• International Edition
  • Giá trực tuyến: Bật
  • RSS
  • Hỗ trợ
VN-INDEX 1.252,56 -7,19/-0,57%
Biểu đồ thời gian thực
Cập nhật lúc 3:05:02 CH

Stockbiz MetaKit là phần mềm cập nhật dữ liệu phân tích kỹ thuật cho MetaStock và AmiBroker (Bao gồm dữ liệu EOD quá khứ, dữ liệu EOD trong phiên và dữ liệu Intraday trên 3 sàn giao dịch HOSE, HNX, UPCOM)

Stockbiz Trading Terminal là bộ sản phẩm tích hợp đầy đủ các tính năng thiết yếu cho nhà đầu tư từ các công cụ theo dõi giá cổ phiếu realtime tới các phương tiện xây dựng, kiểm thử chiến lược đầu tư, và các tính năng giao dịch.

Kiến thức căn bản

Tổng hợp các kiến thức căn bản về thị trường tài chính, chứng khoán giúp cho bạn có thể tiếp cận đầu tư thuận lợi hơn.

Phương pháp & Chiến lược

Giới thiệu các phương pháp luận sử dụng để phân tính, và các kỹ năng cần thiết phục vụ cho việc đầu tư.

VN-INDEX    1.252,56   -7,19/-0,57%  |   HNX-INDEX   226,88   -0,61/-0,27%  |   UPCOM-INDEX   92,15   -0,17/-0,18%  |   VN30   1.317,34   -9,31/-0,70%  |   HNX30   488,57   -1,41/-0,29%
08 Tháng Mười Một 2024 9:06:00 CH - Mở cửa
Kinh tế trưởng ADB: Nới 'room' tín dụng chưa đủ để khôi phục niềm tin
Nguồn tin: Nhà đầu tư | 07/12/2022 7:41:26 SA
Ngân hàng Nhà nước vừa nới "room" tín dụng, nhưng kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn tắc nghẽn và đầu tư công giải ngân chậm. Nhà đầu tư có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam, về các giải pháp tháo gỡ dòng vốn cho doanh nghiệp.
 
 
Ông Nguyễn Minh Cường, kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam. Ảnh: ADB.
 
Sau nhiều lần khẳng định sẽ duy trì trần tăng trưởng tín dụng 14%, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới nâng con số lên 15,5-16%. Theo ông, động thái này có làm dịu bớt "cơn khát" vốn của doanh nghiệp (DN)?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Số liệu NHNN cho thấy nới hạn mức tăng trưởng tín dụng như trên có thể sẽ giúp nền kinh tế có thêm 156.000-200.000 tỷ đồng. Đó là biện pháp hỗ trợ kịp thời khi nhiều doanh nghiệp đang "khát" vốn do các kênh dẫn vốn đều tắc nghẽn.
 
Tuy nhiên, đây chỉ là biện pháp tình thế. Phải thấy rõ là trong thời điểm này, để giải quyết bài toán "khát" vốn của DN và tắc nghẽn thanh khoản của nền kinh tế một cách triệt để, rất cần sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của các biện pháp tài khóa.
 
Hiện có khoản tiền rất lớn từ thu ngân sách, trái phiếu chính phủ nhưng bị tắc nghẽn vì giải ngân quá chậm, trong khi áp lực vẫn đè nặng lên ngân hàng trong những thời điểm căng thẳng như hiện nay. Việc nới "room" tín dụng phần nào giải tỏa thanh khoản tín dụng, nhưng chưa đủ để giải quyết sự suy giảm của "thanh khoản lòng tin" hiện nay. Cần các biện pháp rõ rệt, thiết thực hơn nữa, nhất là về chính sách tài khóa.
 
Chỉ số giá tiêu dùng bình quân 11 tháng tăng 3,02% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với các nước khác. Nhưng lãi suất cho vay hiện lên tới 12-14%. Liệu NHNN có quá thận trọng trong điều hành chính sách tiền tệ tới mức gây hại cho DN?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Trước hết, cần thấy rằng khủng hoảng kinh tế hiện nay là cuộc khủng hoảng chưa từng xảy ra, bởi đây là cuộc khủng hoảng do dịch bệnh. Vì vậy, những giải pháp ứng phó không chỉ đơn thuần là giải pháp kinh tế với các công cụ của chính sách tiền tệ và tài khóa.
 
Thực tế, Mỹ và các nước phát triển đã hoàn toàn bị động trong ứng phó với lạm phát. Cho đến khi lạm phát bùng nổ, họ vẫn nghĩ đó là lạm phát tạm thời và chính sách tiền tệ đã phản ứng rất chậm. Sau đó, lạm phát tăng mạnh và khó kiểm soát. Bài học rút ra là phải ngăn chặn trước lạm phát xảy ra.
 
Ở châu Á, nhìn chung mức độ lạm phát so với các khu vực khác trên thế giới không cao do chuỗi cung ứng không bị đứt gãy nhiều. Nhưng rủi ro lạm phát nhập khẩu tăng mạnh quý I và II khi Fed liên tục nâng lãi suất, sau đó một loạt ngân hàng trung ương các nước khu vực EU và châu Á đã nâng lãi suất để ngăn chặn lạm phát.
 
Ở Việt Nam, Fed nâng lãi suất khiến tỷ giá đồng USD tăng mạnh, khoảng 13%. Dù đồng Việt Nam ít bị mất giá hơn so với các đồng tiền khác của khu vực, sức ép lên lạm phát từ nhập khẩu vẫn rất lớn. Trong bối cảnh đó, việc nâng lãi suất điều hành của NHNN hoàn toàn dễ hiểu, phù hợp với xu hướng của khu vực.
 
Ở châu Á, nhìn chung lạm phát thấp hơn so với các nước phát triển, nhưng vẫn theo xu hướng tăng từ mức 3% tháng 1 lên 5,6% vào tháng 9, cao hơn mức trung bình 2,8% trong giai đoạn 2011-2015.
 
Do vậy, hầu hết các nước đều tăng lãi suất để ngăn chặn lạm phát và tránh sự mất giá của đồng nội tệ. Từ tháng 1 đến tháng 9/2022, đã có tổng số 53 lần tăng lãi suất ở các nước châu Á, so với 21 lần tăng lãi suất năm 2021. Từ tháng 10 đến tháng 11, các nước Châu Á tiếp tục có những làn sóng tăng lãi suất mới.
 
Không chỉ DN bất động sản, nhiều DN sản xuất than thiếu vốn lưu động và vốn cho đầu tư trung và dài hạn, trong khi kênh trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) gần như tắc nghẽn. Ông thấy có sai sót gì ở phía cơ quan quản lý trong ứng xử với DN không?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Đã có rất nhiều cảnh báo về TPDN từ trước đại dịch COVID-19, nhưng vấn đề ở đây là nên để nó ‘tự phát nổ’ hay để nó "xì hơi" dần dần. Cá nhân tôi cho rằng, cần giải quyết các vấn đề tích tụ của TPDN, nhưng trên nguyên tắc không để tắc nghẽn kênh huy động vốn quan trọng này. Khi giải quyết kênh TPDN mà để tắc nghẽn sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng, không khác gì để thị trường TPDN đổ vỡ.
 
Thứ hai, đây là thời điểm cực kỳ nhạy cảm của nền kinh tế. Một ví dụ về cách xử lý trong những tình huống đặc biệt là trong ngành hàng không, người ta không bao giờ xử lý sự cố trong lúc máy bay đang bay vào vùng thời tiết xấu. Vì vậy, thời điểm giải quyết rất quan trọng. Cần xem xét những sai phạm có thể gây ảnh hưởng đến an ninh của hệ thống hay không? Nếu không, chúng ta có thể xử lý sau. Nhưng nếu những sai phạm đó gây ảnh hưởng đến an ninh của hệ thống thì bắt buộc phải xử lý ngay.
 
Hiện nay, hệ thống thị trường tiền tệ trong nước hoạt động dựa trên lòng tin là chính - lòng tin của người phát hành trái phiếu và đặc biệt là lòng tin của các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Một khi lòng tin bị lung lay sẽ dìm cả thị trường. Do đó, nhà quản lý cần cân nhắc thời điểm xử lý và mức độ xử lý. Sai phạm nhất định phải bị xử lý, nhưng không được để dòng vốn bị tắc và tốt nhất là chọn đúng thời điểm để xử lý.
 
Trong khi đó, giải ngân ở kênh đầu tư công đang rất chậm. Dòng vốn FDI cũng đang có xu hướng giảm bởi nền kinh tế toàn cầu đang đi xuống.
 
Vậy cụ thể nên xử lý thế nào đối với kênh TPDN, thưa ông?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Chúng ta phải tách bạch hai vấn đề. Vi phạm pháp luật thì phải bị xử lý. Nhưng việc xử lý đó không nên làm ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Thị trường TPDN cũng mới phát triển trong những năm gần đây, không thể tránh được sẽ có những bất cập. Tuy nhiên thời điểm giải quyết những bất cập này rất quan trọng, đặc biệt khi có sự liên thông giữa thị trường TPDN với thị trường vốn, tiền tệ, và hệ thống tài chính.  
 
Nhìn vào những vụ việc xảy ra, dù cơ quan pháp luật khẳng định là không hình sự hóa và sai đến đâu làm đến đó, nhưng tâm lý thị trường thì khác. Những vụ việc đó đã và sẽ tác động rất mạnh đến tâm lý thị trường và từ đó dẫn đến đóng băng kênh TPDN. Điều này không công bằng đối với những DN vẫn kinh doanh tốt, nhưng do tâm lý thị trường nên họ không thể phát hành trái phiếu và không thể đảo nợ được, và hệ lụy sẽ là rất lớn nếu những quả ‘bom nợ’ đó phát nổ.
 
Vào thời điểm hiện nay, thậm chí nếu thấy cần thiết cũng phải nghĩ đến những giải pháp hỗ trợ DN có khó khăn về thanh khoản. Kinh nghiệm quốc tế, đặc biệt là cuộc khủng hoảng năm 2008 - đại khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu, chính phủ Mỹ đã buộc phải can thiệp trực tiếp để giải cứu các DN và ngân hàng.
 
Nếu cuộc khủng hoảng 2008 bắt nguồn từ vay dưới chuẩn của người đi vay mua nhà, vấn đề của chúng ta hiện nay là huy động dưới chuẩn của TPDN. Để giải quyết vấn đề huy động dưới chuẩn này, đòi hỏi sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chứ không riêng bộ, ngành nào.
 
Do vậy, câu chuyện hỗ trợ, tái cơ cấu DN cũng nên đặt ra vào thời điểm này. Nếu thị trường TPDN bị đình trệ, trên thực tế nó đã bắt đầu rồi, nó có thể sẽ có tác động lan truyền hệ thống, và với nền kinh tế.
 
Có ý kiến cho rằng khi chúng ta đang cố gắng vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, tại sao không cho phép "sự phá hủy tự nhiên", "có chơi, có chịu", "để thị trường xử lý" cho "công bằng", mà phải giải cứu?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Mỹ là một đế chế thị trường theo đúng định nghĩa trong sách chuyên ngành kinh tế. Nhưng nhìn vào những gì xảy ra trong những năm 2008-2009, ta có thể thấy Mỹ đã can thiệp trực tiếp vào các doanh nghiệp, dùng đúng từ là quốc hữu hóa, sau đó khi DN phục hồi thì bán lại cổ phần. 
 
Khi nói "hãy để thị trường xử lý", câu đó cũng không hoàn toàn chính xác. Không phải lúc nào thị trường cũng có thể xử lý được tất cả, có lúc nhà nước vẫn phải can thiệp.
 
Về trung và dài hạn, Việt Nam nên để cơ chế thị trường điều chỉnh, hạn chế bớt dần sự can thiệp của nhà nước, tăng cường vai trò của kinh tế tư nhân. Nhưng trong khủng hoảng, vai trò của nhà nước rất quan trọng. Trong khủng hoảng, nếu để thị trường tự xử lý quá đà, sẽ dẫn đến bất ổn định hệ thống, và đó là bài học cụ thể từ Mỹ chứ không phải chỉ là lý thuyết suông.
 
Bộ Tài chính nói "nhà đầu tư (TPDN) tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình". Bản chất của trái phiếu là vậy, nhưng những khó khăn của thị trường trái phiếu hiện nay không thể không có trách nhiệm của bộ. Ông có nhất trí với quan điểm này?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Trước hết, về mặt quản lý, lúc có khủng hoảng lòng tin, thì trách nhiệm quan trọng nhất của cơ quan quản lý là phải hỗ trợ để lấy lại lòng tin của nhà đầu tư, của người dân. Lòng tin không thể lấy lại bằng những con số đẹp về tăng trưởng hay thu ngân sách vượt kết hoạch, mà phải bằng hành động quyết đoán, cụ thể, và dám chịu trách nhiệm, hơn là né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
 
Kinh tế Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn lớn hơn rất nhiều vào những năm 2008-2011. Nhưng Việt Nam đã vượt qua được thời điểm khó khăn đó vì điều duy nhất Việt Nam có lúc đó là sự quyết đoán, là hành động cụ thể, và tinh thần dám chịu trách nhiệm. Những điều này dường như thiếu vắng vào thời điểm này, cho dù nền tảng kinh tế vĩ mô hiện tại tốt hơn nhiều so với trước đây.
 
Dường như cách giải quyết vấn đề phổ biến hiện nay vẫn là tránh né, đùn đẩy trách nhiệm sang các bộ ngành khác, đẩy xuống cấp dưới, đẩy sang lĩnh vực khác. Bộ máy quản lý đang thiếu vắng những cá nhân dám chịu trách nhiệm, mà phần lớn chỉ dựa vào quy trình và văn bản.
 
Trung Quốc mới đây đưa ra gói chính sách 16 điểm để giải cứu thị trường bất động sản vì những rủi ro lớn đối với hệ thống tài chính. Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) có nhiều kiến nghị Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, trong đó có TPDN. Ông có ủng hộ đề xuất "giải cứu"?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Cần có sự tách biệt hết sức rõ ràng giữa đầu cơ và đầu tư bất động sản, trong khi ranh giới giữa hai hoạt động này thực ra rất mong manh. 
 
Cần xác định bất động sản là một lĩnh vực đa ngành và rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế. Nó có liên quan đến hầu hết những lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, vì thế không nên nhìn nó dưới góc độ tiêu cực.
 
Thực tế, bất động sản hiện nay ở Việt Nam vẫn bị nhìn nhận theo góc độ tiêu cực, cho rằng đó là một lĩnh vực đầu cơ, sân chơi của các nhà đầu cơ, và nhà đầu cơ phải tự chịu trách nhiệm, rằng lúc được họ hưởng lợi thì không thấy chia cho ai, sao lúc thua lỗ lại bắt dân chịu? Nếu chúng ta xuất phát từ quan điểm bất động sản là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và một trong những lĩnh vực cần thu hút đầu tư thì lại khác. 
 
Vậy cách xử lý đối với bất động sản sẽ dựa trên quan điểm nào? Rõ ràng chúng ta thấy tác động của bất động sản lên nền kinh tế là rất lớn. Vài năm qua, tín dụng cho bất động sản bị NHNN siết chặt và có định hướng ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực sản xuất. Vì thế, kênh huy động cho phát triển bất động sản chủ yếu là TPDN. Khoảng 40% tiền huy động từ TPDN rót vào bất động sản, và hiện giờ kinh doanh bất động sản đang rất khó khăn. 
 
Mặt khác cũng phải nhận thấy thị trường bất động sản trong những năm qua tăng trưởng nóng, và giá bị đẩy lên cao khiến giao dịch giảm, tác động không nhỏ đến tính thanh khoản của thị trường.
 
Do vậy, không nên nói là "giải cứu" bất động sản vì như vậy có thể sẽ tạo ra những hiểu nhầm. Điều quan trọng nhất vào thời điểm hiện nay là giải quyết vấn đề thanh khoản cho DN, trong đó có thể có cả những DN bất động sản.
 
 
Công nhân Công ty VinFast sản xuất ô tô điện. Ảnh: Thắng Quang.
 
Quan điểm của ông giống với IMF khi nói phải rất thận trọng đối với điều hành tiền tệ. IMF trong một báo cáo tháng 9 nhận định chính sách tài khóa nên đi đầu (take the lead) trong việc hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vậy khuyến nghị của ông đối với vấn đề tài khóa là gì?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Quan điểm của ADB cũng như thế và năm ngoái ADB đã đưa ra khuyến nghị như vậy. Từ đầu năm, ADB đã khuyến cáo dư địa cho chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa của Việt Nam sẽ thu hẹp lại rất nhanh nếu Việt Nam không thực hiện nhanh.
 
Khi gói hỗ trợ được thông qua vào đầu năm nay, ADB đã luôn kêu gọi chính sách tài khóa phải dẫn đầu, mặc dù chính sách tiền tệ còn dư địa nhưng dư địa rất hẹp bởi lạm phát đang đà đi lên. Và câu chuyện hiện nay đang đúng như vậy, khi chính sách tiền tệ buộc phải thắt chặt rồi.
 
Chính sách tài khóa hiện nay của Việt Nam vẫn còn "dự địa". "Dư địa" ở đây theo hai nghĩa, cả về mặt cân đối thu chi ngân sách và hỗ trợ ngân sách từ gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua.
 
Trong giai đoạn này, chính sách tài khóa vẫn nên dẫn đầu, đặc biệt là giãn thuế, giảm thuế. Tất nhiên quan trọng nhất hiện nay là giải quyết vấn đề thanh khoản, khai thông các kênh dẫn vốn, nhưng mặt khác việc giãn thuế, giảm thuế cũng làm bớt đi rất nhiều gánh nặng cho DN.
 
Quan điểm của ADB là chính sách tài khóa cần hỗ trợ thêm cho chính sách tiền tệ và cần phải thể hiện hơn nữa vai trò chủ đạo trong giai đoạn phục hồi. Nhưng dư địa của chính sách tài khóa cũng đang dần bị thu hẹp bởi hiện nay ngân sách phải gồng mình lên để hỗ trợ giá xăng dầu, giảm bớt thuế phí cho giá xăng dầu. Đến một chừng mực nhất định, ngân sách cũng sẽ buộc phải thắt chặt. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, "dự địa" thực hiện vẫn còn, Việt Nam nên tận dụng để thực hiện theo hướng đó.
 
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, lượng tồn đọng rất lớn, khoảng 700.000-800.000 tỷ. Nếu số tiền này được "bơm" ra cho các dự án, đó sẽ là một hỗ trợ rất mạnh cho phục hồi kinh tế. Nhìn tổng thể, chi tiêu chính phủ, giải ngân đầu tư công sẽ là động lực, bệ đỡ cho kinh tế Việt Nam trong giai đoạn này và thậm chí đến năm 2023.
 
Tóm lại, ngoài nới "room" tín dụng cho doanh nghiệp, phải khơi thông và duy trì kênh TPDN và quản lý phải được hiệu chỉnh để không bóp nghẽn kênh này. Tiếp theo là biện pháp tài khóa, tức là giãn thuế, giảm thuế. Và bằng mọi giá phải đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, bởi hiện nay khối lượng dự án đã được hình thành. Và từ giờ đến hết sang năm, đầu tư công vẫn tiếp tục là một động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế.
 
Có nhiều nhận định cho rằng 2023 sẽ còn khó khăn hơn, sẽ có suy thoái kinh tế toàn cầu. Khi đó khó khăn của DN sẽ nhân lên gấp bội?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: Dự báo kinh tế thế giới suy thoái thì có lâu rồi, nhưng thực tế đến thời điểm này có thể thấy kinh tế thế giới sẽ khó khăn trong năm tới, nhưng không đến mức suy thoái nặng nề. Fed mới đây đưa ra tín hiệu rõ ràng là lạm phát có chững lại và kinh tế có điểm sáng với chỉ số tích cực về việc làm mới. Có thể Mỹ sẽ tránh được một cuộc suy thoái nặng nề. Kinh tế Mỹ có thể bị đình trệ, nhưng không hẳn suy thoái.
 
Đối với Trung Quốc, kỳ vọng 2023 sẽ là năm họ bỏ chính sách zero-COVID và dần mở cửa. Đó sẽ là một điểm sáng. Châu Âu thì kẹt trong lạm phát và khủng hoảng năng lượng, cuộc chiến Nga-Ukraine có thể đẩy Châu Âu vào suy thoái.
 
Một số dự báo cho thấy các nền kinh tế lớn đã nhích lên một chút và lạm phát đã hạ nhiệt. Khó khăn sẽ tiếp tục trong năm tới, nhưng thực sự sẽ rất ít khả năng có một cuộc suy thoái như những năm 2008-2010 khiến thế giới lao đao. Trong lúc cả thế giới có thể sẽ không vấp phải suy thoái nặng nề như dự báo, sức ép rủi ro từ bên ngoài tới Việt Nam cũng sẽ hạ nhiệt.
 
Nhưng trong 2023, những rủi ro nội tại của nền kinh tế Việt Nam sẽ nổi lên, ví dụ rủi ro từ thị trường vốn, thị trường tài chính, thị trường lao động, giải ngân đầu tư công, hiệu quả của bộ máy quản lý, và môi trường đầu tư kinh doanh.   
 
Trong bối cảnh rung lắc rất mạnh từ bên ngoài, các điểm yếu bắt đầu bộc lộ, và năm 2023 sẽ bộc lộ nhiều hơn nữa. Tóm lại, trong 2023, rủi ro nội tại sẽ tăng nhưng dư địa để ứng phó sẽ nới một chút bởi môi trường bên ngoài dễ thở hơn một chút.
 
Vậy có thể hình dung tác động từ những rủi ro nội tại này với DN như thế nào và DN nên ứng phó ra sao?
 
Ông Nguyễn Minh Cường: DN hiện đã chịu tác động của sự sụt giảm về xuất khẩu do nhu cầu ở các thị trường nước ngoài giảm.
 
Đối với những rủi ro nội tại, ngoài những hỗ trợ thông qua các biện pháp tài khóa, bản thân mỗi DN phải tự đánh giá mình có thể tự cơ cấu lại như thế nào, như cơ cấu lại hệ thống sản xuất, cơ cấu lại tài chính, và cơ cấu lại nhân sự…
 
Thực tế cho thấy DN Việt Nam rất năng động. Họ có thể vượt lên khó khăn, thích ứng và thành công mà không cần đợi những lời khuyên. DN Việt Nam có thể được xếp hạng là những DN nhanh nhạy nhất vì họ tồn tại, phát triển trong một môi trường kinh doanh phức tạp vẫn được giới chuyên môn ví von như giao thông Việt Nam. Ai lái xe đi được trong giao thông của Việt Nam thì có thể lái xe bất cứ nơi nào trên thế giới.
 
Xin cảm ơn ông!