Doanh nhân Đặng Văn Thành còn được nhắc đến nhiều với "mối nhân duyên" hợp rồi tan sau 20 năm tại Sacombank.
Ông Đặng Văn Thành sinh ngày 11/4/1960 trong một gia đình gốc Hoa. Đến nay nhắc đến doanh nhân Đặng Văn Thành, giới đầu tư gắn ngay với Thành Thành Công (TTC) – một đế chế mía đường. Ông Đặng Văn Thành cũng được giới đầu tư đặt cho một biệt danh dễ mến “ông vua mía đường”.
Ông Đặng Văn Thành khởi nghiệp từ rất sớm. Năm 1979, khi mới bước vào tuổi 20, ông cùng bà Huỳnh Bích Ngọc thành lập cơ sở sản xuất cồn với vốn điều lệ ban đầu chỉ 100 triệu đồng và 20 cán bộ nhân viên. Đây cũng là tiền thân của Tập đoàn Thành Thành Công TTC hiện nay.
Phải đến hơn 20 năm sau ngày thành lập cơ sở sản xuất cồn, năm 1998, Công ty TNHH Thương mại – sản Xuất Thành Thành Công ra đời, mở đầu cho sự xâm nhập sâu vào các lĩnh vực đầy tiềm năng như mía đường, ngân hàng, bất động sản và du lịch của đế chế TTC. Sự phát triển của TTC gắn liền với sự điều hành, dẫn dắt của doanh nhân Đặng Văn Thành.
Năm 2001 công ty xây dựng hệ thống kho bãi tại Khu công nghiệp Tân Bình; năm 2002 xây dựng hệ thống giao dịch mật rỉ và vận tải Đồng Nai. Năm 2004 phát triển cụm kho tại Khu công nghiệp Sóng Thần Bình Dương.
Bước ngoặt lớn, năm 2007 công ty thực hiện cổ phần hoá, tăng vốn lên 500 tỷ đồng. Đến 2010 vốn điều lệ công ty đã đạt 1.000 tỷ đồng.
Năm 2011 vốn điều lệ của TTC Group đạt hơn 3.000 tỷ đồng với 6 đơn vị thành viên là Mía đường Thành Thành Công Tây Ninh, đường Ninh Hoà, Thương mại Thành Thành Công, Đặng Huỳnh, Thành Ngọc.
Năm 2013 danh mục thành viên đã lên đến con số 19. Đến 2015 quy mô vốn điều lệ của TTC Group lên đến 11.371 tỷ đồng, hoạt động chính trong 5 lĩnh vực là bất động sản, năng lượng, nông nghiệp, giáo dục và du lịch.
Trước sự mở rộng về quy mô, TTC bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, hướng đến hoạt động theo mô hình Tổng Công ty với các ngành chính: Bất động sản, năng lượng, mía đường, du lịch và giáo dục. Đến năm 2017 quá trình chuyển đổi và vận hành theo mô hình Tổng Công ty mới chính thức hoàn thiện với hơn 150 đơn vị trực thuộc; vốn điều lệ đạt mức 14.378 tỷ đồng; tổng tài sản đạt 49.300 tỷ đồng.
Năm 2020 TTC tăng vốn điều lệ lên gần 19.400 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 72.300 tỷ đồng. Kết thúc năm 2021 TTC Group tăng vốn điều lệ lên 20.269 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 80.300 tỷ đồng.
Nhắc đến doanh nhân Đặng Văn Thành không chỉ nhắc đến TTC Group và mía đường, mà tên tuổi của ông còn gắn liền với Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã chứng khoán
STB).
Năm 1991 ông Đặng Văn Thành là một trong những cổ đông tham gia góp vốn thành lập Ngân hàng với vốn điều lệ ban đầu 3 tỷ đồng. Sau khi thành lập, giai đoạn từ 1993-1994 ông là Uỷ viên HĐQT Sacombank. Từ 1994 đến 2012 ông được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT Sacombank.
15 năm sau ngày thành lập, đến năm 2006 Sacombank đã tăng vốn điều lệ lên đến 2.089 tỷ đồng. Năm 2006 cũng là năm Sacombank quyết định đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn chứng khoán – trở thành ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên đưa cổ phiếu lên niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh.
Dấu ấn của doanh nhân Đặng Văn Thành tại Sacombank rất lớn. Năm 2006 khi ngân hàng đưa cổ phiếu lên sàn, ông Đặng Văn Thành là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngoài ra con trai ông, ông Đặng Hồng Anh cũng là Thành viên HĐQT. Thời điểm cuối năm 2006 báo cáo ghi nhận ông Đặng Văn Thành sở hữu gần 6,8 triệu cổ phần tương ứng 3,25% vốn điều lệ Sacombank và ông Đặng Hồng Anh sở hữu hơn 8,5 triệu cổ phần (tỷ lệ 4,08%).
Dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank được nhắc tới là một trong những ngân hàng TMCP có tiềm lực mạnh mẽ, lợi nhuận cao hàng năm.
Ghi dấu ấn lớn tại Sacombank, nhưng vòng cuốn khủng hoảng không thể tránh khỏi, năm 2012 ông Đặng Văn Thành thôi giữ chức danh Chủ tịch HĐQT Sacombank. Cũng giai đoạn 2011 và 2012 các thành viên gia đình ông Đặng Văn Thành lần lượt chuyển nhượng và rút bớt vốn tại Sacombank. Không chỉ vậy những đơn vị trong “hệ sinh thái” TTC Group như Đường Biên Hoà, Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) Bourbon Tây Ninh cũng đều bán bớt phần lớn cổ phần tại Sacombank.
Công cuộc rời Sacombank ra đi của ông Đặng Văn Thành đến nay vẫn được những người trong giới chuyên môn, những nhà đầu tư nhắc lại. Nguyên nhân bắt đầu tư những đồn đoán liên quan đến 1 thế lực thâu tóm cổ phần
STB năm 2011, các cổ đông cũng lên tiếng trước thềm Đại hội cổ đông lúc đó về một cuộc chuyển giao quyền lực. Cổ phiếu
STB bị “kéo” mạnh xuống. Để cứu vãn, Sacombank đã thực hiện động thái mua lại 100 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ nhằm bình ổn giá, tổng số tiền chi ra khoảng 1.300 tỷ đồng.
Tuy vậy công cuộc “thay máu” tại Sacombank vẫn diễn ra. Đặc biệt trước thềm Đại hội cổ đông thường niên năm 2012 nhóm cổ đông lớn Eximbank còn gửi yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm Soát. Kết quả của kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm đó đúng là đã thông qua việc từ nhiệm của 5 thành viên HĐQT đương nhiệm và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thống nhất nâng tổng thành viên HĐQT lên 10 trong đó có 1 thành viên HĐQT độc lập. Ở lần bầu cử này, một nhân sự đáng chú ý: ông Trầm Bê. Sacombank bắt đầu hành trình mới không còn gắn liền với ông Đặng Văn Thành.
Đến cuối năm 2012, ông Đặng Văn Thành rời ghế Chủ tịch HĐQT, thay thế là ông Phạm Hữu Phú. Và kỳ Đại hội cổ đông thường niên năm 2013, ông Đặng Văn Thành và con trai Đặng Hồng Anh chính thức không còn là Thành viên Hội đồng quản trị của Sacombank.
Tác hợp và chia ly trong vòng hơn 20 năm từ 1991 đến 2012, ông Đặng Văn Thành đã để lại rất nhiều dấu ấn trong giới ngân hàng, tại Sacombank. Ra đi trong cuộc “thâu tóm” đình đám của ngành ngân hàng thời đó lại càng làm cho tên tuổi của doanh nhân Đặng Văn Thành được nhiều người nhắc tới.
Rời sacombank, ông Đặng Văn Thành về tập trung phát triển Thành Thành Công – doanh nghiệp gia đình. Thời điểm đó – năm 2011 TTC Group đã đạt mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng với 6 đơn vị thành viên, thì năm 2013 danh mục thành viên đã lên đến con số 19. Đến 2015 quy mô vốn điều lệ của TTC Group lên đến 11.371 tỷ đồng.
Đến nay, kết thúc năm 2021 TTC Group tăng vốn điều lệ lên 20.269 tỷ đồng và tổng tài sản đạt trên 80.300 tỷ đồng. Các mảng kinh doanh của TTC Group vẫn hoạt động ổn định.
Ở mảng giáo dục & du lịch, mới đây nhất, tháng 6/2022 trang chủ của TTC ghi nhận kết quả M&A: Trường Đại học Yersin Đà Lạt và Trường THPT Yersin Đà Lạt chính thức là thành viên mới trong hệ sinh thái của Tập đoàn TTC.
“Mang” Đại học Yersin Đà Lạt “về nhà”, không chỉ mảng giáo dục của TTC “thêm sức mạnh”, mà nếu nhìn theo một hướng khác, quỹ đất của TTC lại tăng thêm đáng kể.
Trang chủ Đại học Yersin Đà Lạt ghi nhận quá trình hình thành và phát triển của Đại học này, trong đó cho biết trường chính thức được thành lập từ năm 2004. Tháng 4/2005 UBND tỉnh Lâm Đồng giao cho trường 8.730m2 đất tại Thị Xã Bảo Lộc làm vườn thực nghiệm sinh học; tháng 5/2005 UBND tỉnh Lâm Đồng giao chính thức 30.384m2 đất tại đường Tôn Thất Tùng, Thành phố Đà Lạt để xây dựng trường; tháng 11/2008 UBND tỉnh Lâm Đồng giao tiếp cho trường thuê 161.000 m2 đất tại khu vực Hồ Chiến Thắng để xây dựng cơ sở 2.
Với lợi thế nắm giữ thêm ngành du lịch trong tay, việc kết hợp du lịch, tham quan liên quan trường học sẽ nằm trong tầm tay khi các khu đất mà Đại học Yersin Đà Lạt đang quản lý nằm trong những khu vực “nóng” về du lịch của Đà Lạt.
Đối với mảng bất động sản, thông tin từ trang chủ TTC ghi nhận TTC Land đang quản lý quỹ đất hơn 1.875ha với 14.000 sản phẩm là căn hộ và nhà ở tại 20 dự án.
TTC Land tập trung chính vào mảng bất động sản dân dụng - là mảng kinh doanh chủ lực mang về nguồn doanh thu và lợi nhuận chính.
Về tình hình kinh doanh, ở mảng bất động sản, TTC Land (
SCR) đã công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 với doanh thu giảm 63% so với nửa đầu năm 2021, đạt 574 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế thu về đạt gần 146 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tổng tài sản đạt xấp xỉ 9.800 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả hơn 4.656 tỷ đồng trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 943 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 907 tỷ đồng – tổng vay nợ thuê tài chính 1.850 tỷ đồng.
Riêng về bất động sản công nghiệp, trang chủ TTC Land ghi nhận hiện công ty đang có quỹ đất khu cộng nghiệp khoảng 1.000ha; khu kho cảng & điện mặt trời 184ha; khu dân cư 76ha. Hiện TTC đang sở hữu Khu công nghiệp Thành Thành Công, cụm công nghiệp Tân Hội tại Tây Ninh và Khu công nghiệp tân Kim mở rộng tại Long An.
Mảng năng lượng, TTC đang quản lý hệ thống 15 nhà máy thuỷ điện, 9 nhà máy nhiệt điện từ bã mía và hệ thống điện mặt trời, điện gió.
Báo cáo tài chính của Điện Gia Lai ghi nhận doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 tăng 70% so với nửa đầu năm ngoái , lên 1.600 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn 213 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ.
Tổng tài sản công ty đạt hơn 16.100 tỷ đồng. Nợ phải trả cũng duy trì quanh mức 11.200 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gần 630 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn hơn 7.100 tỷ đồng – tổng vay nợ thuê tài chính hơn 7.700 tỷ đồng.
Mảng nông nghiệp của TTC chủ đạo là mía đường. TTC sở hữu vùng nguyên liệu rộng 66.000ha trải dài 3 nước Đông Dương và 9 nhà máy đường tổng công suất hơn 37.500 tấn mía/ngày.
Báo cáo tài chính năm tài chính quý 1 năm tài chính 2022-2023 của TTC Sugar ghi nhận doanh thu quý 1 đạt hơn 5.300 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ (năm tài chính của TTC Sugar bắt đầu từ 1/7 và kết thúc vào 30/6 năm sau). Lợi nhuận sau thuế tăng hơn 34% lên mức 262 tỷ đồng.
Tổng tài sản đạt gần 27.900 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả duy trì mức 17.900 tỷ đồng, trong đó dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 8.700 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn 2.400 tỷ đồng.
Hiện nay trên thương trường, nhắc đến doanh nhân Đặng Văn Thành thông thường sẽ nhắc kèm “biệt danh” mà giới đầu tư vẫn thường gắn liền với tên ông là “ông vua mía đường”. Không chỉ vậy, cả gia đình ông đều gắn liền với Thành Thành Công và các biệt danh về mía đường.
Vợ ông Đặng Văn Thành – bà Huỳnh Bích Ngọc – là người đồng hành khởi nghiệp cùng ông Thành từ năm 1979 với xưởng sản xuất cồn nhỏ quy mô vốn 100 triệu đồng. Đến nay bà Huỳnh Bích Ngọc kiêm nhiệm nhiều vị trí trong “hệ sinh thái” TTC. Trong đó bà đang nắm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT tại CTCP Thành Thành Công Biên Hoà (TTC Sugar – mã chứng khoán
SBT). Ngoài ra bà cũng là Chủ tịch HĐQT tại Địa ốc sài Gòn Thương Tín (TTC Land –
SCR) và là Phó Chủ tịch HĐQT tại CTCP Đầu tư Thành Thành Công (TTCG). Nhiều người vẫn thường gọi bà Bích Ngọc với biệt danh "nữ hoàng mía đường".
Những người con của ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc hầu hết đều tham gia điều hành tại những doanh nghiệp, công ty trong “hệ sinh thái TTC”. Nổi bật nhất trong số đó là 2 cái tên Đặng Huỳnh Ức My và Đặng Hồng Anh.
Vị thiếu gia Đặng Hồng Anh đã nổi tiếng trên thương trường nhiều năm, từng một thời “chinh chiến” cùng ông Đặng Văn Thành tại Sacombank. Khi rút lui tại ngân hàng này, ông về gắn bó sự nghiệp tại “hệ sinh thái” TTC, kiêm nhiệm và kinh qua nhiều chức vụ quan trọng tại Tập đoàn TTC, DHC Corp hay Sacomreal... Vị thiếu gia nhà mía đường này còn được nhắc đến nhiều như một “cá mập” trong chuỗi chương trình Shark Tank. Ông Đặng Hồng Anh tham gia Shark Tank từ mùa thứ 2 và để lại nhiều dấu ấn trong các thương vụ đầu tư.
Cũng nổi bật không kém anh trai Đặng Hồng Anh là nàng “công chúa mía đường” Đặng Huỳnh Ức My. Sinh năm 1981, bà Ức My có trong tay bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Hiện tại bà đang là Chủ tịch HĐQT của Đầu tư Thành Thành Công (TTCG) và là Phó Chủ tịch của TTC Sugar.
Người em khác của ông Đặng Hồng Anh là ông Đặng Huỳnh Anh Tuấn, sinh năm 1991. Hiện tại ông đang là Thành viên HĐQT không điều hành tại Điện Gia Lai (
GEG). Tên tuổi và sự nghiệp của vị doanh nhân trẻ tuổi này chưa được nhắc tới nhiều.
Nắm giữ hệ thống nhiều công ty con, công ty liên kết và đơn vị thành viên, nhưng ở trên sàn chứng khoán thì đế chế TTC chỉ liên quan đến một số ít doanh nghiệp, trong đó mảng mía đường là TTC Sugar (mã chứng khoán
SBT); mảng năng lượng có Điện Gia Lai (
GEG); và mảng bất động sản có Sacomreal (
SCR).
Liên quan đến các khoản thế chấp tài sản, cả Điện Gia Lai và TTC Sugar đều thường xuyên thực hiện. Có thể lấy ví dụ như tháng 4/2022 Điện Gia Lai đã mang nhiều tài sản liên quan đến các nhà máy thuỷ điện thế chấp tại các ngân hàng để đảm bảo cho các khoản vay.
Về các lãnh đạo công ty, cá nhân ông Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc và cả thiếu gia Đặng Hồng Anh không thường xuyên có các giao dịch đảm bảo tại ngân hàng. Dữ liệu ghi nhận năm 2018 là năm bà Bích Ngọc nhiều lần mang tài sản ra thế chấp. Lần gần đây nhất tháng 5/2018 bà Huỳnh Bích Ngọc mang 689.889 cổ phiếu
SBT ra “cắm” tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Gia Định.
Doanh nhân Đặng Văn Thành cũng không thường xuyên mang tài sản ra thế chấp tại ngân hàng theo phương diện cá nhân. Lần gần đây nhất vẫn từ tháng 4/2018 ông Đặng Văn Thành cùng bà Huỳnh Bích Ngọc thế chấp 689.889 cổ phiếu
SBT tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam chi nhánh quận 1.
Nếu xét giá trị các cổ phiếu của các doanh nghiệp trên sàn mà gia đình doanh nhân Đặng Văn Thành nắm giữ, con số cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên báo cáo ghi nhận bản thân ông Đặng Văn Thành đã không còn nắm giữ cổ phần của bất cứ doanh nghiệp trên sàn nào. Chỉ những thành viên còn lại trong gia đình ông đang nắm giữ.
Bà Đặng Huỳnh Ức My sở hữu khối cổ phiếu
SBT hơn 100 triệu đơn vị và hơn 100.000 cổ phiếu
SCR, tổng giá trị tạm tính khoảng 1.300 tỷ đồng.
Ông Đặng Hồng Anh đang sở hữu khoảng 40 triệu cổ phiếu
SCR và hơn 9,7 triệu cổ phiếu
STB tổng giá trị xấp xỉ 450 tỷ đồng.
Khối cổ phần của bà Huỳnh Bích Ngọc bao gồm cả
SBT,
SCR,
GEG,
TID.. tổng giá trị khoảng 1.100 tỷ đồng.
Chưa kể đến khối cổ phiếu trên sàn do các công ty thành viên nắm giữ, mà gia đình ông Đặng Văn Thành là những người sở hữu gián tiếp.