Để tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc niêm yết giá, Cục Hàng hải Việt Nam đã thực hiện các đợt kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
Liên quan đến tình hình giá cước vận tải và các loại phụ thu của các hãng tàu, trao đổi với phóng viên TTXVN, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, giá cước vận tải biển quốc tế đã bắt đầu gia tăng trên toàn thế giới từ cuối năm 2020 do biến động của dịch COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là tuyến vận tải đi châu Âu và châu Mỹ.
Giá cước đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9/2021 và giảm dần, đến nay mức giá giảm khoảng 50% so với thời kỳ đỉnh điểm và vẫn đang có xu hướng giảm. Đối với giá cước vận tải nội địa cũng giữ ổn định do mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa còn gay gắt.
Để có giải pháp hạn chế hãng tàu tăng giá cước vận tải và tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc niêm yết giá, Cục Hàng hải Việt Nam đã phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) thực hiện các đợt kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
Theo đó, đề xuất một số giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về giá cước vận tải biển và các loại phụ thu của hãng tàu; đề xuất giải pháp quản lý hoạt động tuyến vận tải tải container.
Về một số khó khăn của các doanh nghiệp vận tải nội địa do giá nhiêu liệu tăng cao, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, thời gian qua Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư về giám thuế, phí để hỗ trợ doanh nghiệp. Về phía Bộ Giao thông Vận tải cũng đã giảm một loạt các phí liên quan đến dịch vụ hàng hải. Cục Hàng hải Việt Nam sẽ tiếp tục đánh giá, phân tích tình hình trong thời gian tới để có đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
Số liệu Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 11 tháng năm 2022 ước đạt hơn 670 triệu tấn, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2021. Tính tới thời điểm hiện tại, tổng sản lượng hàng hóa qua cảng biển đã đạt 92% so với kế hoạch của năm.
Đáng chú ý, sản lượng hàng hóa xuất, nhập khẩu đều suy giảm. Cụ thể, hàng xuất khẩu trong 11 tháng ước đạt hơn 163 triệu tấn, giảm 3% với cùng kỳ năm 2021. Hàng nhập khẩu cũng giảm 3%, ước đạt hơn 191 triệu tấn. Đối với mặt hàng nội địa có xu hướng tăng nhẹ, ước đạt hơn 314 triệu tấn, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, khối lượng hàng container thông qua cảng biển 11 tháng đầu năm 2022 ước đạt gần 23 triệu Teus, tăng 5% so với năm 2021.
Theo các chuyên gia kinh tế, thời điểm cuối năm, các doanh nghiệp kinh doanh cảng biển và vận tải biển đều đối mặt với khó khăn trước nguy cơ suy thoái kinh tế khi nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh, áp lực lạm phát cũng như tác động của chính sách Zero COVID từ Trung Quốc và cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Điều này khiến lượng hàng hóa qua các cảng đều bị ảnh hưởng, tốc độ tăng trưởng cũng khá ì ạch. Do đó, các doanh nghiệp cần chủ động thay đổi phương thức hoạt động kinh doanh để tránh những thiệt hại trong những tháng cuối năm.
Tuy nhiên, bất chấp khó khăn, một số doanh nghiệp cảng biển như Hải Phòng, Đà Nẵng... vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan. Thậm chí, có cảng đã đạt chỉ tiêu kế hoạch của năm ngay từ quý III/2022 như Cảng Hải An (Hải Phòng).
Theo báo cáo tài chính, luỹ kế sau quý III/2022, doanh thu Cảng Đà Nẵng đạt 863 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế đạt 245 tỷ đồng, hoàn thành khoảng 71% chỉ tiêu lợi nhuận được giao cho cả năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 197 tỷ đồng, tăng 8,7% so với cùng kỳ.
Tại Cảng Hải Phòng, chỉ tiêu lợi nhuận tháng 10 thậm chí đã vượt 30,3% so với kế hoạch đề ra, tăng 10,8% so với cùng kỳ. Trong khi đó, 10 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Cảng Sài Gòn ước đạt 1.041,2 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 81% kế hoạch năm. Lợi nhuận trước thuế ước đạt 250,9 tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ và đạt 65% kế hoạch năm./.