Nhiều người quan tâm đến việc Novaland làm ăn ra sao, nợ nần thế nào dưới thời của Tổng giám đốc (CEO) Bùi Xuân Huy, nhất là khi gần đây, ông Huy được trao thêm vị trí Chủ tịch HĐQT ở công ty bất động sản sừng sỏ này.
Cách đây gần một tháng, Tổng giám đốc Bùi Xuân Huy đã đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova (Novaland) thay ông Bùi Thành Nhơn đang chuyển tập trung vào việc dẫn dắt và định hướng cho toàn bộ NovaGroup.
Đáng chú ý, ông Huy được bổ nhiệm giữ chức Tổng giám đốc Novaland trong 2 nhiệm kỳ liên tục, từ tháng 9/2017 đến tháng 1/2022.
Phía sau những "lời có cánh"
Trên website của Novaland cho biết ông Huy gắn bó với Novaland tròn 10 năm. Đặc biệt, giai đoạn 2020 - 2021, trong bối cảnh thị trường bất động sản và nền kinh tế nói chung gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh toàn cầu, ông Huy đã bản lĩnh điều hành hoạt động kinh doanh của tập đoàn phát triển bình ổn, đạt được các mục tiêu tăng trưởng trọng yếu như đã đặt ra tại các kỳ đại hội đồng cổ đông.
Quãng thời gian điều hành Novaland của CEO Bùi Xuân Huy có không ít chuyện để dư luận bàn thảo.
Cũng theo website này, với sự tín nhiệm cao từ HĐQT, ông Huy được vinh danh là lãnh đạo xuất sắc 6 năm liền, rồi được ghi nhận là doanh nhân bất động sản tiêu biểu của năm 2020 và năm 2021 do một tạp chí bình chọn. Ngoài ra, thương hiệu Novaland những năm gần đây cũng liên tục nhận được nhiều giải thưởng uy tín trong và ngoài nước.
Những "lời có cánh” là vậy, còn trên mặt trận truyền thông, trong quãng thời gian điều hành Novaland của CEO Bùi Xuân Huy có không ít chuyện để dư luận bàn thảo.
Điển hình là hồi tháng 1/2020, Novaland đã gửi đơn cầu cứu tới Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho Công ty TNHH phát triển quốc tế thế kỷ 21 - là công ty thành viên của Tập đoàn Novaland, được triển khai dự án 32ha tại quận 2 (Tp.HCM) nếu không sẽ bị mất thanh khoản dẫn tới nhiều hệ lụy cho thị trường bất động sản.
Trong đơn kêu cứu có nhắc đến chuyện Novaland đã bỏ vào dự án này hơn 6.000 tỷ đồng (thời điểm đó đã bị tạm đóng cửa gần 2 năm). Không chỉ vậy, việc cho thực hiện dự án sẽ giúp Novaland có nguồn thu tiếp tục thực hiện các dự án còn đang dang dở.
Và điều này còn để tránh những hệ lụy xấu không thể nào cứu vãn được nếu cổ phiếu của Novaland mất tính thanh khoản như gây nợ xấu 50.000 tỷ đồng cho hệ thống ngân hàng, gần 250.000 khách hàng biểu tình đòi trả nhà, lấy lại tiền, mất an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư…
Cần nhắc lại, trong cuộc gặp gỡ doanh nghiệp bất động sản bàn việc giải cứu các dự án bất động sản năm 2020 của Chủ tịch UBND Tp.HCM, dự án nêu trên đã được đích thân Tổng giám đốc Novaland Bùi Xuân Huy cầu cứu tới Chủ tịch UBND Tp.HCM.
Trong giai đoạn điều hành của ông Huy, giới phân tích cho rằng vấn đề lớn nhất của doanh nghiệp này chính là rủi ro pháp lý trong các dự án tại Tp.HCM. Do sở hữu quỹ đất lớn và đắc địa tại Tp.HCM, vốn liên quan tới nhiều thủ tục pháp lý phức tạp nên mức độ rủi ro khá cao so với các doanh nghiệp bất động sản khác.
Ám ảnh nợ “khủng”
Bên cạnh đó, việc tăng vay nợ các ngân hàng và phát hành trái phiếu để đầu tư phát triển dàn trải các dự án, mua hàng loạt công ty cũng là vấn đề đáng quan tâm đối với Novaland.
Ngoài ra, trong báo cáo tài chính quý IV/2021 được công bố gần đây của Novaland cũng có những điểm đáng chú ý. Theo đó, kết thúc năm tài chính 2021, tổng doanh thu hợp nhất ghi nhận hơn 14.967 tỷ đồng (tăng khá mạnh so với năm 2020 là hơn 5.241 tỷ đồng), lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt hơn 3.460 tỷ đồng (giảm đáng kể so với lợi nhuận năm 2020 là hơn 3.906 tỷ đồng).
Đặc biệt, nợ phải trả tính đến ngày 31/12/2021 là hơn 160.341 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn là hơn 48.634 tỷ đồng, nợ dài hạn là hơn 111.706 tỷ đồng.
Tính đến quý IV/2021, Tập đoàn đã thực hiện thanh toán tổng giá trị vốn gốc và lãi vay gần 29.926 tỷ đồng cho các khoản vay đến hạn và các khoản vay tất toán trước hạn từ nguồn tiền mặt sẵn có và nguồn tiền thu từ việc bán hàng. Đối với hoạt động huy động vốn, tính đến quý IV/2021, Novaland đã nhận giải ngân tổng cộng gần 36.024 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, các khoản nợ “khủng” của những doanh nghiệp bất động sản sừng sỏ luôn là điều mà nhiều người lo ngại, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn chịu “dư âm” của đại dịch Covid-19.
Như bài học trong vụ vỡ nợ của tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc là Evergrande, dù cho các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu ở Việt Nam chưa có khoản nợ quốc tế bằng USD đáng kể như Evergrande.
Với Novaland, thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) ghi nhận trong 8 tháng đầu năm 2021 đã niêm yết trái phiếu ở thị trường quốc tế với tổng quy mô vốn là 300 triệu USD.
Giới chuyên gia đã có khuyến cáo, vụ Evergrande là bài học quý giá để các CEO ở những doanh nghiệp bất động sản hàng đầu của Việt Nam - vốn dễ ru ngủ với những "lời có cánh”, cần sớm rút kinh nghiệm trong quá trình phát triển dự án và huy động vốn nhằm tránh những hệ luỵ xấu khó lường về sau.