Kéo VN-Index trở thành "nhiệm vụ bất khả thi", khi mà VIC nối dài chuỗi phiên lao dốc và phiên này thêm cả nhiều cổ phiếu lớn khác không ủng hộ.
VN-Index phiên 11/2
Các nhóm đều không sẵn sàng...
Sau nhịp rướn đáng kể nhất cuối phiên sáng, VN-Index chủ yếu lình xình dưới tham chiếu. Các cổ phiếu trong VN30 hầu như không có nhiều sự chuyển biến ngoài những chuyển động nhằm cần bằng lại tác động của nhóm Vingroup.
VIC với phiên bán ròng tiếp gần 270 tỷ đồng của khối ngoại đã ghi nhận chuỗi 11 phiên bán ròng với tổng giá bán ra là hơn 2.200 tỷ đồng.
Đà giảm của VIC (-2,7%) ảnh hưởng đến VHM (-0,5%), VRE (-3,9%) trong đó VRE chủ yếu bị bán ra trong phiên chiều.
Nhiệm vụ kéo VN-Index gần như là bất khả thi bởi các mã hàng đầu nhóm Ngân hàng là BID (-1%), VCB (-1,4%) cũng không ủng hộ. Chỉ một vài cổ phiếu như TPB (+4%), LPB (+3,6%), STB (+1,6%) rốt cuộc chỉ làm được vai trò giữ lửa cho sóng ngành chung.
Các cổ phiếu Thép hay Dầu khí như đã đề cập đều không sẵn sàng cho nhiệm vụ nặng nề này. GAS (-0,9%) hầu như vẫn giao dịch khá uể oải trong khi HPG (+0,3%), HSG (+1,9%), NKG (+2,5%) chỉ cố gắng hấp thụ lực bán chốt lời để đảo chiều tăng nhẹ.
VN-Index trong toàn bộ thời gian phiên chiều đã không có thêm một lần nào quay lại trên tham chiếu. Chỉ số chốt phiên giảm 5,08 điểm xuống 1.501,71 điểm. Thanh khoản chỉ đạt hơn 21.600 tỷ đồng.
Các giao dịch tại các cổ phiếu Midcap và Penny khác đều khá "bí" trong việc phát triển xu hướng. KBC (+1,76%), ITA (+4,1%), SZC (+2,3%) không ghi nhận thêm bước tiến trong phiên chiều khi mọi thành quả tăng đều đã tập trung vào hết phiên sáng.
Nhóm Bất động sản phân hóa mạnh trở lại và những mã giảm sâu nhất lại là những trường hợp đầu cơ mới thoát được đà rơi như CII (-5,6%), DIG (-5,3%), LDG (-2,4%). 2 trường hợp tăng mạnh nhất nhóm này là TDC (+6,8%), DPG (+6,6%) thực tế không phải là những cổ phiếu dành cho số đông khi giá trị giao dịch của cả 2 đều đạt dưới 50 tỷ đồng.
Chính những biến động chưa ổn định của các cổ phiếu Bất động sản từ HOSE đã liên đới sang CEO (-7,9%) khiến cổ phiếu này kéo HNX-Index quay đầu giảm trong phiên chiều. Chỉ số HNX-Index giảm 0,31% xuống 426,89 điểm. Giá trị giao dịch đạt 2.214 tỷ đồng.
Còn UPCoM cũng bỏ lỡ cơ hội hút tiền trong những phiên trước đáo hạn phái sinh. Cả sàn chỉ có duy nhất BSR (+1,5%) đạt giá trị giao dịch cao. Các mã còn lại đều đạt chưa đến 50 tỷ đồng. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,09% xuống 112,54 điểm. Thanh khoản đạt 1.399 tỷ đồng, trong đó riêng BSR chiếm hơn 30% giá trị.
*****
VN-Index sáng 11/2
Liên tiếp rung lắc
Ở phiên hôm qua, VN-Index có tới 4 lần rung lắc thì đến phiên hôm nay rung lắc vẫn tiếp tục xuất hiện. Nhịp rung lắc đến vào cuối phiên sáng sau khi chỉ số dành phần lớn thời ở dưới vùng tham chiếu.
Từ mức điểm số 1.502 điểm vào lúc 10h40, VN-Index "vụt" lên 1.507 điểm vào thời điểm 10h55. Tuy nhiên cũng nhanh sau đó, chỉ số lại tuột dốc về lại dưới tham chiếu, 1.503,67 điểm (-0,21%). Thanh khoản của HOSE ở mức trung bình, đạt 13.111 tỷ đồng.
Diễn biến liên tiếp rung lắc có thể được lý giải do VN-Index đã lên vùng cao nhưng cũng còn một lý do nữa là đáo hạn phái sinh sẽ vào ngày 17/2, tức thứ Năm tuần sau.
Điều này là không hề mới mẻ với nhà đầu tư thường xuyên theo dõi thị trường bởi VN-Index vẫn luôn có những vận động rất khó chịu các phiên trước kỳ đáo hạn.
Hiện khối lượng mở (OI) của HĐTL tháng 2 đang ở mức khá cao là 25.810 đơn vị nên sẽ có thể còn xuất hiện thêm những nhịp "diệt cả long và short" của dòng tiền lớn.
Các mã đã góp sức tạo nên sự xáo trộn của VN30 cuối phiên sáng đang là TPB (+2,9%), ACB (+1,1%), SAB (+0,9%), CTG (+0,8%) xuất hiện ở chiều tăng. Chiều ngược lại, VIC (-2,6%) vẫn là đầu tàu kém giảm chính bên cạnh HPG (-1,2%), VRE (-1,3%), VNM (-0,6%).
Sắc xanh trên HOSE tạm thời phải lép vế với 171 mã tăng so với 239 mã giảm và 70 mã đứng giá tham chiếu. Các cổ phiếu có tín hiệu khả quan như KBC (+1,94%), DPM (+3,11%), ITA (+4,11%), SZC (+2,18%) thực tế cũng đang ngần ngại tăng tốc.
HNX-Index cho thấy sáp lực từ phái sinh là không rõ rệt nên vẫn duy trì sắc xanh nhẹ. Các cổ phiếu PVS (+2,09%), IDC (+2,5%), IPA (+3,6%), IDJ (+8,55%) đang tham gia cân bằng lại ảnh hưởng từ CEO (-3,95%), THD (-0,17%). Chỉ số tăng 0,02% lên 428,31 điểm. Giao dịch đạt 1.318 tỷ đồng.
*****
Còn nhiều dang dở
Thị trường bị rơi vào trạng thái lưng chừng với việc Ngân hàng chững lại và VIC liên tục bị bán ra. Ở phiên sáng nay, Ngân hàng tiếp tục sự phân hóa nhẹ với BID (-0,8%), SHB (-0,8%), HSB (-1%), TPB (-0,8%), TCB (-0,6%), MSB (-0,4%), VPB (-0,4%) tương phản với LPB (+1,2%), MBB (+0,6%), CTG (+0,5%), OCB (+0,5%).
Còn VIC (-2,1%) có dấu hiệu chưa điều chỉnh xong. Mức giá hiện tại cũng đang là mức thấp nhất của phiên chiều qua trước khi có lực kéo lại trong phiên ATC. Tính trong vòng 5 phiên gần đây, VIC đã giảm hơn 15%, một điều không thường được thấy ở các Bluechips trong một xu hướng tăng.
Rất khó để các nhóm cổ phiếu khác có thể lấp vào chỗ trống của Ngân hàng hay các cổ phiếu nhóm Vingroup vào lúc này. Cổ phiếu Dầu khí và Thép đều chưa thực sự sẵn sàng thay thế.
GAS (-0,4%) đang lình xình và lép vế hơn so với các mã PVD (+2%) hay PVS (+2,8%) trên HNX và BSR (+3%) trên UPCoM. Dòng tiền vào Dầu khí thời gian gần đây khá từ tốn nên chưa thể tạo được sức bật như mong đợi.
Nhóm Thép có phiên thứ 2 chững lại và vẫn chưa lấy lại xu hướng tăng dài hạn nằm tại đường MA200. Hiện mới chỉ có NKG là đang giao dịch trên MA200. Do đó, Thép vẫn sẽ còn nhiều hoài nghi ở phía trước dù đã có 3 phiên đầu tuần rất ấn tượng.
Các nhóm ngành Chứng khoán, Bất động sản vẫn thường được lựa chọn khi Bluechips chững lại nhưng hiện tại vị thế của các cổ phiếu này cũng không còn tạo được sức hút do cú sốc tháng 1. DIG (-0,7%), CII (-2,99%), HBC (-1,87%), LDG (-1,2%), NLG (-1,5%) đều chưa thể hồi phục tiếp trong khi SSI (+0,7%), AGR (+0,2%), CTS (+0,4%), VND (+1%), HCM (+1%) tăng giá không nhiều.
Một lần nữa, cần phải khẳng định bức tranh giao dịch vẫn dang dở dù VN-Index đã lấy lại vùng 1.500 điểm. Theo thống kê, hiện cả sàn HOSE chỉ có khoảng 57% mã có xu hướng tăng ngắn hạn trong khi các mã có xu hướng tăng trung hạn chỉ là 42%.