Giá vàng trong nước sáng nay được điều chỉnh tăng khá mạnh, lên ngưỡng 66 triệu đồng/lượng trong bối cảnh giá kim loại quý trên thị trường thế giới tiếp tục đi lên khi căng thẳng tại Ukraina leo thang.
Khảo sát đầu giờ sáng nay (28/2), giá vàng miếng SJC tại Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đang ở ngưỡng 65,1 – 66 triệu đồng/lượng, tăng 700 nghìn đồng/lượng chiều mua và 400 nghìn đồng/lượng chiều bán. Chênh lệch giá mua vào - bán ra ở mức 900 nghìn đồng/lượng.
Trong khi đó, giá vàng Doji bán lẻ tại Hà Nội cũng tăng 50 nghìn đồng/lượng ở mỗi chiều, đang được niêm yết ở mức 64,1 – 65,6 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua vào - bán ra vẫn ở mức cao 1,5 triệu đồng/lượng.
Trong tuần trước, mỗi lượng vàng SJC đã tăng khoảng 1,5 triệu đồng, tương đương 3% giá trị.
Biểu đồ: Kitco
Giá vàng trong nước đi lên trong bối cảnh trên thị trường thế giới, giá kim loại quý tiếp tục tăng mạnh khi căng thẳng tại Ukraina leo thang. Hiện, giá vàng giao ngay trên Kitco đang ở mức 1.913,4 USD/ounce, tăng 24,4 USD, tương đương 1,29% so với chốt phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá tại Vietcombank, giá vàng thế giới đang được giao dịch ở mức 52,9 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 12,2 triệu đồng/lượng.
Tuần qua, thị trường vàng đã được hỗ trợ mạnh bởi những diễn biến căng thẳng tại Ukraine. Tuy nhiên, giá vàng thế giới đã không thể giữ được đà tăng và kết thúc tuần giao dịch ở mức dưới 1.900 USD/ounce. Các nhà phân tích nhận định giá vàng thế giới sẽ giảm vì xét về góc độ thị trường, các yếu tố bất ổn đã đạt đến đỉnh điểm.
Trong 15 nhà phân tích Phố Wall tham gia khảo sát của Kitco, 40% dự đoán giá vàng tăng vào tuần này. 7 chuyên gia – tương đương 47% nói rằng giá sẽ giảm thêm sau phiên điều chỉnh vào cuối tuần. Hai nhà phân tích có quan điểm giá vàng không biến động mạnh trong thời gian tới.
Trong khi đó, nhà đầu tư cá nhân vẫn kỳ vọng kim loại quý này sẽ đi lên sau khi kết thúc tuần với mức giảm hơn 60 USD. Cụ thể, 71% số nhà đầu tư tham gia khảo sát cho rằng giá vàng sẽ tăng trong tuần này, trong khi chỉ 19% tỏ ra hoài nghi và 10% có quan điểm trung lập.