
Đây được đánh giá là thông tin tích cực tới các đơn vị có số dư nợ ngoại tệ lớn như EVNGENCO3,
PC1,
QTP….